Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong vận động nông dân liên kết, tham gia Hợp tác xã kiểu mới

28/05/2018 07:20:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, việc hình thành và phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới là yếu tố nền tảng quan trọng, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Sản phẩm HTX Quế Hồi xã Đào Thịnh tham gia Hội chợ Nông sản Việt 2017

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức cạnh tranh ngày càng gay gắt thì kinh tế hộ, cá thể và một nền nông nghiệp trình độ sản xuất ở mức thấp đã bộc lộ những hạn chế không nhỏ về quy mô sản xuất, trình độ quản lý, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính, tính bền vững và khả năng tiếp cận các cơ chế, nguồn lực hỗ trợ... Có thể nhận thấy việc hợp tác, liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh, nhất là trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa là một trong hướng đi đúng đắn. Trong những năm qua, phát huy vai trò của Hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam,  nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của kinh tế HTX, các cấp Hội nông dân Yên Bái đã có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn và hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển  kinh tế tập thể.

Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của Hội nông dân trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Luật HTX 2012 và Nghị quyết của Hội Nông dân các cấp về xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất hàng hóa, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, tăng cường trao đổi thông tin thị trường, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc đưa nội dung xây dựng kinh tế tập thể thành chỉ tiêu thi đua hàng năm, Hội nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với liên minh HTX tỉnh về xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thế (Tổ hợp tác, HTX, làng nghề) trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản ... chỉ đạo thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp với trọng tâm là xây dựng các tổ, nhóm hợp tác, liên kết từ các nhóm hộ vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, các nhóm hộ trong chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), lựa chọn các chi, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp làm cơ sở để vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, thông qua ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tín chấp với Nông nghiệp & PTNT đã chuyển tải trên 1.000 tỷ đồng hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, phối hợp với các ngành tổ chức có hiệu quả các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp …để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác (THT) do Hội vận động, hướng dẫn thành lập hoạt động hiệu quả.

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác vận động nông dân liên kết, tham gia HTX kiểu mới là thực hiện hiệu quả Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) thuộc tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) và xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình). Thực hiện chương trình này, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân; thành lập các tổ hợp tác, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững; kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với hội viên, nông dân sản xuất rừng và trang trại. Sau 3 năm thực hiện, Hội đã hỗ trợ thành lập mới được 02 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác, 31 nhóm hộ trồng rừng với trên 1.000 thành viên. Qua đánh giá, thu nhập các hộ thành viên tăng từ 10 -20%; năng lực sản xuất nông lâm nghiệp bền vững của người dân trực tiếp gắn với rừng được nâng cao. Tại huyện Trấn Yên, qua khảo sát tổ hợp tác Liên nhóm Quế xã Đào Thịnh cho thấy hoạt động của tổ hợp tác còn nhỏ lẻ, chủ yếu thông qua hình thức đổi công; trình độ, kỹ năng quản lý nhóm còn hạn chế; sản xuất và bán sản phẩm đơn lẻ, không có kế hoạch sản xuất cũng như thông tin thị trường, giá trị sản phẩm thấp… Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Trấn Yên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên hình thành hướng đi mới về phát triển Quế hữu cơ với sự liên kết sản xuất bền chặt và hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp. Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam ra đời từ liên kết, hợp tác giữa các tổ, nhóm trồng quế xã Đào Thịnh với Công ty Quế Hồi Việt Nam - VinaSamex. Với số vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng và 22 xã viên, trong đó 18 xã viên là các hộ, đại diện các tổ, nhóm trồng quế địa phương, 4 xã viên là thành viên của Công ty Quế Hồi Việt Nam –Vina Samex. HTX tập trung xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ có chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác với các công ty chế biến, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 50 lao động trở lên, bao tiêu được sản phẩm, dịch vụ cho vùng trồng quế xã Đào Thịnh và các xã lân cận. Thực tế cho thấy, nếu đảm bảo được tiêu chuẩn, Quế hữu cơ sẽ gia tăng giá trị của quế thành phẩm lên 1,5- 5 lần (tùy sản phẩm). Các khâu trực tiếp sản xuất, thu hoạch, sơ chế của người nông dân sẽ nhận được 10-50% giá trị tăng thêm so với sản xuất quế truyền thống.

Tại huyện Yên Bình, trước thực trạng người trồng rừng gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác rừng truyền thống theo hình thức nhỏ lẻ, từng hộ độc lập, thiếu thông tin thị trường, đầu ra không ổn định, thường xuyên bị các cơ sở thu mua gỗ ép giá, kiến thức chọn giống cây, kỹ thuật phòng trừ bệnh hại hạn chế, thiếu vốn đầu tư... Hội Nông dân tỉnh phối hợp Chi cục Lâm nghiệp tỉnh tham mưu cho tỉnh triển khai thí điểm Chương trình quản lý rừng bền vững  và cấp chứng chỉ rừng FSC.Theo đó, để được cấp chứng chỉ FSC thì rừng phải được chứng nhận đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân huyện Yên Bình tuyên truyền, phổ biến cho hội viên nông dân trồng rừng hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng FSC. Những ngày đầu triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, cán bộ Hội gặp không ít khó khăn, bởi lẽ, các khái niệm về Quản lý bảo vệ rừng và chứng chỉ rừng vẫn còn khá xa lạ không chỉ đối với người dân mà còn với cả các cán bộ xã, thôn. Nhiều người với quan niệm: từ trước tới nay, qua bao đời trồng rừng, họ đâu cần được cấp bất kỳ chứng chỉ hay phải theo một loại tiêu chuẩn nào họ vẫn trồng rừng, vẫn bán được gỗ rừng. Hơn nữa, người trồng rừng với tâm lý “ngại” các thủ tục, đặc biệt các thủ tục về chứng chỉ rừng FSC lại liên quan đến tổ chức quốc tế thì họ lại càng mang tâm lý “dè chừng” hơn. Song với quyết tâm “làm đến cùng”, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cấp Hội Nông dân huyện Yên Bình đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền từ cấp xã đến thôn, không quản ngại khó khăn trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích. Một trong những yếu tố quyết định đưa đến thành công trong công tác vận động chính là tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của cộng đồng và bản thân, thấy được nếu có chứng chỉ FSC sẽ bán được sản phẩm có giá trị cao hơn 10 – 15% so với giá thị trường. Người dân hạn chế tối đa việc khai thác trắng các cánh rừng, chú ý trồng xen các cây bản địa tạo thảm thực vật đa dạng, tránh chặt hạ cây ven các nguồn nước...Từ thành công trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, Hội đã tổ chức liên kết 494 hộ nông dân trồng rừng, thành lập 31 tổ nhóm tại 05 xã, thị trấn triển khai thực hiện quản lý, sản xuất rừng bền vững (FSC). Từ cuối năm 2016, Hội đồng quản lý rừng thế giới đã cấp chứng chỉ FSC cho 1.737,5 ha rừng tại 05 xã, thị trấn (xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình) trong thời hạn 05 năm từ 2016 đến năm 2021. Hội cũng hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Bình Minh từ tổ hợp tác thôn Lem, liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ tiêu chuẩn, có chứng chỉ CoC để có thể tiêu thụ gỗ FSC cho các tổ, nhóm nông dân trên địa bàn huyện.

Với sự nỗ lực trong công tác vận động, tư vấn hỗ trợ của các cấp Hội, sự đồng thuận của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đến nay các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp vận động, hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động 57 mô hình HTX trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 217 mô hình THT (trong đó, lĩnh vực trồng trọt  88 tổ; lĩnh vực chăn nuôi 39 tổ; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản 23 tổ; lĩnh vực dịch vụ kinh doanh 56 tổ; lĩnh vực SXKD tổng hợp 11 tổ…); trực tiếp hướng dẫn, xây dựng 69 mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 652 hộ tham gia (trong đó 10 mô hình trồng trọt, 48 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản, 8 mô hình dịch vụ và ngành nghề.  Năm 2017 đã thành lập và ra mắt chi hội nghề nghiệp “Trồng cây ăn quả có múi” xã Tân Lĩnh (huyện Lục Yên) với 33 thành viên và tổ Hội “Trồng rau an toàn”  tại thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái với 10 thành viên tham gia. Các HTX, THT, chi hội nghề nghiệp đã hình thành sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chia sẻ thông tin về thị trường, về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và lao động…

Những kết quả bước đầu trong tham gia xây dựng, phát triển kinh tế tập thể đã khẳng định thành công và đúc kết những kinh nghiệm quý trong trong công tác “nông vận” của Hội, góp phần đưa chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến với nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.

1156 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h