Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tập trung khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng sau mưa lũ

25/07/2018 14:10:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, hiện toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị thủy nông tập trung nhân lực, máy móc nhanh chóng khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do bão lũ gây ra, đảm bảo nước tưới cho phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nạo vét kênh mương để đảm bảo dẫn nước vào đồng ruộng

Công trình thủy lợi Nà La phục vụ tưới tiêu cho 30ha lúa của bà con nông dân ở xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước lớn cùng với đất đá đổ về đã khiến cho đập đầu mối bị bồi lấp hoàn toàn và gẫy hỏng 300 mét kênh dẫn nước xuống các cánh đồng. Để kịp thời đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sau khi rà soát hiện trạng thiệt hại và hư hỏng Công ty TNHH Nghĩa Văn đã cử cán bộ ở các cụm thủy nông cùng với máy móc tổ chức khắc phục, nạo vét toàn bộ khối lượng đất đá vùi lấp để nhanh chóng lấy nước cho đồng ruộng.

Kênh dẫn nước xuống các cánh đồng của công trình thủy lợi Nà La bị gẫy hỏng 300m

Bà Cao Thị Thoa - Cán bộ thủy nông cụm Tà Cọm cho biết: “Hệ thống thủy nông của cụm tôi quản lý bị thiệt hại rất lớn. Diện tích bị vùi lấp nhiều, toàn bộ hệ thống kênh mương bị vùi lấp của xã Sơn Lương tầm trên 5 cây số. Nhiều đầu mối hiện nay bị lấp kín, chúng tôi phải tìm và bới đất ra để nạo vét. Khối lượng công việc nhiều, nhân lực của cơ quan không đủ nên chúng tôi phải thuê thêm nhân lực để vạo vét kênh mương, dẫn nước về tưới cho các diện tích nông nghiệp.

Cùng với công trình thủy lợi Nà La, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 thì 198 công trình trong tổng số 1.750 công trình thủy lợi phục vụ tiêu tươi cho 4 huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái cũng bị hư hỏng nặng nề. Trong đó huyện Văn Chấn có số lượng công trình thủy lợi bị thiệt hại nhiều nhất với tổng số 85 công trình. Không chỉ khó khăn trong việc vận hành khai thác, một số công trình thủy lợi còn bị biến đổi dòng chảy gây tác động đến việc sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, nhiều hộ dân rất lo lắng nếu không khắc phục kịp thời thì sẽ không có nước để đảm bảo tưới tiêu vì diện tích lúa hiện nay chuẩn bị bước vào giai đoạn trỗ đòng. Ông Đinh Văn Dũng - người dân bản Pảo, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết: “Ruộng đồng và nhà cửa của chúng tôi đã bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Bà con chúng tôi chỉ mong sao nhà nước nhanh chóng khắc phục các công trình để cho nước vào tưới tiêu ruộng đồng”.

Ông Lường Văn Dong - Bí thư chi bộ bản Pảo, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn cho biết thêm: “hiện tại các công trình thủy lợi ở đây hư hỏng nặng, người dân không thể tự khôi phục được. Trước mắt chúng tôi mong nhà nước khẩn trương khắc phục các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới tiêu cho các cánh đồng ở 4 thôn bản là Bản Pảo, bản Nà La, Bản Tủ, bản Đông Hẻo.

Sau khi kiểm tra, rà soát số công trình thủy lợi bị hư hỏng, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị thủy nông đang quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi tập trung nhân lực tổ chức khắc phục bằng mọi biện pháp. Với những công trình bị ảnh hưởng ít thì huy động cán bộ tập trung nạo vét bùn đất để khơi thông dòng chảy. Công trình bị vùi lấp với khối lượng lớn thì huy động phương tiện, máy móc hỗ trợ.

Hiện tại, Công ty TNHH Nghĩa Văn tổ chức tự khắc phục 158 công trình với giá trị ước tính trên 18 tỷ đồng, đồng thời đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng 40 công trình với giá trị trên 34 tỷ đồng. Trong đó, có 6 công trình cần phải hỗ trợ, khắc phục ngay vì đã bị bồi lấp thượng lưu đập đầu mối, nhiều đoạn kênh bị vùi sâu, vỡ hỏng, sạt lấp và cuốn trôi gồm công trình thủy lợi Nà La, Khe Lo, Đá Đen, Huổi Thu, đập Bản Mười, đập Cốc Thủ.

Ông Phạm Minh Quang - Giám đốc Công ty TNHH Nghĩa Văn cho biết: “Công ty TNHH Nghĩa Văn quản lý các công trình thủy lợi của 3 huyện phía Tây và Thị xã Nghĩa Lộ với tổng số 1.750 công trình. Cơn bão số 3 vừa rồi đã gây thiệt hại 185 công trình, trong đó có 145 công trình công ty đã tự bỏ nguồn vốn ra để khắc phục bằng cách nạo vét, phát dọn những chỗ đất đá bồi lấp công trình nhằm đảm bảo nước tưới cho bà con. Đối với những công trình hư hỏng nặng thì phải xin kinh phí của tỉnh, ước tính khoảng trên 34 tỷ đồng. Trong đó có 6 công trình khẩn cấp chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương vừa thiết kế vừa thi công để đảm bảo nước tưới cho một diện tích lớn. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ đường ống vì hiện tại có 66 công trình bị thiệt hại đang cần lắp bằng ống với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. Với những kênh mương không xây dựng kiên cố được, trước mắt công ty sẽ cho đào bằng mương đất và dải bạt để khắc phục tạm thời lấy nước tưới, còn về lâu dài chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh cho đổ lại kênh mương và cho đậy nắp, còn các vị trí đặt ống thì cho xây dựng các mố trụ để giữ ống đảm bảo đước lâu dài”.

Hiện tại nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn khu vực phía Tây bị thiệt hại nhưng vẫn chưa thống kê được đầy đủ bởi một số thôn vẫn chưa được tiếp cận do diện tích sạt lở quá lớn. Tuy nhiên, với công tác khắc phục khẩn trương, huy động tối đa nhân lực, máy móc để nạo vét kênh mương, sửa chữa những đường dẫn nước sẽ đảm bảo nước tưới tạm thời cho bà con nhân dân trong thời gian tới.

1654 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h