Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái: Tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi

04/09/2019 15:49:54 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 4/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sau 4 tháng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khống chế dịch trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sau 4 tháng triển khai tổng lực các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, đến nay bệnh dịch đã có xu hướng giảm. Qua đánh giá cho thấy tỉnh Yên Bái đã tập trung tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, tỉnh Yên Bái là địa phương có số lợn bị tiêu hủy thấp nhất so với 12 tỉnh khu vực phía Bắc với 13.623 con (chiếm 2,9 % tổng đàn lợn của tỉnh); một số huyện đang dần khống chế giảm được bệnh dịch như Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu; tại các địa phương này có nhiều xã đã không phát sinh thêm lợn bệnh trong nhiều ngày qua; tại thành phố Yên Bái hiện có 5/10 xã qua 60 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Tỉnh đã kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch bệnh và kinh phí phục vụ cho công tác chống dịch. Toàn tỉnh hiện đang duy trì được 13 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên và 308 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 5 lợn nái và trên 50 con lợn thịt; các trang trại, cơ sở này vẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới dịch bệnh tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như: việc không kiểm soát triệt để các hoạt động của con người, phương tiện ra, vào vùng dịch, dẫn đến việc lây nhiễm và phát tán dịch bệnh; các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín; do người chăn nuôi còn sử dụng thức ăn tận dụng, thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; việc giết mổ lợn đều được thực hiện ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động giết mổ chủ yếu vào buổi đêm gần sáng, trong khi đó lực lượng thú y lại mỏng dẫn đến không kiểm soát được triệt để hoạt động giết mổ...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh tả lợn Châu Phi trong thời gian tới với các biện pháp trọng tâm gồm: việc chôn lấp, tiêu hủy lợn chết đảm bảo vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ và sản phẩm từ thịt lợn; tuyên tryền hướng dẫn người dân trong chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát việc vận chuyển, mua bán lợn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Khánh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để khống chế dịch bệnh như: Bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch; duy trì hoạt động có hiệu quả các chốt kiểm soát dịch bệnh; tổ chức phun tiêu độc, vệ sinh khử trùng môi trường; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm bệnh; nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi; kịp thời chi trả kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân; các địa phương cần ngăn chặn hiện tượng vứt xác lợn bệnh ra môi trường; tiếp tục tiêm vắc xin phòng chống các dịch bệnh thông thường trên đàn lợn...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai, thực hiện các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh; trọng tâm các địa phương phát sinh nhiều ổ dịch mới, khó kiểm soát dịch bệnh. Trong đó cần xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn tái đàn sau khi hết dịch, những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch, đủ điều kiện đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh…

Các địa phương đang còn xảy ra dịch, cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; xử lý triệt để các ổ dịch; kiểm soát tốt các nguy cơ lây lan, phát sinh thêm ổ dịch; tổ chức việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào ổ dịch bệnh động vật; quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ lợn việc nhập/xuất lợn để giết mổ tại các cơ sở này.

Đối với các địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh, cần tiếp tục duy trì công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; không để tái phát sinh thêm ổ dịch mới, khống chế thành công dịch, khôi phục lại sản xuất chăn nuôi trong thời gian tới; tiếp tục thực hiện vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi, chuồng nuôi nhốt lợn, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn, các chốt kiểm soát dịch bệnh. Cần thực hiện biện pháp nội bất xuất ngoại bất nhập đối với vùng dịch. Hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, nước uống và quản lý, chăm sóc tốt đàn vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi nông hộ.

Trước mắt, chưa thực hiện tái đàn tại các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ ở các xã bị dịch bệnh. Đối với các xã chưa bị dịch bệnh các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tái đàn phải đảm bảo về con giống rõ nguồn gốc tuy nhiên cần chuyển hướng dần chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi các vật nuôi khác như chăn nuôi gia cầm, tăng số lứa nuôi tối đa để tăng sản lượng, giá trị chăn nuôi, hoặc chuyển dần sang chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn có kiểm soát. Thực hiện nghiêm ngặt việc ra vào khu vực chăn nuôi. Áp dụng quy trình, các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học...

735 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h