Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nhớ lời Bác dạy chẳng mờ phai

19/11/2019 07:18:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tôi có may mắn được gặp gỡ những nhà giáo của mùa thu năm ấy đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào dân tộc miền núi. Đó là lớp thanh niên trí thức miền xuôi năm 1959 thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tình nguyện lên công tác tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Thầy Trịnh Thoại (ngồi bên phải) ôn lại kỷ niệm 60 năm trước cùng với ông Hà Văn Lợi - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Yên Bái

Gặp gỡ những người thầy của mùa thu 1959

60 năm về trước, ở các xã vùng sâu, vùng xa của Yên Bái nói riêng, Tây Bắc nói chung rất nghèo nàn và lạc hậu. Đặc biệt, người dân vùng cao còn phải đối mặt với nạn mù chữ. Ngày 7/5/1959, Bác Hồ cùng đoàn công tác lên Sơn La chứng kiến cảnh khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao. Sau chuyến công tác đó, tại Thủ đô Hà Nội, Bác đã kêu gọi lớp thanh niên miền xuôi thực hiện cuộc vận động đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào miền núi.

Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, một lớp thanh niên miền xuôi thế hệ đó đã tình nguyện viết đơn lên đường đi giảng dạy, công tác tại các tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc. Từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định…, hơn 800 thanh niên trí thức ngược lên Lào Cai, Yên Bái, Sơn La,… và gắn bó máu thịt với đồng bào dân tộc thiểu số, mang ánh sáng của Đảng đến với đồng bào vùng cao.

Trong số đoàn thanh niên lên đường tình nguyện năm ấy có thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm, sinh ngày 22/8/1932 tại La Sơn, Bình Lục, Nam Hà, nay cư trú tại Tổ 7 - Phường Minh Tân, Thành phố Yên Bái. Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp nhưng có truyền thống Nho giáo nên chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Đàm năm ấy được hưởng truyền thống hiếu học của gia đình. Năm 1951 anh Đàm bắt đầu dạy bình dân học vụ ở quê, đến năm 1952 mới được công nhận là giáo viên chính thức. Đến năm 1954 thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cơ sở La Sơn - tỉnh Nam Hà.

Mùa thu năm 1959, phong trào xung phong tình nguyện lên Tây Bắc diễn ra sôi nổi trong toàn miền Bắc, lúc ấy, thầy Đàm 27 tuổi đã lập gia đình và vợ vừa sinh con thứ 2, cuộc sống tuy nhiều thiếu thốn nhưng khi biết cảnh đồng bào dân tộc miền núi còn thiếu thốn đủ đường hơn mình nên thầy viết đơn tình nguyện đi công tác ở miền núi, cống hiến sức mình cho đồng bào vùng dân tộc. Khi đó, thầy Đàm được cử làm trưởng đoàn trong số 48 giáo viên của đoàn xung phong tình nguyện lên đường.

(Những dòng nhật ký đầy xúc động của thầy Nguyễn Thanh Đàm viết ngày 12/9/1959)

Lật giở lại cuốn nhật ký năm xưa nét chữ đã hoen mờ, thầy viết: “Ngày 12/9/1959: Giờ phút xa quê hương làm cho lòng tôi hồi hộp cảm động. Bữa cơm liên hoan chấm dứt… Tôi nhìn về lũy tre bao quanh làng thân thương, nhìn mái nhà tranh là nơi chôn rau cắt rốn ngày một xa đi trong ánh mắt, lòng tôi cồn lên một nỗi nhớ ngậm ngùi, da diết. Chắc lúc này mẹ tôi, vợ con tôi, anh em tôi cũng cảm thấy lưu luyến vô cùng?... Tình cảm như sóng biển ngoài khơi”.

Theo ký ức của thầy Đàm, năm ấy khi trên đường từ ga Bình Lục tới ga Phủ Lý, đoàn giáo viên miền xuôi đã tập trung về Hà Nội, tại Trường Bổ túc công nông Trung ương. Khi đó, đoàn công tác đã được các cán bộ của Đảng và Nhà nước đến thăm và nói chuyện. Đặc biệt nhất chiều 22 tháng 9 năm 1959, thầy Đàm đã vinh dự được gặp Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với đoàn công tác.

Thầy kể lại: Lúc đó là 3 giờ 30 phút chiều 22 tháng 9 năm 1959, tôi vẫn nhớ rõ như in hình ảnh khi Bác Hồ tới. Bác giản dị trong bộ quần áo gụ sẫm màu, Bác giơ hai tay lên chào rồi nhún người ngồi xuống. Rồi Bác nói:

- “Các chú lên miền núi công tác là có nhiều khó khăn gian khổ đấy, không như ở dưới xuôi. Miền núi là núi cao, vực sâu, nhiều suối, đi lại sinh hoạt rất khó khăn, phải có sức khỏe mới đi được. Khi Bác công tác ở Việt Bắc, Bác cũng phải ăn rau rừng, măng, bí ngô… Các cô các chú lên đấy phải đoàn kết với đồng bào các dân tộc. Đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, đói nghèo, không biết chữ. Các cô, các chú phải yêu thương đồng bào, giúp đồng bào biết chữ. Các cô các chú đã xung phong thì phải xung phong cho đến nơi đến chốn”.

Vừa lục giở lại ký ức năm xưa, thầy Đàm vừa chia sẻ: “Thực hiện lời Bác dạy, tôi quyết tâm phải đến vùng cao để dạy chữ cho các em học sinh, quyết phải thay đổi cuộc sống cho đồng bào của mình”.

(Thầy Nguyễn Thanh Đàm - năm nay đã 88 tuổi ôn lại những kỷ niệm năm xưa qua từng trang nhật ký)

Khi đó, thầy Đàm được cử đi học ở trường Đại học Chính trị của Bộ Giáo dục. Cuối năm 1962 trở về làm ở Phòng Bổ túc Văn hóa Sở Giáo dục của Khu lúc này đã rút về đóng tại Sơn La. Vào thời điểm đó, khu Tây Bắc đang chuẩn bị chia thành 3 tỉnh: Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu. Chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Đàm được cử làm trưởng đoàn của Sở đi khảo sát 7 huyện, thị vùng Nghĩa Lộ để chuẩn bị thành lập Ty Giáo dục Nghĩa Lộ. Cuộc hành trình đi khảo sát hết các trường học ở khu vực này phải đi bộ nhiều cây số triền miên, phải ăn uống khổ cực. Đến tháng Giêng năm 1963, tỉnh Nghĩa Lộ chính thức được thành lập. Cùng với đó, Ty Giáo dục tỉnh Nghĩa Lộ cũng nhanh chóng được thành lập và đến tháng 9/1963, Trường Sư phạm Dân tộc Nghĩa Lộ được thành lập; tháng 3/1964 thầy Đàm được điều động về công tác tại đây và được bầu làm Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ của trường. Thầy Đàm cùng các giáo viên chia nhau đi tới các thôn, bản hẻo lánh để vận động các em học sinh người dân tộc đi học. Thầy kể lại: “Cuộc vận động này rất khó khăn vì đồng bào mình khi đó không mặn mà với việc học chữ đâu, nhưng khi được chúng tôi giảng giải cụ thể học để làm gì, phải để con em mình đi học để thay đổi cuộc sống, để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu... thì nghe chừng họ hiểu hơn. Ấy thế mà cũng có em khi đến trường rồi lại bỏ về vì nhớ nhà quá, sau đó chúng tôi lại phải đến vận động lại để các em đến trường”.

Cuối tháng 6/1965 đến năm 1972, giặc Mỹ ném bom nhiều đợt xuống khu vực Nghĩa Lộ. Trường nằm trong vùng bom đạn nên phải dịch chuyển sơ tán nhiều lần. Cuộc di chuyển rất vất vả, khó khăn, phải đi bộ và gánh đồ vào ban đêm. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong công cuộc giáo dục của nhà trường nhưng thầy, trò vẫn vững vàng, hăng hái thi đua. Thầy Đàm đã lãnh đạo tập thể cán bộ giáo viên, cùng với các giáo viên của trường đào tạo được hơn 800 giáo viên cho vùng cao. Nhà trường đã đạt danh hiệu “Trường tiên tiến chống Mỹ cứu nước”, được Chính phủ, Bộ Giáo dục tặng Bằng khen, Trung ương Đoàn tặng Cờ Nguyễn Văn Trỗi. Tháng 12/1973, trường được công nhận là một đơn vị giáo dục điển hình tiên tiến của miền núi toàn miền Bắc. Tháng 5/1974, Hội nghị Sư phạm miền núi lần thứ 3 họp tại Nghĩa Lộ nhất trí công nhận trường là lá cờ đầu của ngành Sư phạm miền núi toàn miền Bắc. Tháng 3/1973 trường được thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Đến năm 1982 trường đổi tên thành trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, sau là trường Trung học Sư phạm Yên Bái.

Có thể thấy trong suốt chặng đường đầy khó khăn nhưng thầy Đàm đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Cả cuộc đời công tác với sự nghiệp giáo dục miền núi, thầy đã luôn nhiệt tình, năng động, say sưa với công việc.

Cùng với lớp thanh niên trí thức như thầy Đàm năm ấy, tôi lại có may mắn nữa được gặp thầy Trịnh Thoại - sinh năm 1936, nay cư trú ở tổ 8 -Phường Nguyễn Thái Học, Thành phố Yên Bái. Năm 1959, thầy Thoại cùng với 24 người trong đoàn xuất phát từ Hà Nội được cử đến công tác tại Lào Cai. Chàng trai trẻ quê ở xã Đức Thọ - Hà Tĩnh lần đầu tiên chứng kiến cảnh đồi núi gập ghềnh, cuộc sống đầy khó khăn của đồng bào vùng cao mà lòng đau nhói.

(Đoàn giáo viên của thầy Trịnh Thoại chụp ảnh kỷ niệm tại Lào Cai ngày 1/10/1959. Trong ảnh: Thầy Thoại đứng hàng thứ 2, người thứ 3 từ phải sang)

Theo lời kể của thầy Trịnh Thoại, khi ấy, thầy Thoại cùng thầy Phạm Sỹ Quang ở đoàn Nghệ An lên Bảo Nhai - Lào Cai, tìm vào nhà dân xin ở nhờ, hai thầy giáo bắt đầu lên kế hoạch mở trường, dựng lớp. Nhờ có sự giúp sức của người dân mà trường nhanh chóng được dựng lên… Công việc quan trọng là phải vận động phụ huynh đưa con em mình ra lớp. Nhưng bằng năng lực, sức thuyết phục của mình, thầy Thoại đã làm được điều khó khăn nhất này.

Quá trình dạy học ở vùng cao vô cùng gian nan. Gian nan từ hành trình dạy chữ đến cuộc sống hàng ngày. Mùa đông, lớp học ở trên cao hứng trọn cái giá rét qua từng cơn gió. Tấm áo mong manh của cả thầy, cả trò chẳng đủ che nổi cái buốt lạnh thấu xương. Trong lúc cái đói, cái rét, đặc biệt là bệnh sốt rét rừng hoành hành thì lớp học của con em đồng bào dân tộc do thầy Thoại dạy vẫn vang tiếng trẻ đọc bài.

Khi các công việc ở Bảo Nhai đã ổn định thì Ty Giáo dục tỉnh điều thầy về phụ trách Trường Thiếu niên dân tộc Lào Cai. Từ năm 1960 - 1961, thầy là Hiệu trưởng Trường cấp 1 Phố Lu; 1961 - 1962 là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Phố Lu và là người đầu tiên được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai. Từ năm 1975 - 1978 thầy là Hiệu trưởng Trường Cấp 3 Lào Cai và liên tiếp được nhận thư khen của Sở Giáo dục và Đào tạo. Năm 1978 thầy về công tác tại Ty Giáo dục Đào tạo Hoàng Liên Sơn, làm Trưởng phòng Hành chính tổng hợp. Tại đây, thầy đã tham mưu cho Sở tổ chức các kỳ thi chọn giáo viên dạy giỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ năm 1992 đến 1996 thầy là Chủ nhiệm khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Khi nhận nhiệm vụ, thầy luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được phân công, đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi sau này trở về địa phương giữ các vị trí quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy Thoại còn được giao phụ trách Công đoàn nhà trường và luôn quan tâm, chăm lo cho cuộc sống của cán bộ, giáo viên trong trường. Thầy Trịnh Thoại chia sẻ: “Tôi luôn sống và làm việc bằng hết cái tâm của mình, nên khi khó khăn chúng tôi cũng không bao giờ chùn bước”.

Tiếp nối truyền thống của thế hệ trước

Sau 60 năm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp giáo dục miền núi đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều chính sách đặc thù đầu tư cho giáo dục vùng cao nói chung và Yên Bái nói riêng. Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng thành công hiệu quả các trường dân tộc bán trú, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 50 trường phổ thông dân tộc bán trú và 55 trường có học sinh bán trú với quy mô trên 24 nghìn học sinh. Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái có học sinh đạt Huy chương Bạc môn Hóa học - kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế. Tuy nhiên so với mặt bằng chung thì giáo dục vùng cao nói chung và Yên Bái nói riêng vẫn còn giữ khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh miền xuôi.

Tiếp nối truyền thống của những giáo viên đi trước, một lớp giáo viên của thế hệ trẻ hôm nay cũng tình nguyện mang ánh sáng của Đảng đến với đồng bào dân tộc vùng cao. Có dịp được đi, được biết, tôi đã biết đến tấm gương của cô giáo Hoàng Thị Đoan - sinh năm 1982 quê ở Phú Thọ đã tình nguyện lên những bản làng vùng cao ở huyện Mù Cang Chải để nuôi dạy các em học sinh mầm non nơi đây từ năm 2004. So với các cấp học khác thì bậc học mầm non có nhiều đặc thù, các giáo viên mầm non thường có những sự vất vả hơn đồng nghiệp ở cấp học khác, đặc biệt ở địa bàn vùng cao. Đã 12 năm công tác ở Mù Cang Chải, thì đến 10 năm, cô Đoan đã từng đặt chân đến các điểm trường lẻ của huyện Mù Cang Chải ở xã Dế Xu Phình, Chế Cu Nha… là những xã khó khăn nhất của huyện rồi mới quay về dạy ở điểm chính là trường Mầm non Hoa Ban hiện nay. Vì vậy, cô hiểu rất rõ cuộc sống của đồng bào vùng cao nơi đây. Ngày mới nhận công tác, cô Đoan cùng với các giáo viên ở trường đến tận các thôn, bản để vận động bà con đưa con em mình đến tuổi đi học đến trường. Mặc dù con đường đến trường vất vả, gian nan, nhưng đối với những em nhỏ có hoàn cảnh quá khó khăn, cô Đoan còn đến giúp đỡ, đưa đón các em để các em đến trường được an toàn. Có những bữa chứng kiến cảnh hành trang các em nhỏ mang theo là những hộp cơm chẳng có gì ngoài mấy cọng rau, có khi trộn với đường; nhà em nào khá giả một chút thì có thêm mấy miếng thịt, miếng cá khô mà thôi, cô Đoan lại đau lòng, cô lại san sẻ những đồng lương ít ỏi của mình để mua thêm thức ăn cho các em.

Cô Đoan tâm sự: “Khi được phân công lên vùng khó khăn này công tác, ban đầu tôi cũng rất sợ. Nhưng qua thời gian được trải nghiệm, tôi cảm thấy yêu mến các con vì học sinh rất ngoan, khi các cô đến thì bây giờ các con đã chờ ở lớp rồi. Đấy là động lực khiến cho bản thân tôi cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa bởi nhiều lớp thầy cô giáo đã hy sinh vì giáo dục vùng cao đã làm được thì mình cũng làm được”.

Vỹ thanh

Những câu chuyện về người giáo viên gieo chữ vùng cao năm 1959 cho đến câu chuyện của thời đại ngày hôm nay cứ dày lên trong suốt lời kể của thầy Đàm, thầy Thoại, của cô Đoan… Những năm tháng tự hào mang kiến thức, ánh sáng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc để thế hệ trẻ ngày hôm nay học tập vẫn mãi mãi là những kỷ niệm không thể phai mờ:

“Năm chín chúng tôi lên Lào Cai

Nhớ lời Bác dạy chẳng mờ phai

Xung phong cho đến nơi đến chốn

Nghe Bác bao năm đã miệt mài

Ba lô sách nặng mòn vai khoác

Lội suối trèo non đến mọi nhà

Tìm trò dạy chữ… yêu đất nước

Canh cánh bên lòng, mỗi giây qua”.

Những dòng hồi tưởng của thầy giáo - tác giả Trịnh Thoại được trích trong tập thơ “Giọt sáng trong mơ” - xuất bản năm 2013 đã thể hiện rõ ký ức một thời đầy khó khăn của thế hệ các nhà giáo đi trước đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Lớp giáo viên của thầy Đàm, thầy Thoại đã hun đúc lên tinh thần vượt khó, lòng yêu nghề, sự tận tâm với trò… để tiếp thêm động lực cho những thế hệ giáo viên ngày hôm nay tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, tiếp tục mang con chữ lên non, thắp lên ước mơ, tương lai tươi sáng cho học trò… để những bản làng không còn heo hút…

1023 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h