Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Măng tre Bát Độ, cây xóa nghèo ở huyện miền núi Trấn Yên

11/03/2020 07:42:34 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh phát triển diện tích trồng cây măng tre Bát Độ. Thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong huyện...

Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chuẩn bị cây tre măng Bát độ giống trước khi trồng. (Ảnh: MH)

Trấn Yên là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá thích hợp với cây măng tre Bát Độ, những năm gần đây, loại cây này đã được trồng với diện tích lớn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Trấn Yên. Là một trong những hộ đi đầu về phát triển trồng măng tre Bát Độ, hiện nay gia đình anh Nguyễn Thành Long ở thôn Chi Vụ, xã Hồng Ca (Trấn Yên) đang có 8 ha măng tre Bát Độ; trong đó diện tích cho thu hoạch là trên 5 ha. Vụ măng vừa qua, giá thu mua cao hơn so với mọi năm ở mức 4.700 đồng/kg măng ngọt đã luộc, 4.200 đồng/kg măng ống, 3.500 - 4.000 đồng/kg măng tươi. Với sản lượng khoảng hơn 45 tấn măng vỏ tươi, gia đình anh Long thu về khoảng gần 150 triệu đồng từ tiền bán măng.

Cũng sớm gắn bó với cây măng tre Bát Độ, gia đình ông Dương Kim Hùng, thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành hiện có khoảng 7 ha, trong đó, có gần 4 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 30 tấn, giá trị thu về hơn 100 triệu đồng. Theo ông Hùng, trồng măng tre Bát độ không mất nhiều công chăm sóc, mà giá trị thu về lại cao, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân một lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng truyền thống khác.

Tìm hiểu được biết, anh Sơn và ông Hùng chỉ là hai trong số hàng trăm hộ dân ở Trấn Yên có đời sống khấm khá nhờ phát triển cây măng tre Bát Độ. Theo thống kê, đến nay huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có khoảng trên 3.360 ha tre Bát Độ, trong đó diện tích cho thu hoạch măng là hơn 1.900 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Tân Đồng, Hưng Thịnh, Hưng Khánh... Năm 2018, sản lượng măng toàn huyện Trấn Yên đạt trên 40.000 tấn măng vỏ tươi trị giá trên 60 tỷ đồng. Năm 2019, sản lượng toàn huyện đạt khoảng trên 50.000 tấn măng vỏ tươi, giá trị trên 70 tỷ.

Theo nhiều người dân Trấn Yên, măng tre Bát Độ là loại cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm bắt đầu ra măng, năm thứ hai thu hái, trung bình trong ba năm giai đoạn kiến thiết cơ bản (trước khi thu hoạch măng sản lượng lớn) cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Vào giai đoạn kinh doanh, với điều kiện chăm sóc đảm bảo, cây măng tre Bát Độ có khả năng cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.

Điểm nổi bật trong phát triển cây măng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên thời gian qua đó là đã thực hiện có hiệu quả một số mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Điển hình là Công ty TNHH Vạn Đạt đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng cho bà con huyện Trấn Yên trên 10 năm qua. Công ty đã phối hợp tốt với UBND các xã vùng nguyên liệu làm tốt việc đặt các điểm cân, thông báo giá thu mua, mở rộng mua măng tươi tại các xã giúp người dân thuận tiện hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, Công ty tiếp tục ký hợp đồng và là đầu mối thu mua toàn bộ sản phẩm măng tre Bát Độ tại nhiều xã. Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã triển khai thu mua đến các thôn bản và sơ chế tại chỗ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân khai thác sản phẩm. Giá thu mua đảm bảo theo giá thị trường và quy định của Công ty.

Theo ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, cây măng tre Bát Độ là loại cây có giá trị kinh tế cao, huyện đang tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa măng tre Bát Độ tập trung, tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Trấn Yên đã tăng cường việc hỗ trợ người dân mở rộng diện tích măng tre Bát Độ. Theo đó, người dân được hỗ trợ tiền giống với mức từ 1 - 3 triệu đồng/ha trồng mới. Mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu xác định trong Đề án là đưa tổng diện tích măng tre Bát Độ lên đạt 3.600 - 4.000 ha. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, huyện Trấn Yên đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó trọng tâm là tổ chức tốt việc tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh. Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chặt tỉa vệ sinh vườn tre chính vì vậy mà diện tích và sản lượng măng ngày càng tăng. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các đơn vị tiêu thụ sản phẩm liên kết chặt chẽ, giúp sản phẩm măng tre có đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định.

Thực tế cho thấy, việc phát triển cây măng tre Bát Độ tại các xã vùng cao của huyện Trấn Yên không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn có tác dụng trong việc trồng rừng, phủ xanh các đồi trọc, giữ đất, giữ gìn nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cây măng tre Bát Độ đang phát huy hiệu quả, là loại cây “xóa nghèo” đã giúp khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Trấn Yên./.

 

1096 lượt xem
Theo Dangcongsan.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h