Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái tham dự Hội nghị của Chính phủ với doanh nghiệp “cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”

09/05/2020 16:12:27 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, các tổ chức quốc tế...

Tại điểm cầu Yên Bái

Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại điểm cầu Yên Bái, dự hội nghị có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện gần 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội…

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ: Phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %...Muốn như vậy, chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện cuối tháng 4, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhóm doanh nghiệp lớn (chiếm 2,8% số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ chịu tác động nhiều nhất, với tỷ lệ 92,8%. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm 62,6%) bị ảnh hưởng thấp nhất với 82,1%. Doanh thu quý I/2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 70% so với cùng kỳ 2019.

Theo kết quả của các cuộc khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam…, mặc dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, tự giải cứu; đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua thách thức.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, chuyên gia đã tập trung thảo luận về các nội dung: đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch; đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế; tập trung sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới. Đồng thời, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa thông qua kích thích tiêu dùng, Chính phủ cân nhắc giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hết năm 2020.…

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Bộ Công Thương về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Văn phòng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Covid-19 là đại dịch nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt.

Khẳng định vị trí doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại; phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản lý để phát triển bền vững; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất.

“Các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động rất lớn. Đó là giải quyết nhanh các thủ tục, quan tâm xử lý kiến nghị doanh nghiệp, không được “đảo qua, đảo lại” làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc. Một dân tộc chịu đựng, vượt khó - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp cho sự phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh ở Việt Nam” - Thủ tướng nhắn nhủ.

982 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h