Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Những kinh nghiệm dân gian hay trong phòng, chống thiên tai

04/06/2020 07:23:49 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Là tỉnh có địa hình độ dốc cao, thay đổi đột ngột, dù ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng Yên Bái cùng chịu ảnh hưởng sự biến đổi khí hậu do vậy mỗi khi đến mùa mưa, tỉnh thường bị ảnh hưởng nặng nề do hoàn lưu sau bão gây ra. Đặc biệt mưa to đến rất to và cường độ mạnh của hoàn lưu sau bão gây ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... trên địa bàn tỉnh. Đó là những đặc trưng lớn nhất và phổ biến nhất về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Những hiện tượng tự nhiên luôn mang lại những giá trị nhất định trong dự báo thời tiết

Theo thống kê nhiều năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra các loại hình thiên tai này và có xu hướng ngày càng tăng. Riêng năm 2005, 2008, 2017, 2018, 2019 là những năm xảy ra lũ, lũ quét và ngập lụt ác liệt nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay ở tỉnh Yên Bái. Lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đã làm 205 người chết và mất tích; 112 người bị thương; 1.177 ngôi nhà bị sập trôi hoàn toàn và hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính trên 3.800 tỷ đồng.

Trước những thách thức đó, nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các ứng dụng khoa học tiên tiến và các biện pháp khoa học vào nhằm cảnh báo sớm phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng và đội ngũ cán bộ làm công tác thiên tai. Tuy nhiên, người dân vẫn là những chủ thể phải hứng chịu trực tiếp và chứng kiến những biến đổi của khí hậu.

Vậy làm thế nào để người dân và các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều phát huy cao tinh thần phòng chống thiên tai? Có lẽ người dân cần phải chủ động hơn nữa trong phòng chống thiên tai qua những kinh nghiệm từ đời này sang đời khác, qua thực tiễn từ sản xuất và cuộc sống hàng ngày, cha ông đã tích lũy, đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm và tri thức bản địa để dự đoán trước các loại hình thiên tai, thời tiết sắp xảy ra thông qua một số sự vật và hiện tượng tự nhiên như dự báo sắp có mưa lớn: Lá cây bồ đề lật ngược lên, mặt lá dưới màu trắng thì trời sắp mưa to; rêu nổi thành mảng trên suối là sắp có lũ to; vịt kêu to 2 - 3 ngày là sắp có mưa bão lớn; kiến đen tha trứng lên cao, thế nào cũng có mưa rào rất to; kiến di chuyển lên cao là sắp có mưa to; ong Vò Vẽ làm tổ ở sát dưới mặt đất thì sẽ có bão to; lá cây cỏ ống có ngấn (móp) ở đầu lá, thì có bão sẽ xảy ra; vị trí mọc của cây măng tre, nếu măng mọc chen vào giữa bụi tre thì trong năm sẽ có bão lớn;cây hoa lan dại nở hoa thì sắp có mưa lớn; cây lau lách trổ hoa thì năm đó không còn bão nữa;  xương chân sau của con ếch đồng, nếu thấy có chấm đen nằm ở vị trí  cao thì năm đó sẽ có lụt lớn; ốc đá bám vào với nhau thành những tảng lớn thì sắp có lụt lớn; cây cỏ chỉ, nếu thấy nó bạc ở đầu thì năm đó sẽ có lụt lớn; hiện tượng cầu vồng xuất hiện ở phía đông và cùng lặn khi với mặt trời ở phía tây được cho là dấu hiệu sắp có một cơn bão to.

Đường Kim Đồng thường xuyên bị ngập úng sau những trận mưa to

Không chỉ về các hiện tượng tự nhiên mà kinh nghiệm về dự báo biến đổi thời tiết còn được đưa vào tục ngữ của người Việt có nhiều câu thể hiện kinh nghiệm dân gian trong việc dự báo sớm các diễn biến của thời tiết thông qua quan sát một số loài động thực vật, các hiện tượng tự nhiên như: chuồn chuồn bay thấp thì mưa/bay cao thì nắng, bay vừa thì râm; Chớp đằng đông nước đồng tràn ngập/ Chớp đằng tây mua dây mà tát; Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lênVới người Thái, năm nào cây muỗm sai quả, năm đó có mưa bão nhiều. Với người Tày, cây mắc mật năm nào ra quả sai, năm đó mưa nhiều, khi quả đốm vàng thì tiến hành cấy vụ mùa. Kinh nghiệm của người Dao chỉ ra rằng khi xoan nở thì gieo đậu xanh, cua đá ở suối bò lên đường là sắp có lụt. Với người Mường, năm nào ong làm tổ thấp là có bão to, cọ sai quả thì có rét hại. Những kinh nghiệm trên được đúc kết qua nhiều thế hệ, rút ra từ những trải nghiệm thực tế. Chúng thực sự có giá trị, giúp người dân dự báo được diễn biến thời tiết và qua đó kịp thời đưa ra những biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời.

Hiện giờ đang là tháng 6, đây là điểm miền Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng đang bước vào mùa mưa, Hy vọng những kinh nghiệm dân gian cùng với tri thức bản địa rất cần được người dân, các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn quan tâm vận dụng vào thực tế. Làm được điều đó sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

2455 lượt xem
CTV: Trần Anh Văn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h