Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020

04/09/2020 10:41:57 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện được tổng số 348 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, với tổng kinh phí 217,649 tỷ đồng.

Sở Khoa học và Công nghệ kiểm ra tiến độ dự án “Chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, nằm ở vị trí nối tiếp giữa trung du và miền núi phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên trên 6.886 km2; dân số trên 82 vạn người (tỷ lệ dân số khu vực nông thôn chiếm gần 80%); có 30 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 56,24% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 18,3%, Dao 11,5%, Mông 12,2%, Thái 7,18% còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Nùng, Sán Chay, Khơ Mú, Hoa, Phù Lá...Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) với 173 xã, phường, thị trấn, 1.364 thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó có 02 huyện nghèo 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải (đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80%); 81 xã đặc biệt khó khăn, 814 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2011-2020, bằng việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, pháp luật, chương trình về khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh, đã làm cho hoạt động KH&CN tại địa phương có bước chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội về KH&CN được nâng lên rõ rệt. Việc đầu tư cho KH&CN ngày càng được chú trọng, hoạt động KH&CN đã bám sát các yêu cầu thực tiễn, gắn bó hơn với phát triển kinh tế - xã hội; khoa học xã hội và nhân văn bước đầu đã góp phần cung cấp luận cứ cho tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương trên một số lĩnh vực; nhiều thành tựu KH&CN mới và kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng trong giai đoạn này, công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào trong đời sống sản xuất, nhất là phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc hiểu số luôn được ngành KH&CN quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh, đặc biệt những năm gần đây đơn vị luôn tập trung vào tuyển chọn, thực hiện các đề tài, dự án khoa học phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện được tổng số 348 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, với tổng kinh phí 217,649 tỷ đồng. Trong đó cấp bộ triển khai thực hiện 12 dự án với tổng kinh phí 60,867 tỷ đồng; Cấp tỉnh triển khai thực hiện 196 đề tài với tổng kinh phí 78,927 tỷ đồng; cấp địa phương 140 dự án với tổng kinh phí 77,855 tỷ đồng.

Các nhiệm vụ thực hiện trong những năm qua của tỉnh Yên Bái đã bám sát được định hướng, kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ đưa vào nghiên cứu có tính khả thi cao, được ứng dụng nhân rộng trong sản xuất và đời sống ngày càng tăng. Tác động của KH&CN đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng rõ rệt, hiệu quả hơn.

Đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp, đây là lĩnh vực đã được tỉnh quan tâm, chú trọng đầu tư, khuyến khích phát triển. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được triển khai như: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cá Bỗng tại tỉnh Yên Bái; Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo lai giống bò B.B.B với đàn bò cái nền lai Zebu; Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng, sạch bệnh tại tỉnh Yên Bái; Xây dựng mô hình phát triển trồng cây Thanh long ruột đỏ tại huyện Yên Bình... một số đề tài đi sâu nghiên cứu, bảo tồn và phát triển về cây dược liệu quý như: lá Khôi, ích mẫu, gừng gió, Sâm cau và Giảo cổ lam.v.v. góp phần gìn giữ nguồn gen và thuốc quý cho bảo vệ sức khoẻ con người. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2020, đã tiến hành triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ tập trung xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản; chủ lực thế mạnh của các địa phương nhằm từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích như: Xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò"; nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà", “Cam Văn Chấn’, “Cam Lục Yên”, “Thịt hun khói Mường Lò”; nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà"; “Sơn tra Mù Cang Chải”, “Bưởi Đại Minh”...

Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, các nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng một số công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, trong quản lý, điều hành nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hoàn chỉnh bơm nước không dùng nhiên liệu áp dụng cho vùng cao tại Yên Bái; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bếp nướng không khói sử dụng than hoa kiểu dáng mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; Ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) xây dựng hệ thống quản lý quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Văn Chấn; Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng cơ sở dữ liệu của các điểm giới thiệu, bán những sản phẩm thế mạnh và các điểm bán hàng Việt trực tuyến trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái,...

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cùng với hoạt động điều tra cơ bản, các nhiệm vụ đã tập trung vào nghiên cứu xây dựng các giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của các sở, ngành; nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong điều trị, khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân... Một số đề tài triển khai đạt kết quả nổi bật như: Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình truyền thông giảm sinh con thứ 3 trở lên đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”; đề tài “Nghiên cứu phát triển loại hình Du lịch nghỉ nhà dân (Homestay) trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật cấp cứu nhi khoa cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và trung tâm y tế - bệnh viện tuyến huyện, tỉnh Yên Bái "; Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn về bình đăng giới đối với cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Đề tài “Nghiên cứu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - An ninh trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay”; Thực trạng và hiệu quả can thiệp bệnh sán lá gan nhỏ tại vùng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái; Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông tỉnh Yên Bái; Đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái"; Đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp tại huyện Văn Yên, Lục Yên, tỉnh Yên Bái"...

Nhìn chung, giai đoạn 2011-2020, bằng sự vào cuộc của các ngành, các cấp và thông qua các kết quả triển khai, hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học đã góp phần lựa chọn được những tiến bộ kỹ thuật mới, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân đặc biệt là người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Mặt khác, thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ là việc lồng ghép đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tới các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cơ sở, người dân góp phần tạo được nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những bước đi, cách làm đột phá trong suy nghĩ và hành động, có sự tham gia chỉ đạo sát sao và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự tham gia tâm huyết, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN bước đầu đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh./.

904 lượt xem
Theo Trang TTĐT Sở Khoa học và Công nghệ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h