Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đổi mới cách nghĩ, cách làm trong thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái

20/07/2021 07:29:17 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Việc triển khai thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao độ, với những giải pháp đúng đắn, kịp thời để đưa chính sách vào cuộc sống.

Nhiều giải pháp thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái

Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 861). Ngày 18/6/2021, Ủy ban Dân tộc có Quyết định số 433/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 433). Theo hai Quyết định nêu trên, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái có 137 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi (có 59 xã khu vực III, giảm 22 xã; 11 xã khu vực II, giảm 57 xã và 67 xã khu vực I, tăng 36 xã); giảm 122 thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực II và khu vực I. Đây là kết quả quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động đến việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái; tác động trực tiếp tới nhiều hộ gia đình, người dân, học sinh, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cư trú và công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Không bị động trước những tác động...

Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc đã tác động tới việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các chính sách đối với giáo dục, chính sách về bảo hiểm y tế, chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Đối với việc giảm số xã thuộc khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh Yên Bái có 07/09 huyện, thị xã, thành phố chịu tác động (hai địa phương không bị tác động là thành phố Yên Bái và huyện Mù Cang Chải). Trong đó, tác động nhiều nhất là các chính sách đối với giáo dục và bảo hiểm y tế.

Đối với lĩnh vực giáo dục, sẽ có tổng số 286 trường (với 19.162 học sinh) bị tác động. Đơn cử, chính sách hỗ trợ học sinh và Trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (giảm 01 trường phổ thông dân tộc bán trú, giảm 22 trường phổ thông có học sinh bán trú, giảm 2.186 học sinh bán trú được hưởng chính sách); chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non, chế độ hỗ trợ giáo viên dạy trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (có 85 trường với số trẻ mầm non được hưởng chính sách giảm 5.662 trẻ); chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP (có 178 trường bị tác động với số học sinh hưởng chính sách miễn giảm học phí giảm 11.314 học sinh); chính sách đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú theo Thông tư 109/2009/TT-BGDĐT-BTC, Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT (có 8/9 trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ thu hẹp nguồn tuyển sinh).

Đối với chính sách về bảo hiểm y tế: Sau khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái có trên 144.300 người  (theo số liệu tổng hợp của Bảo hiểm xã hội tỉnh) không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, tương ứng với số kinh phí giảm trên 58 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giảm còn 81,5% (kế hoạch năm 2021, tỷ lệ này là trên 96,5%).

Có thể nói, Yên Bái đã chủ động trong công tác tuyên truyền, thông tin về việc ban hành, triển khai thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở đã chủ động nắm bắt, tuyên truyền tới người dân. Đối với chính quyền và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ở cơ sở, nhất là các địa phương chịu tác động của chính sách, không có chuyện kêu khó, chỉ có quyết tâm làm. Hầu hết người dân nhận thức được rằng, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ sẽ ngày càng giảm. Đối với người dân, sẽ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà chỉ có quyết  tâm, ý chí tự lực, tự cường, khát khao bứt phá vươn lên, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới.

Và các giải pháp trước mắt, lâu dài

Việc triển khai thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái tuy trước mắt còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, song để chính sách đi vào cuộc sống cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao độ, với những giải pháp đúng đắn, kịp thời.

Trước hết, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nỗ lực, trách nhiệm cao nhất, tất cả vì quyền lợi của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Phát huy vai trò, tính chủ động của các tổ chức đoàn thể, hội, của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để nắm bắt, tuyên truyền, giải thích đúng, đầy đủ nội dung chính sách đến các hộ gia đình và người dân chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách. Tiếp tục nắm bắt, phản ánh tâm trạng dư luận xã hội, nhất là những thông tin trái chiều để kịp thời tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục, tránh để người dân bức xúc vì thiếu thông tin.

Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình của các huyện tiếp tục cần đẩy mạnh tuyên truyền về những thay đổi của chính sách tác động đến người dân; tuyên truyền ý nghĩa, tính ưu việt của rất nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Trung ương, của tỉnh Yên Bái đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, cổ vũ những cá nhân, hộ gia đình, dòng họ có thái độ tích cực, ủng hộ việc thực hiện chính sách ngay cả khi họ không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Để đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, các địa phương cần chủ động rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể về số người tham gia bảo hiểm y tế tới từng thôn, bản, tổ dân phố, vận động người dân tiếp tục, chủ động mua bảo hiểm y tế hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được liên tục và quyền lợi khi khám, chữa bệnh, hạn chế nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau, bệnh tật.

Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các gói ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các gia đình tham gia bảo hiểm y tế với hình thức thuận tiện, chi phí phù hợp điều kiện kinh tế, thu nhập của hộ gia đình.

Đối với các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn: Các ngành, địa phương cần tiến hành rà soát, chủ động huy động các nguồn lực và có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với những gia đình khó khăn thực sự, học sinh gặp khó khăn khi không được hưởng chính sách bán trú.

Huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động ủng hộ, trao tặng quà từ thiện, quà an sinh xã hội cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn....

Giải pháp quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài là tiếp tục huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người lao động trên các địa bàn để người dân không còn phải băn khoăn, lo lắng khi chịu  tác động bởi chính sách mới.

Xin được kết thúc bài viết bằng ý kiến của bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: “Trên thực tế, thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc sẽ có những tác động nhất định. Song, những năm gần đây, giảm nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền, mà đã trở thành nhu cầu, khát vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh (riêng năm 2020, toàn tỉnh đã có gần 400 hộ nghèo có đơn tự nguyện xin thoát nghèo).

Việc triển khai thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở phải triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao độ, với những giải pháp đúng đắn, kịp thời, tập trung chủ yếu vào tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên, khơi dậy ý chí tự lực lực cường, tinh thần quyết tâm và khát vọng phát triển vươn lên, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”.

2842 lượt xem
CTV: Hồng Thanh Tâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h