Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn bản mới

Thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

27/05/2023 07:07:18 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 10/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi nghe ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn kết luận như sau:

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu kết luận tại Hội nghị

A. Đánh giá chung

Mặc dù các Chương trình mục tiêu quốc gia mới được Trung ương giao vốn (tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, các địa phương với quan điểm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân xây dựng cơ bản trong đó có việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh, đến nay các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỉnh đã kịp thời ban hành đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ  (đã ban hành 11/12 nhiệm vụ; còn lại 01 nhiệm vụ về các dự án theo cơ chế đặc thù chưa ban hành, nội dung này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến để kiến nghị sửa đổi Nghị định số 27 theo hướng không quy định bắt buộc phải thực hiện).

Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, vì vậy trong quá trình thực hiện không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc, thậm chí có nhiều cách hiểu khác nhau, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân của các Chương trình, nhất là đối với các dự án, tiểu dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp.

Qua quá trình trao đổi, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, cho thấy các khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu 04 nhóm vấn lớn đề sau:

Thứ nhất là, những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung, dự án, tiểu dự án các chương trình; đặc biệt là liên quan đến triển khai và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp .

Thứ hai là, những khó khăn, vướng mắc liên quan tới quy định về mức hỗ trợ và định mức kinh tế kỹ thuật thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba là, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự toán kinh phí sự nghiệp năm 2022 được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 07/12/2022 .

Thứ tư là, do mỗi Chương trình mục tiêu quốc gia đều có rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, với nhiều hệ thống các văn bản hướng dẫn, quản lý điều hành từ cấp trung ương đến cấp tỉnh. Do đó, quá trình thực hiện đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc các ngành, các địa phương chưa kịp thời cập nhật, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hệ thống các văn bản hướng dẫn của trung ương và của tỉnh, dẫn tới nhiều nội dung đã có quy định chi tiết, cụ thể nhưng địa phương, cơ sở không nắm bắt được, dẫn đến lúng túng, thiếu quyết liệt, chậm triển khai .

B. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, phấn đấu giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023, với quan điểm lấy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ sau:

I. Các sở, ban, ngành nhất là các sở, ngành được phân công chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia

1. Đối với các Chương trình, dự án, Tiểu dự án đến nay đã được cấp thẩm quyền ban hành đầy đủ hướng dẫn, đủ điều kiện thực hiện:

(i) Yêu cầu các sở, ngành được giao phụ trách, khẩn trương đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư.

(ii) Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và cơ quan chủ trì trong triển khai các Chương trình. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn. Nhất là đối với các văn bản của trung ương và của tỉnh mới ban hành. Tránh để xảy ra tình trạng cấp thẩm quyền đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng ở cấp cơ sở không kịp thời nắm bắt được để tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của các Chương trình.

(iii) Các sở, ngành được phân công chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ thực hiện các Chương trình. Kịp thời xem xét, xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kiến nghị của ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hằng tháng (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp).

2. Đối với các nội dung còn khó khăn, vướng mắc do phải chờ hướng dẫn của Trung ương:

(i) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp ý kiến của các ngành, các địa phương, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề xuất với các bộ, ngành trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia .

(ii) Giao các sở, ngành tiếp tục chủ động làm việc với các bộ ngành theo ngành dọc để sớm được hướng dẫn, tháo gỡ đối với các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của trung ương. Ngay sau khi có hướng dẫn, phải kịp thời tổ chức triển khai thực hiện tới các địa phương, đơn vị. Đặc biệt phải bám sát, tham gia ý kiến để trung ương sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong tổ chức thực hiện.

3. Đối với những nội dung hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh

3.1. Khẩn trương tham mưu triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh về các CTMTQG, trong đó:

(i) Giao các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Tiếp tục rà soát các nhiệm vụ còn chưa triển khai, hoặc đã triển khai nhưng còn bất cập, khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh  ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan tới các Chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức thực hiện.

(ii) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính: Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 52/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 , theo hướng bổ sung mức hỗ trợ cụ thể cho hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật trong triển khai các dự án, kế hoạch, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

(iii) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan: Khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn thành trước ngày 20/5/2023.

(iv) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 12/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định cơ chế huy động và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG. Thời gian hoàn thành trước ngày 20/5/2023.

3.2. Các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ ban hành hoặc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện các CTMTQG, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ đối tượng, rõ nguồn kinh phí”. Trong đó:

(i) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ  và các chính sách của Trung ương về lâm nghiệp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, thời gian hoàn thành trong tháng 5/2023. Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

(ii) Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hướng dẫn cách áp dụng thực hiện Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất làm cơ sở hỗ trợ đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(iii) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính: Ban hành hướng dẫn về duy tu, bảo dưỡng, nghiệm thu, thanh toán các công trình sau đầu tư. Nội dung này các bộ, ngành trung ương đã có hướng dẫn nhưng ở quá nhiều văn bản, do đó nên nghiên cứu, tích hợp thành một văn bản hướng dẫn chung để các địa phương tiện theo dõi và đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất.

 (iv) Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng chương trình, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin và truyền thông để thực hiện Tiểu dự án 1 (Giảm nghèo về thông tin), thuộc Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin), Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

3.3. Về rà soát, điều chỉnh các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG:

(i) Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh khẩn trương rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục phân bổ các nguồn kính phí mà hiện nay chưa giao chi tiết  (cần thiết thì tham mưu kiến nghị với các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án trong cùng một chương trình); Tham mưu điều chỉnh, bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 đã giao cho các đơn vị, địa phương tại Quyết định số 2409 ngày 07/12/2022  và tham mưu tiếp tục phân bổ kinh phí sự nghiệp đợt 2 năm 2023, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng cập nhật, điều chỉnh lại toàn bộ các phần kinh phí phân bổ còn bất hợp lý, không tổ chức thực hiện được trên thực tế hoặc chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

(ii) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:

- Khẩn trương đôn đốc các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023, trên cơ sở đó tham mưu phân bổ chi tiết hết số vốn đầu tư công còn lại 137,477 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành trong tháng 5/2023.

- Thường xuyên rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch các nguồn vốn đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo hằng quý), đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng giải ngân của các chương trình, dự án; đáp ứng tiến độ giải ngân chung theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.

II. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, cây cối, hoa mầu, vật kiến trúc và tham gia đóng góp tự nguyện, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phải sớm phản ánh về UBND tỉnh qua các đơn vị đầu mối (ngoài ra từ ngày 15/5/2023, tỉnh sẽ triển khai đồng loạt tại tất cả các huyện ứng dụng công dân YenBai -S, do vậy các địa phương có thể tuyên truyền để người dân, các phòng, ban chuyên môn phản ánh những khó khăn, vướng mắc lên ứng dụng này một cách kịp thời).

2. Đến nay, hầu hết các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể; đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh cũng đã được quy định cụ thể tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành. Do đó, đề nghị các địa phương trên cơ sở các quy định hiện hành và các nội dung khó khăn, vướng mắc đã được giải đáp, tháo gỡ tại Hội nghị, chủ động triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo nhiệm vụ và nguồn vốn được giao. Đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó lưu ý chú trọng đối với những dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động cho vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo..., trong đó phải rà soát kỹ các đối tượng thụ hưởng các chương trình cho đúng quy định.

Yêu cầu mỗi địa phương cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hệ thống các văn bản hướng dẫn để xác định có thật sự khó khăn, vướng mắc hay không, nếu có khó khăn vướng mắc thì mức độ ra sao? Phạm vi ảnh hưởng đến đâu? đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm với các địa phương khác để xem nội dung khó khăn, vướng mắc đó được xử lý như thế nào. Trên tinh thần đó, đối với các nội dung đã rõ, đã đủ căn cứ thì cần tập trung triển khai thực hiện ngay. Tránh để xảy ra tình trạng do chưa nghiên cứu kỹ văn bản, hoặc do một số khó khăn, vướng mắc nhỏ mà làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cả dự án, thậm chí là cả Chương trình.

3. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc kế hoạch năm 2023, làm cơ sở giao chi tiết kế hoạch vốn và khởi công xây dựng các công trình theo kế hoạch. Đồng thời rà soát, cân đối các nguồn lực, đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện cho các công trình, dự án theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức được quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Tiếp tục rà soát đối tượng, đăng ký kinh phí thực hiện đợt 2 đối với các dự án, tiểu dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp năm 2023 chưa phân bổ, gửi Sở Tài chính và các Sở, ngành chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

4. Đối với các công việc cụ thể:

4.1. Trên cơ sở Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch triển khai Đề án năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Các địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, rà soát lập danh sách các hộ được hỗ trợ làm nhà đảm bảo đúng đối tượng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để thực hiện Đề án theo mục tiêu đề ra; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

4.2. Đối với huyện Yên Bình: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 19/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh ; thường xuyên cập nhật, định kỳ hằng tháng báo cáo tiến độ triển khai xây dựng huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó nêu rõ những  khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có)) gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp.

4.3. Đối với các huyện (Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên) được kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023: Khẩn trương triển khai những nội dung được Kiểm toán nhà nước chỉ ra theo kết luận kiểm toán.

4.4. Về các xã, thôn được thụ hưởng chính sách

- Phân công đồng Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành rà soát các thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã đạt chuẩn nông thôn mới sau ngày Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định số 612/QĐ-UBDT có hiệu lực, trực tiếp làm việc báo cáo Uỷ ban Dân tộc xem xét Quyết định điều chỉnh danh sách các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Trong khi chờ Quyết định điều chỉnh danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn của Uỷ ban Dân tộc, cho phép tạm cấp chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng theo báo cáo rà soát thôn, bản đặc biệt khó khăn của Ban dân tộc tỉnh.

III. Về tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng phân công nhiệm vụ chi tiết trong đó làm rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc để tổ chức thực hiện. Gửi phân công nhiệm vụ về UBND tỉnh, và các sở ngành đầu mối các chương trình trước ngày 20/5/2023.

2. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, kịp thời phản ánh với cấp thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chủ trì Chương trình để tổng hợp trước ngày 20 hằng tháng). Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các Chương trình hằng tháng để trình kỳ họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh (trong đó phân tách, làm rõ về số vốn đã phân bổ chi tiết, tình hình giải ngân; số vốn chưa phân bổ chi tiết, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất).

1596 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h