Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Chấn

19/04/2025 17:31:08 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiều 19/4, tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri

Tham gia buổi tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thành Trung - Đại biểu hoạt động chuyên trách tại ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Triệu Thị Huyền - Phó Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn. Lãnh đạo huyện Văn Chấn và đại diện cử tri các xã Tân Thịnh, Cát Thịnh, Đại Lịch và thị trấn Nông trường Trần Phú.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thành Trung thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Thành Trung - Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật, 7 nghị quyết, trong đó, nhiều luật có ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi),…; cho ý kiến đối với 6 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước, đặc biệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thông tin nhanh tới cử tri về  kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2025.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Văn Chấn đã có 15 ý kiến với 20 vấn đề phản ánh, kiến nghị, đề xuất một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó tập trung vào một số nội dung: Đề nghị có giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động hoặc tận dụng hiệu quả các điểm trường, trạm y tế sẵn có nhằm đảm bảo quyền lợi tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế cơ bản của người dân sau sáp nhập; đề nghị Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc bổ sung các chính sách hỗ trợ nghỉ việc, hỗ trợ tái đào tạo, hoặc hỗ trợ chuyển công tác sang các lĩnh vực khác cho cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; nghiên cứu, có giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân như: Trợ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, thông qua hình thức phân bổ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, nhất là các vùng khó khăn, vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ vật tư đầu vào thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, vừa kiểm soát tốt nguồn hàng, vừa tạo động lực cho người dân tham gia liên kết sản xuất; mở rộng gói vay ưu đãi lãi suất thấp cho nông dân để mua vật tư nông nghiệp (phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi...), với thủ tục đơn giản, thuận tiện hoặc có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Các đại biểu cũng có ý kiến đề nghị các cấp có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần xem xét bố trí hợp lý giữa các xã liền kề trên cơ sở phong tục tập quán tương đồng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Đồng thời, vị trí trung tâm xã mới nên đặt tại khu vực trung tâm địa lý của các xã sau sáp nhập, để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch tại công sở, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đề nghị Nhà nước quan tâm bố trí ngân sách để xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa - thể thao tại cơ sở (như nhà văn hóa, sân thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng...) theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ về trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể chất và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; xem xét, có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số để yên tâm công tác, được bố trí vào những vị trí chủ chốt của chính quyền, nhằm xây dựng được khối đại đoàn kết và nâng cao hiệu quả quản lý ở địa phương…

Cử tri Văn Chấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Cử tri các xã Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Thị trấn Trần Phú đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, các cây cầu trọng yếu, hệ thống nước sạch... giúp người dân đi lại, sản xuất, giao thương thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận dịch vụ hành chính công tại trụ sở xã mới; kiến nghị với cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, nâng định mức đầu tư đối với xây dựng đường giao thông nông thôn từ mức 1,6 tỷ đồng/km hiện nay lên mức 2,5 tỷ đồng/km để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giảm mức đối ứng, đóng góp của nhân dân; đề nghị điều chỉnh mức hỗ trợ ăn trưa cho học sinh mẫu giáo và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh mẫu giáo đang học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non ở khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý thị trường thực phẩm…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Thành Trung - Đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Văn Chấn để tổng hợp và đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.

415 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h