Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Tày

21/04/2020 13:57:30 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 150.083 người Tày, sống tập trung ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó giới tính nam tổng số 76.033 người, giới tính nữ tổng số 74.050 người. Đồng bào Tày tập trung đông nhất tại huyện Lục Yên (56.888 người); Thành phố Yên Bái (4.490 người); Huyện Văn Yên (20.681 người); Thị xã Nghĩa Lộ (1.586 người); Huyện Trấn Yên (18.633 người); Huyện Văn Chấn (26.478 người); Huyện Yên Bình (20.465 người).

Thiếu nữ dân tộc Tày

Tên gọi dân tộc Tày là tên gọi chung và phổ biến nhất. Người Tày có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (dòng ngôn ngữ Nam Á). Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Tày là dân cư bản địa ở Việt Nam, cư trú trên địa bàn rất rộng và chiếm dân số đông tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang...

Người Tày sinh sống ở Yên Bái đã từ lâu đời. Một số người Tày ở huyện Văn Yên di cư từ Lạng Sơn sang Yên Bái từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Một số người Tày ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên có gốc người Việt di cư từ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An lên Yên Bái, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà dần dần đã Tày hóa. Bộ phận người Tày ở vùng Lục Yên mang nhiều giá trị văn hóa độc đáo riêng biệt so với người Tày ở vùng Văn Chấn, Trấn Yên và khác biệt so với người Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

Kinh tế chính của người Tày ở Yên Bái là nền kinh tế nông nghiệp, đồng bào làm ruộng nước kết hợp với săn bắt và chăn nuôi. Với truyền thống lâu đời cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới rất nhanh nên nông nghiệp của người Tày phát triển tương đối cao. Cùng với việc thâm canh tốt 2 vụ lúa, đưa giống mới vào sản xuất, tăng vụ ngô đông, đồng bào Tày phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; tích cực phát triển nghề rừng và trồng mới các loại cây công nghiệp như: chè, quế, sắn.

Nhà ở của người Tày chủ yếu là nhà sàn, dùng vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương, lợp bằng lá cọ hoặc cỏ giang. Sàn được dát mai, diễn hoặc ván, cửa làm bằng phên nứa hoặc lịa bằng gỗ. Mỗi ngôi nhà có từ ba đến năm gian, hai trái, có những vùng đời sống nhân dân khá giả còn làm thêm cả nhà bếp Slườn giảo gồm 2 gian nổi vuông góc với gian trong (gian để phụ nữ ở) kích thước các gian cửa nhà bếp tỷ lệ bằng 2/3 gian trong nhà chính và gầm sàn dùng để buộc trâu, ngựa, chuồng gà - ngày nay do thực hiện nếp sống mới ở cơ sở, nhân dân đã bỏ được tục này. Trên sàn nhà chính, gian trung tâm thường là gian giữa, nếu số gian nhà là lẻ. Nếu nhà số gian chẵn thường chọn gian trung tâm là gian thứ hai kể từ cầu thang ngoài vào. Cầu thang ngoài được quy định làm cầu thang chính. Giữa gian đặt bếp, ngọn lửa được duy trì thường xuyên, dùng để sưởi về mùa đông và đun nước uống, ít khi nấu nướng ở đây. Các nghi lễ tôn giáo khác liên quan đến lửa đều diễn ra ở bếp này. Những đêm đông trời lạnh, quần tụ xung quanh bếp lửa hồng, cả gia đình người Tày nhiều thế hệ cùng thảo luận việc đồng áng, trẻ em nghe người già kể chuyện cổ tích, những lời dạy bảo... tạo nên một lối sống lành mạnh giữ tình thân ái.

Cùng với gian bếp lửa, phía trên lan can đằng trước là nơi đặt bàn thờ. Bàn thờ được thiết kế cao ngang tầm ngực, dài theo chiều rộng của gian, chiều sâu một mét thường làm bằng vật liệu tốt. Nhìn vào bàn thờ biết được gia đình thờ cúng bình thường hoặc làm nghề thầy cúng, làm Pật, phường kèn vì căn cứ vào số lượng bát hương để nhận biết. Nếu một gia đình không hành nghề cúng chỉ thờ hai bát hương là bát tổ tiên và bát mụ Mè va. Còn thầy cúng hoặc Pật thêm bát hương kê cao hơn. Nếu nhà có hai bàn thờ là chủ nhà ở rể, thờ hai họ nội ngoại. Ở huyện Văn Chấn, bàn thờ của người Tày lại để ở gian ngoài quay mặt theo chiều dọc của nhà. Tuy nhiên đây vẫn là nơi thiêng liêng nên phụ nữ, vợ chồng trẻ không được ngủ gần bàn thờ, cách thờ cúng giống như những vùng khác. Sau bát hương có dán tờ giấy đỏ trên viết chữ nho lý lịch gia chủ Ràm Choòng, với lời kết bằng hai câu Phúc Như Đông Hải, Thọ Như Nam Sơn. Nhà sàn được dẫn lên bởi một hoặc hai cầu thang gỗ khỏe, chắc, chín bậc.

Đồng bào Tày Yên Bái có phong cách sống sôi nổi, mạnh mẽ, lãng mạn. Những dịp tết Nguyên đán, lễ hội Lồng Tồng, lễ Tăm Khảu Mảu, lễ cưới của bạn bè, họ hát giao duyên Slípsí suốt ngày đêm. Những bài Khắp cọi được duy trì từ đời này sang đời khác. Thiếu nữ, thanh nữ Tày xinh xắn với những lễ phục cổ truyền màu đen, khỏe mạnh, má ửng hồng, đánh còn, đánh yến đến với những lễ hội hồn nhiên chân thực càng làm tăng thêm vẻ đẹp của cộng đồng.

Trang phục của người Tày chủ yếu bằng vải bông nhuộm chàm đen cho cả nam, nữ và trẻ em, ít hoặc không trang trí hoa văn. Phụ nữ Tày mặc áo năm thân có thắt lưng bằng vải chàm gấp lại buộc phía sau, đi đôi với váy trong dịp cưới, ngày lễ và tết. Ngày thường mặc áo ngắn với váy hoặc quần, áo ngắn may không cổ kiểu giống áo bà ba. Đàn ông mặc áo tứ thân cổ tròn, khuy vải hoặc cúc và quần lá tọa, y phục này người lớn tuổi thường dùng, thanh thiếu niên hiện nay mặc như người Kinh. Phụ nữ thường đội khăn nhuộm chàm, khăn vuông gấp xéo, có hai dải vải đỏ nhỏ buộc về phía trước trán, đuôi khăn lật về phía sau. Đàn ông chỉ đội khăn xếp dịp lễ tết, đặc biệt là lễ đón dâu, hoặc đi ở rể. Đồ trang sức chủ yếu dùng chất liệu bằng bạc, như vòng cổ của trẻ con, vòng tay của phụ nữ, dây xà tích...

Nghề thủ công truyền thống như trồng bông dệt vải đã phát triển từ rất sớm, nghề nuôi tằm để lấy tơ dệt dây dao Slaicha cũng có mặt trong văn hoá của người Tày nơi đây từ lâu. Hoa văn dệt trên vải thổ cẩm phong phú, đa dạng, riêng dây dao gồm hai mươi bảy hình tượng, mỗi hình gắn với một truyện dân gian có nội dung giáo dục tình người sâu sắc. Nghề làm giấy dó, nghề đan lát, nghề mộc, nghề rèn, nghề đục đá phát triển khá cao.

Trong quá trình giao lưu văn hóa Kinh - Tày, Hán - Tày, nhiều cốt truyện đã được chuyển thể sang Nôm Tày như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa... đồng thời, người Tày đã sáng tạo ra những kiệt tác như Khảm Hải (Vượt biển), nhiều bài khắp cọi, Phongslư, Pụt, hát quan làng (Hát đón dâu) có giá trị nhân văn sâu sắc.

Hình thức kết bạn Hắt tồng của người Tày rất phổ biến, những người bạn trai, bạn gái hợp nhau về tính nết cùng trang lứa, mang lễ vật một con gà thiến, một chai rượu đến nhà nhau, xin bố mẹ hai bên cho kết tồng (kết bạn) nếu bố mẹ đồng ý thì họ coi nhau như anh em ruột thịt. Hội nghề nghiệp cũng có từ lâu đời với tên gọi là phường, hát phường, như phường săn bắn, phường này không cần cùng trang lứa, nhưng thường gần nhau về địa bàn cư trú, sở thích về công việc đang tiến hành, thủ tục kết nạp giản đơn, chỉ xin trưởng phường bằng lời không cần lễ lạt, sản phẩm được chia theo công sức của mình đóng góp.

Hôn nhân của người Tày được tiến hành qua nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống được thực hiện trong đám cưới truyền thống mà trong đó hát quan làng (hát trong đám cưới của ông mối) là một trong những nghi thức sinh hoạt đặc sắc nhất vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Lễ cưới truyền thống từ khi làm quen được với nhau sẽ trải qua các giai đoạn chủ yếu, thưa chuyện với gia đình thông qua bước trung gian là quan làng (ông mối) xem ngày qua thầy cúng lễ Slicay (lễ bốn gà), lễ cưới, lễ lại mặt, tết quan làng. Các bước này tiến hành hàng năm trời có khi đến 3 năm.

Tang lễ của người Tày với những nghi thức và chịu ảnh hưởng nhiều của tam giáo. Nhiều giá trị nhân văn được thể hiện thông qua tang ma truyền thống của đồng bào. Tang lễ truyền thống của người Tày ở Yên Bái tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc như nghệ thuật tranh cắt giấy (qua nhà táng), nghệ thuật trình diễn dân gian, nghệ thuật trang trí…Tuy nhiên, ở những bản xa các trung tâm xã, đời sống của nhân dân còn khó khăn, đôi khi tang lễ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.

Nền mỹ thuật đặc sắc của người Tày Yên Bái từ ngàn xưa nay được bảo lưu trên thổ cẩm như hoạ tiết trên màn che Phứn mản, mặt gối mon thu, mặt địu nả đa, dây dao Slaichạ, y phục thầy cúng, y phục Pụt. Đặc biệt là bộ tranh thờ của thầy cúng từ 7 đến 12 tờ với những hình tượng người, quỷ, con vật sinh động.

Nhạc cụ của người Tày gồm sáo, nhị, đàn tính, não bạt, trống, kèn, quả nhạc, chùm nhạc, chũm chọe. Trong đó hai nhạc cụ là đàn tính và chùm nhạc là hai nhạc cụ quan trọng hơn cả được người dân sử dụng khá phổ biến trong các lễ hội, đặc biệt là lễ hội “Tỏn phi then” (mời thần then xuống chơi xuân ăn tết trong dịp đầu xuân của người Tày, theo quan niệm dân gian nếu không có 2 nhạc cụ trên sẽ không mời được các thần thánh).

Sinh hoạt ẩm thực của người Tày thường ngày giản đơn, được chế biến từ gạo, sắn, khoai, măng, rau, cá, rau rừng, rong suối. Những ngày tết được chế biến cầu kỳ hơn. Những món cơm lam, măng nhồi nhân thịt, canh khâm kì, măng chua, riêu báng (nhiên liệu từ bột cây báng rừng) là đặc sản của vùng người Tày Yên Bái. Các món ăn xôi, đồ, nướng, lam… cũng là các món ăn khá phổ biến trong cách chế biến thức ăn hàng ngày của người Tày.

Đồng bào Tày có truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng. Người Tày ở xã Đại Lịch (huyện Văn Chấn) tự hào về hai người con ưu tú của quê hương là Phạm Thọ (Lãnh Năm) và Phạm Tế (Lãnh Tế) là tướng tin cẩn của phong trào Cần Vương chống Pháp dưới sự chỉ huy của Nguyễn Quang Bích.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, đồng bào Tày Yên Bái một lòng theo Đảng. Chiến khu Vần - Hiền Lương (làng Vần nay thuộc xã Việt Hồng - huyện Trấn Yên) là địa danh đã trở nên nổi tiếng và trở thành di tích lịch sử với nhiều thành tích trong thời gian chống Pháp. Làng Vần (thuộc xã Việt Hồng - huyện Trấn Yên) là nơi xuất phát của 3 đội quân vũ trang tuyên truyền, đi phát động quần chúng phá kho thóc chia cho dân, đánh địch trừ gian lập chính quyền cách mạng.

Nhiều đội du kích người Tày tiêu biểu như: đội du kích xã Đại Lịch, Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn), đội du kích xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên)... đội du kích Đại Lịch kiên cường bám giữ quê hương phá tề, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng võ trang, đánh Pháp nhiều trận, lập chiến công xuất sắc. Tổ du kích vùng Hưng Khánh, Hồng Ca năm 1947 dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay địch đầu tiên trong cả nước. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên) vinh dự là lá cờ đầu miền Bắc trong phong trào bảo vệ trị an.

Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác và phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh người Tày góp phần to lớn của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày một giàu đẹp.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

207978 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h