Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Mông

25/04/2020 07:41:09 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 107.049 người Mông sống tập trung trung ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó giới tính nam tổng số 54.445 người, giới tính nữ tổng số 52.604 người. Dân tộc mông sống tập trung đông nhất tại các huyện: Huyện Mù Căng Chải (57.179 người); Huyện Văn Chấn (13.353 người); Huyện Văn Yên (6.349 người); Huyện Trấn Yên (2.330 người) và rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại.

Thiếu nữ dân tộc Mông Yên Bái - Ảnh Vũ Chiến HVHNT

Dân tộc Mông ở Yên Bái chủ yếu gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa (Mông Lềnh); Mông Đen (Mông Đu) và Mông Trắng (Mông Đơ) và Mông Si (Mông Đỏ). Trong đó người Mông Hoa và Mông Si chiếm số lượng đông hơn cả. Một bộ phận người Mông Hoa di cư từ huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai xuống định cư tại huyện Văn Yên mang nhiều đặc trưng văn hóa của cư dân vùng biên viễn. Tiếng nói của người Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao (dòng ngôn ngữ Nam Á).

Những nhóm Mông đầu tiên di cư đến Việt Nam cách đây trên 300 năm, trong đó, có một số đồng bào Mông đã chọn huyện Mù Cang Chải làm điểm dừng chân, lập kế sinh nhai, lấy tên là “Xáo Mông"; sau đó mở rộng địa bàn sinh sống sang các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn. Gần đây có một phần đồng bào Mông di chuyển từ Lào Cai, Hà Giang, Sơn La sang.

Địa hình là vùng núi cao, vùng đầu nguồn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt đã quyết định hình thái sản xuất của người Mông. Nông nghiệp trồng trọt là nguồn sống chính của đồng bào. Do vùng đồng bào Mông sinh sống về mùa đông khô hạn và giá lạnh giá kéo dài, có sương muối, hai huyện phía Tây tỉnh là Trạm Tấu, Mù Cang Chải còn bị ảnh hưởng bởi gió tây khô nóng nên mùa vụ trồng trọt và năng suất cây trồng của người Mông chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên. Trước đây người Mông ở Yên Bái chỉ trồng một vụ lúa do điều kiện canh tác rất khó khăn nhưng những năm gần đây, đồng bào đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo đất và được sự đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình thủy lợi nên số ruộng 2 vụ đã dần dần tăng lên. Đồng bào Mông có kinh nghiệm làm ruộng bậc thang với trình độ canh tác thông thạo, có những thửa ruộng bậc thang cheo leo trên sườn núi chỉ đủ 1-2 đường bừa.

Đồng bào Mông Yên Bái đã và đang phát huy khả năng cần cù lao động, cải tạo đất, thâm canh tăng vụ, đưa giống ngô mới và khoai tây vào gieo trồng bước đầu cho năng suất khá, sản lượng lương thực của đồng bào được tăng lên. Những tiềm năng thế mạnh của người Mông ở Yên Bái là: nghề rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây đặc sản và cây công nghiệp ngắn ngày. Đồng bào đã khai thác được một số cây con thế mạnh như: cây chè tuyết Shan đặc sản, cây sơn tra, thảo quả, chăn nuôi trâu, bò, ngựa, ong. Đặc biệt, đồng bào đã xây dựng được những điển hình là: phát triển ruộng bậc thang kết hợp với bảo vệ rừng ở nhiều xã thuộc huyện Mù Cang Chải; khai hoang ruộng nước kết hợp phát triển cây chè đặc sản của vùng cao như ở các xã: Suối Giàng, Suối Bu (huyện Văn Chấn) Púng Luông, Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), Phình Hồ (huyện Trạm Tấu); làm ruộng, nương kết hợp với phát triển cây quế đặc sản ở các xã Nà Hẩu, Mỏ Vàng (huyện Văn Yên)... Nhờ đó, đời sống của đồng bào Mông Yên Bái đã từng bước ổn định và dần phát triển.

Người Mông có nghề rèn rất nổi tiếng với kỹ thuật cao, đồng bào tự rèn dao, cuốc, tự đúc lưỡi cày và đồ trang sức của phụ nữ, đúc nhạc ngựa, chuông bò... Đồng bào còn làm các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bằng gỗ như: thìa, bát, thùng, chậu… đan lát các đồ dùng như “Lù cở” (chiếc gùi), “Cáng chủa” (dụng cụ mang vác đồ), giỏ đựng cơm đi nương...

Do đặc điểm cư trú biệt lập nên người Mông ít có quan hệ với dân tộc khác. Nếu có sống trên địa bàn xen cư với dân tộc khác thì người Mông sống quần tụ lại với nhau thành thôn, bản riêng. Đồng bào Mông ở nhà đất, nguyên liệu chủ yếu là gỗ, mái nhà thường lợp bằng gỗ Pơ mu chẻ mỏng và hiện nay đã có một số nhà lợp mái phibrôximăng.

Hình thái chủ đạo của gia đình dân tộc Mông là gia đình phụ hệ với loại gia đình nhỏ có hai thế hệ sống chung rất phổ biến. Gia đình người Mông là đơn vị kinh tế với sự phân công lao động rất chặt chẽ theo giới tính, lứa tuổi, đồng thời là một đơn vị văn hóa với môi trường trao truyền tích cực. Xã hội Mông được tổ chức điều hành theo dòng họ khép kín, có luật lệ, quy định, ký hiệu riêng, mang tính quy ước cộng đồng thừa nhận và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Dòng họ xã hội người Mông còn khá quan trọng đối với sản xuất và đời sống, duy trì và lưu truyền phong tục tập quán. Người Mông có nhiều họ, mỗi họ có nhiều dòng, mỗi dòng có nhiều chi khác nhau. Các gia đình cùng một dòng họ thường ở những cụm gần nhau. Trong bản người Mông có vài dòng họ sinh sống nhưng thường có một dòng họ lớn. Dòng họ người Mông có phạm vi cố kết rất rộng: bao gồm tất cả những người cùng họ, không phân biệt cư trú ở đâu. Người Mông ở Yên Bái có thể nhận người cùng họ ở các tỉnh khác làm anh em. Người cùng họ khi đã nhận nhau được xem như anh em ruột thịt và không được phép kết hôn với nhau. Ở mỗi dòng họ có những kiêng kỵ và nghi lễ cúng bái. Ví dụ: họ Giàng kiêng ăn tim, họ Lý kiêng ăn lá lách...

Người Mông ở Yên Bái có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc, ngoài thờ cúng tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà đồng bào còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ gia đình, bảo vệ cho các thành viên trong nhà và của cải vật chất theo các quan niệm dân gian như thờ thần tài (xử cang - bàn thờ đặt chính giữa gian nhà chính), thần cột nhà “Bùa đăngz”, thần cửa “Bùa trùngz”, thần bếp lò, thần bếp nấu ăn, thần bảo hộ thầy thuốc (của giêng các gia đình có nghề bốc thuốc nam), thần bảo hộ cho thầy cúng… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông đặc biệt quan trọng và khác so với một số dân tộc thiểu số khác, đồng bào không có bàn thờ tổ tiên riêng mà mỗi khi có lễ cúng tổ tiên hay trong các dịp hệ trọng của gia đình người dân lập một bàn thờ cúng tổ tiên tại chính giữa ngôi nhà trước bàn thờ thần tài “xử cang”, sau lễ cúng bàn thờ tổ tiên được bỏ đi.

Lễ tang của người Mông nhiều nghi lễ, phong tục tập quán khác nhau, phản ánh các quan niệm về lịch sử, xã hội, cộng đồng. Người Mông quan niệm mỗi con người có 3 vía (Plỳ) và 7 hồn (chua lua) (Cầu chua lua - Pê lỳ), hồn chỉ tồn tại khi con người còn sống, còn sau khi chết không còn hồn nữa. Tuy nhiên vía theo quan niệm của người dân vẫn tồn tại: một vía đi lên công quản (lên trời), một vía đi đầu thai thành người mới ở một nơi xa còn một vía sẽ ở quanh quẩn bên người chết và thỉnh thoảng về với gia đình khi có việc hệ trọng.

Người Mông có kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú, vào mùa xuân, các dịp tết Mông (Khoảng từ 30/11 âm lịch) hay trong các lễ cưới truyền thống người Mông đều hát dân ca và múa khèn. Trong các làn điệu dân ca, đặc biệt nhất là loại hát kể chuyện lịch sử dân tộc gọi là hát “Thản chù”. Người Mông có hát “Gầu Phềnh” - trai gái hát trong khi chơi Pa Pao, hát qua sợi chỉ nối với hai ống nứa bịt da ếch cho riêng hai người. Trong đám cưới còn có hát đố, hát giải. Cùng với hát, người Mông còn có múa khèn rất đặc sắc. Trong hội “Gầu Tào”, múa khèn là nghi lễ mở hội. Ngoài khèn bè, người Mông còn sử dụng đàn môi, khèn lá, kéo nhị, thổi sáo…

Với số lượng khá đông, cư trú ở một vị trí địa lý tương đối đặc biệt, người Mông ở Yên Bái tự hào đóng góp một phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Lịch sử cho thấy, dân tộc Mông vốn là một dân tộc có truyền thống đấu tranh chống giặc với tinh thần bất khuất, kiên cường. Ngay từ những năm 1888, đội quân người Mông do Đào Chính Lục là thủ lĩnh đã bao vây đánh giặc Pháp ở Tú Lệ và Nghĩa Lộ khi chúng vào chiếm đóng Nghĩa Lộ. Nuôi giấu cán bộ cách mạng là công việc rất nguy hiểm song nhiều gia đình người Mông đã che chở, nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ hoạt động cách mạng ở các địa bàn khác nhau.

Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, huyện Mù Cang Chải có 3 đội du kích Cao Phạ, Chế Tạo, Lao Chải gồm 200 chiến sĩ du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt 214 tên địch, thu hơn 100 vũ khí các loại. Xã Cao Phạ và huyện Mù Cang Chải được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong các thời kỳ cách mạng, người Mông ở Yên Bái đã kề vai sát cánh cùng các dân tộc anh em chiến đấu góp công của cho hai cuộc kháng chiến, tham gia dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực cho các chiến trường Đông Bắc, Tây Bắc, chiến trường Lào.

Người Mông với ý thức tự chủ cao, tính tình trung thực thẳng thắn, có đức tin bền vững, có truyền thống yêu nước và sự cần cù trong lao động. Nhờ những phẩm chất này mà cộng đồng người Mông đã tồn tại, phát triển trong quá trình biến thiên của lịch sử và vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

189912 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h