Hồ Thác Bà được biết đến là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái và cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Đến với Yên Bái mà không nếm các món ăn từ thủy sản Thác Bà, sông Chảy thì quả là điều đáng tiếc cho du khách phương xa.
Món cá thiểu gù nướng,cá sấy khô trên vùng hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái, là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ năm 1970, để làm thủy điện. Vốn là dòng sông Chảy nên hồ Thác Bà có nhiều loại cá bơi giỏi, thịt săn chắc như cá chày, cá bỗng, cá chiên, cá chép, cá trắm... ở cửa các dòng suối lớn đổ vào sông như Ngòi Biệc, Ngòi Tu..., người ta đã từng bắt được những con cá bỗng vài chục kg, cá chày 7 - 8kg bằng đánh cụp, bằng câu, bằng đánh lưới. Cá bỗng có thân gần giống cá trắm, bụng và vây lại giống cá chép, miệng thuôn nhỏ, ăn cả mồi thực vật và động vật. Thịt cá bỗng đặc biệt thơm ngon khi được nướng hoặc rán vàng. Người ta cũng có thể dùng cá bỗng nấu lá tai chua ăn nóng, vị cá đậm đà mà không thấy mùi tanh.
Cá Chày Hồ Thác Bà được ướp gia vị, chế biến rồi nướng vàng là món ăn vô cùng hấp dẫn
Những loài cá ăn chìm có cá nheo, cá trạch, cá trê, cá bò, cá ngạnh. Cá trạch rán, cá trê kho với lá gừng. Cá nheo, cá bò nấu ám, hoặc kho với chuối xanh, ăn miếng chuối cứ bùi bùi như thịt cá. Cá ngạnh nấu dưa chua thì cả nồi ngon nhất là nước chan, vị ngọt của thịt cá như tan hòa thấm đậm vào cơ thể người thưởng thức.
Ăn nổi gần mặt nước có cá mương, cá thầu dầu. Ở hồ Thác Bà khi nước mới dâng một vài năm, cá thầu dầu tụ lại thành đàn đông, hớt một mẻ te (một dụng cụ đánh bắt cá) có khi được cả tạ cá. Cá chỉ nhỏ bằng ngón tay, làm sạch kho khô hoặc đem nấu canh hoa chuối, tra mẻ ngấu. Nước canh sẽ có màu trắng đục như sữa, cá có vị hơi đắng, ăn lạ miệng mà ngon. Cá thiểu gù cắt bỏ đầu, vây, đuôi, làm sạch rồi đưa vào cối xay xay nhuyễn trộn lá thơm sẽ biến thành món chả cá thật ưa dùng.
Món cá sấy khô
Dọc đường từ nhà máy chè Văn Hưng km14 đến ngã ba km9, rẽ vào thành phố hoặc ngược đường 7 lên Lào Cai chừng 1 km mọc lên nhiều quán cá. Cá chép hấp bia, cá trắm om trám, cá dưng rán, cá quả nấu ám rau cần... Tất cả đều là cá đánh bắt hoặc cá nuôi lồng trên hồ Thác Bà chuyển đến. Hồ Thác Bà từng ghi lại mẻ lưới bắt được cả đàn vài chục tấn cá, chủ yếu là mè hoa và mè trắng, người ta phải giam cá lại trên hồ để gọi các cơ quan đến nhận về phân phối theo thực phẩm cho cán bộ công nhân viên. Cá mè ở hồ Thác Bà con nặng nhất trên 60kg, còn trung bình từ 10 - 12kg. Người buôn cá phải xẻ khúc, bán từng miếng cho người tiêu dùng. Một cái đầu cá mè có thể nấu canh cho bếp tập thể cả một cơ quan.
Đến du lịch ở Yên Bái nếu có thời gian, du khách hãy sắm một chiếc cần câu quăng, theo người sành câu tới một lạch hồ có nhiều cây rong, cỏ nước mọc. Bắt một con nhái làm mồi, bẻ gãy xương tuốt ra khỏi hai đùi con nhái, vung cần câu ném mồi ra cách chỗ đứng vài chục mét rồi vừa quấn cước, nhắp nhắp đầu cần. Con nhái mồi sẽ như chạy, như bơi, nhảy tưng tưng trên mặt nước. Bất ngờ một tiếng: Bụp! Một xoáy nước khỏa tung làm con mồi biến mất, sợi câu căng lên. Ấy là cá quả đã đớp mồi. Giật nhẹ một cái cho lưỡi câu đóng vào hàm cá rồi lựa cách kéo vào bờ. Nếu là cá dăm lạng hơn một kg, việc bắt cá chỉ là chuyện vặt. Những con cá quả vài kg thì phải lựa chừng - kéo dây căng cho lúc nào con cá cũng đóng vào lưỡi câu. Nó quẫy chạy thì nới dây cho tránh đứt cước. Nhưng chớ có thả dây quá chừng, nó quẫy mạnh cho khi đứt dây, gẫy lưỡi câu, hoặc đứt cước cá sẽ thoát. Dây luôn căng làm cho cá mệt không còn sức kháng cự sẽ bắt được cá dễ dàng. Tháo câu, cho cá vào giỏ chứa xăm xắp nước cá sẽ sống đến cả tuần, không cần cho ăn.
Một trong những món dân dã có được từ hồ Thác Bà vào mùa nước cạn, đó là những con tép riu. Những con tép chỉ bằng hạt chanh, dài trên dưới hai cm, bụng đầy trứng. Người ta bắt chúng nhờ những chiếc riu có mũi cong như chiếc thuyền rỗng. Người bắt tép chọn những bãi phẳng có cây rong tóc tiên mọc, đàn riu chạy theo những đường tựa luống cày. Tép bám trên lá rong bị nước lùa vào, đọng lại trong chiếc riu. Tép đem về nhặt sạch rác, sát vào giá cho râu rụng bớt, sau đó rửa sạch bằng nước muối pha loãng, để ráo nước. Nếu muốn mắm tép ăn ngay thì đem giã tép làm mắm còn nếu muốn để mắm có thời gian lâu và dùng dần dần thì để cả con là tốt nhất. Thính gạo là một phần phụ gia không thể thiếu được khi làm mắm tép. Thính được làm từ gạo Chiêm Hương lứt mới còn vỏ cám, giã nhỏ thành bột mịn. Sau đó xúc tép vào hũ, lần lượt cứ hai bát con tép thì rải lên trên một lớp thính, vẩy vào chút rượu nếp, sau đó là 3 thìa muối to, cứ làm như vậy đến khi đầy hũ. Lớp trên cùng nhất thiết phải là muối bởi khi muối hòa tan sẽ tạo thành một lớp trên bề mặt giữ cho mắm không bị hỏng. Đậy kín bằng lá chuối khô trước khi đặt nắp hũ lên. Để hũ mắm ở nơi râm mát và ổn định.
Mắm tép Hồ Thác Bà
Sau một tháng hũ tép có thể mang ra sử dụng. Người sành món tép này thường dùng để ăn cùng với các món ăn khác như ăn ghém, hay nấu canh rau cải mà pha chút mắm tép vào thì tuyệt vời… Bởi thế cho nên tiếng tăm của tép và mắm tép hồ Thác Bà đã được đông đảo bạn bè khắp nơi biết đến như thể một phần không thiếu được trong tuor du lịch hồ Thác Bà.
Bát mắm tép vô cùng hấp dẫn bởi vị mặn, ngọt, chua chua dịu và mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, tép còn được kho với quả khế chua hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà bạn sẽ được một món ăn ngon lành mà là lạ chẳng kém gì đặc sản. Tép kho ăn với cơm trắng dẻo, người kén ăn cũng không thể bỏ bữa nửa chừng. Mắm tép khi chín ngấu có màu đỏ sậm, rang với thịt lợn băm nhỏ ăn với xôi nếp Tú Lệ thì không biết chán, chỉ ngại no.
Còn biết bao món ăn từ thủy sản hồ Thác Bà, từ dòng sông Chảy. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng thưởng thức hương vị một lần. Hãy dành cho Thác Bà một ngày thư giãn, một bữa trong quán cá hoặc nhà hàng ở Yên Bái sẽ biết thủy sản nơi này đáng có trong thực đơn du khách đến lần sau.
6708 lượt xem
Ban Biên tập
Hồ Thác Bà được biết đến là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái và cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Đến với Yên Bái mà không nếm các món ăn từ thủy sản Thác Bà, sông Chảy thì quả là điều đáng tiếc cho du khách phương xa.Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái, là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ năm 1970, để làm thủy điện. Vốn là dòng sông Chảy nên hồ Thác Bà có nhiều loại cá bơi giỏi, thịt săn chắc như cá chày, cá bỗng, cá chiên, cá chép, cá trắm... ở cửa các dòng suối lớn đổ vào sông như Ngòi Biệc, Ngòi Tu..., người ta đã từng bắt được những con cá bỗng vài chục kg, cá chày 7 - 8kg bằng đánh cụp, bằng câu, bằng đánh lưới. Cá bỗng có thân gần giống cá trắm, bụng và vây lại giống cá chép, miệng thuôn nhỏ, ăn cả mồi thực vật và động vật. Thịt cá bỗng đặc biệt thơm ngon khi được nướng hoặc rán vàng. Người ta cũng có thể dùng cá bỗng nấu lá tai chua ăn nóng, vị cá đậm đà mà không thấy mùi tanh.
Cá Chày Hồ Thác Bà được ướp gia vị, chế biến rồi nướng vàng là món ăn vô cùng hấp dẫn
Những loài cá ăn chìm có cá nheo, cá trạch, cá trê, cá bò, cá ngạnh. Cá trạch rán, cá trê kho với lá gừng. Cá nheo, cá bò nấu ám, hoặc kho với chuối xanh, ăn miếng chuối cứ bùi bùi như thịt cá. Cá ngạnh nấu dưa chua thì cả nồi ngon nhất là nước chan, vị ngọt của thịt cá như tan hòa thấm đậm vào cơ thể người thưởng thức.
Ăn nổi gần mặt nước có cá mương, cá thầu dầu. Ở hồ Thác Bà khi nước mới dâng một vài năm, cá thầu dầu tụ lại thành đàn đông, hớt một mẻ te (một dụng cụ đánh bắt cá) có khi được cả tạ cá. Cá chỉ nhỏ bằng ngón tay, làm sạch kho khô hoặc đem nấu canh hoa chuối, tra mẻ ngấu. Nước canh sẽ có màu trắng đục như sữa, cá có vị hơi đắng, ăn lạ miệng mà ngon. Cá thiểu gù cắt bỏ đầu, vây, đuôi, làm sạch rồi đưa vào cối xay xay nhuyễn trộn lá thơm sẽ biến thành món chả cá thật ưa dùng.
Món cá sấy khô
Dọc đường từ nhà máy chè Văn Hưng km14 đến ngã ba km9, rẽ vào thành phố hoặc ngược đường 7 lên Lào Cai chừng 1 km mọc lên nhiều quán cá. Cá chép hấp bia, cá trắm om trám, cá dưng rán, cá quả nấu ám rau cần... Tất cả đều là cá đánh bắt hoặc cá nuôi lồng trên hồ Thác Bà chuyển đến. Hồ Thác Bà từng ghi lại mẻ lưới bắt được cả đàn vài chục tấn cá, chủ yếu là mè hoa và mè trắng, người ta phải giam cá lại trên hồ để gọi các cơ quan đến nhận về phân phối theo thực phẩm cho cán bộ công nhân viên. Cá mè ở hồ Thác Bà con nặng nhất trên 60kg, còn trung bình từ 10 - 12kg. Người buôn cá phải xẻ khúc, bán từng miếng cho người tiêu dùng. Một cái đầu cá mè có thể nấu canh cho bếp tập thể cả một cơ quan.
Đến du lịch ở Yên Bái nếu có thời gian, du khách hãy sắm một chiếc cần câu quăng, theo người sành câu tới một lạch hồ có nhiều cây rong, cỏ nước mọc. Bắt một con nhái làm mồi, bẻ gãy xương tuốt ra khỏi hai đùi con nhái, vung cần câu ném mồi ra cách chỗ đứng vài chục mét rồi vừa quấn cước, nhắp nhắp đầu cần. Con nhái mồi sẽ như chạy, như bơi, nhảy tưng tưng trên mặt nước. Bất ngờ một tiếng: Bụp! Một xoáy nước khỏa tung làm con mồi biến mất, sợi câu căng lên. Ấy là cá quả đã đớp mồi. Giật nhẹ một cái cho lưỡi câu đóng vào hàm cá rồi lựa cách kéo vào bờ. Nếu là cá dăm lạng hơn một kg, việc bắt cá chỉ là chuyện vặt. Những con cá quả vài kg thì phải lựa chừng - kéo dây căng cho lúc nào con cá cũng đóng vào lưỡi câu. Nó quẫy chạy thì nới dây cho tránh đứt cước. Nhưng chớ có thả dây quá chừng, nó quẫy mạnh cho khi đứt dây, gẫy lưỡi câu, hoặc đứt cước cá sẽ thoát. Dây luôn căng làm cho cá mệt không còn sức kháng cự sẽ bắt được cá dễ dàng. Tháo câu, cho cá vào giỏ chứa xăm xắp nước cá sẽ sống đến cả tuần, không cần cho ăn.
Một trong những món dân dã có được từ hồ Thác Bà vào mùa nước cạn, đó là những con tép riu. Những con tép chỉ bằng hạt chanh, dài trên dưới hai cm, bụng đầy trứng. Người ta bắt chúng nhờ những chiếc riu có mũi cong như chiếc thuyền rỗng. Người bắt tép chọn những bãi phẳng có cây rong tóc tiên mọc, đàn riu chạy theo những đường tựa luống cày. Tép bám trên lá rong bị nước lùa vào, đọng lại trong chiếc riu. Tép đem về nhặt sạch rác, sát vào giá cho râu rụng bớt, sau đó rửa sạch bằng nước muối pha loãng, để ráo nước. Nếu muốn mắm tép ăn ngay thì đem giã tép làm mắm còn nếu muốn để mắm có thời gian lâu và dùng dần dần thì để cả con là tốt nhất. Thính gạo là một phần phụ gia không thể thiếu được khi làm mắm tép. Thính được làm từ gạo Chiêm Hương lứt mới còn vỏ cám, giã nhỏ thành bột mịn. Sau đó xúc tép vào hũ, lần lượt cứ hai bát con tép thì rải lên trên một lớp thính, vẩy vào chút rượu nếp, sau đó là 3 thìa muối to, cứ làm như vậy đến khi đầy hũ. Lớp trên cùng nhất thiết phải là muối bởi khi muối hòa tan sẽ tạo thành một lớp trên bề mặt giữ cho mắm không bị hỏng. Đậy kín bằng lá chuối khô trước khi đặt nắp hũ lên. Để hũ mắm ở nơi râm mát và ổn định.
Mắm tép Hồ Thác Bà
Sau một tháng hũ tép có thể mang ra sử dụng. Người sành món tép này thường dùng để ăn cùng với các món ăn khác như ăn ghém, hay nấu canh rau cải mà pha chút mắm tép vào thì tuyệt vời… Bởi thế cho nên tiếng tăm của tép và mắm tép hồ Thác Bà đã được đông đảo bạn bè khắp nơi biết đến như thể một phần không thiếu được trong tuor du lịch hồ Thác Bà.
Bát mắm tép vô cùng hấp dẫn bởi vị mặn, ngọt, chua chua dịu và mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, tép còn được kho với quả khế chua hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà bạn sẽ được một món ăn ngon lành mà là lạ chẳng kém gì đặc sản. Tép kho ăn với cơm trắng dẻo, người kén ăn cũng không thể bỏ bữa nửa chừng. Mắm tép khi chín ngấu có màu đỏ sậm, rang với thịt lợn băm nhỏ ăn với xôi nếp Tú Lệ thì không biết chán, chỉ ngại no.
Còn biết bao món ăn từ thủy sản hồ Thác Bà, từ dòng sông Chảy. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng thưởng thức hương vị một lần. Hãy dành cho Thác Bà một ngày thư giãn, một bữa trong quán cá hoặc nhà hàng ở Yên Bái sẽ biết thủy sản nơi này đáng có trong thực đơn du khách đến lần sau.