Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Cánh chim không mỏi gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Tày Hưng Khánh

08/04/2025 13:49:49 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong suốt hành trình 50 năm cống hiến không ngơi nghỉ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Tày, nghệ nhân Hoàng Kế Quang - người con của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã trở thành biểu tượng sống động của tình yêu văn hóa dân gian và sự kiên định giữ gìn hồn cốt quê hương.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang truyền dạy đàn tính và các bài hát dân tộc Tày cho thế hệ trẻ

Sinh năm 1940 tại thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, nghệ nhân Hoàng Kế Quang từ thuở nhỏ đã sớm được thấm đẫm trong không gian văn hóa Tày với tiếng đàn tính ngân nga và những điệu hát then đượm tình. Năm 1959, ông bắt đầu biểu diễn hát then trong Đại hội Hợp tác xã Nông nghiệp tại địa phương - một mốc son mở đầu cho hành trình nghệ thuật dân gian bền bỉ kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ.

Năm 1961, ông cùng đoàn văn nghệ tỉnh Yên Bái đại diện tham gia liên hoan hát múa Then tại Phú Thọ, sân chơi quy tụ nghệ nhân sáu tỉnh phía Bắc. Với tiết mục xuất sắc, ông được trao giấy khen, còn đoàn đạt giải nhì toàn đoàn, khẳng định tài năng và lòng nhiệt huyết của người nghệ nhân trẻ tuổi.

Không chỉ dừng lại ở biểu diễn, nghệ nhân Hoàng Kế Quang còn là kho tàng sống về nghệ thuật hát Then và văn hóa dân tộc Tày. Ông thành thạo 5 làn điệu đàn tính gồm nhịp 1, nhịp 3, nhịp 7, tính thuông, hát lượn; biết 6 thể loại hát Tày như hát nhịp Thuông, hát đàn dâng lễ, hát chèo đò khảm ải Mường Thiên, hát Boách mạy Tính Tiên... và thuộc hơn 50 bài hát Tày truyền thống.

Ông cũng am hiểu sâu sắc các câu chuyện dân gian, truyền thuyết về then Tày như sự tích cây Thanh Thảo, quả bầu đàn tính, trạng Then, những giá trị tinh thần độc đáo đang dần mai một trong đời sống hiện đại. Từ kho tàng tri thức đó, ông truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò, góp phần phục dựng và duy trì bền vững nghệ thuật then Tày tại địa phương.

Từ năm 2013 đến 2022, ông còn tích cực tham gia hoạt động cố vấn cho các thôn như Núi Vì, Khe Lếch, Khe Cam, Pá Thọoc trong việc xây dựng làng văn hóa, phát huy tinh thần tự quản, sáng tạo trong cộng đồng. Những mô hình văn hóa này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông Hoàng Kế Quang từng nhiều lần giành Huy chương vàng tại các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và toàn quốc: Huy chương vàng hát dân ca dân tộc Tày năm 1992, Huy chương vàng kể chuyện cây đàn tính năm 1999, giải ba tại Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc năm 2009 tại Bắc Kạn, Huy chương vàng hát Then tại Hội diễn nghệ thuật huyện Trấn Yên năm 2013...

Không chỉ biểu diễn, ông còn góp phần nghiên cứu, tư liệu hóa di sản văn hóa Tày. Năm 2011, ông hỗ trợ xây dựng luận án về Thảm Hải, một đề tài liên quan đến văn hóa dân gian cho học viên cao học của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là minh chứng rõ ràng cho năng lực học thuật và bề dày kiến thức văn hóa của một nghệ nhân dân gian.

Không cam lòng để tinh hoa văn hóa Tày mai một, nghệ nhân Hoàng Kế Quang đã dành nhiều tâm huyết cho công tác truyền dạy. Danh sách học trò của ông kéo dài, tiêu biểu như: Hoàng Thị Nghĩ, Hà Thị Điểu, Lương Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Vững, Hà Thị Liên, Hà Văn Tuấn… Nhiều người trong số họ sau này trở thành nòng cốt trong các hoạt động văn hóa dân tộc tại xã, huyện.

Dưới bàn tay truyền nghề của ông, nhiều lớp nghệ sĩ dân gian đã trưởng thành, tiếp tục giữ lửa cho phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, chương trình giao lưu, biểu diễn phục vụ khách du lịch và các sự kiện văn hóa của tỉnh.

Từ cuối năm 2022 đến nay, nghệ nhân Hoàng Kế Quang gặp biến cố sức khỏe do tai biến và không còn tham gia trực tiếp các hoạt động truyền dạy, nhưng di sản tinh thần mà ông để lại vẫn âm vang mạnh mẽ trong đời sống văn hóa Hưng Khánh. Ông chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật dân gian và văn hóa cộng đồng.

Những đóng góp của ông còn lan tỏa đến đời sống xã hội khi tích cực vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn nếp sống văn minh; chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đúng như tinh thần của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Từ tấm gương nghệ nhân Hoàng Kế Quang, có thể thấy rằng việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không thể chỉ trông chờ vào cá nhân. Đó là quá trình cần có sự đồng hành mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, sự đầu tư thích đáng về vật chất và tinh thần cho các nghệ nhân. Bảo tồn di sản văn hóa Tày phải gắn với phát triển du lịch, giáo dục thế hệ trẻ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để lan tỏa giá trị văn hóa một cách hiện đại và bền vững.

Câu chuyện về ông Hoàng Kế Quang không chỉ là câu chuyện về một người nghệ nhân, mà còn là câu chuyện về tình yêu quê hương, sự bền bỉ giữ gìn hồn cốt dân tộc, và là lời nhắn nhủ đầy xúc động gửi đến thế hệ hôm nay về việc trân quý, gìn giữ di sản cha ông để lại. Dịp này, ông được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho nghệ nhân dân gian tiêu biểu tỉnh Yên Bái, giai đoạn 1975-2025.

721 lượt xem
CTV: Thanh Hùng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h