Vịt bầu ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ngon nổi tiếng vì được thả ở suối trong suốt quá trình nuôi, chúng ăn ốc, tép, rêu đá và nhiều loài thủy sinh, vì vậy thịt ngon và chắc, khác hẳn so với các nơi khác. Vì thế đến Lục Yên mà chưa ăn thịt vịt thì xem như chưa đến Lục Yên, đặc biệt là món mọc vịt, món ăn đặc sản đậm chất văn hóa của cư dân nơi đây.
Món mọc vịt Lục Yên - Ảnh Diệm My
Để làm mọc vịt ngon, người nội trợ phải khéo lựa chọn vịt và không thể thiếu các gia vị chủ yếu là hạt dổi, rau răm, củ sả và thính (bột gạo rang). Vịt để làm mọc ngon nhất là vịt bầu béo, không non quá hay già quá, tốt nhất là mua loại vịt cái khoảng 7 - 8 tháng tuổi, trọng lượng mỗi con 1,8 - 2,5 kg. Nên chọn con chân vàng và ngắn, có dáng đi lạch, cổ vịt cũng ngắn, ức vịt căng và lông vịt phải mượt. Nếu mua được vịt nuôi trên dòng nước chảy ở các xã vùng cao như Khai Trung, Lâm Thượng, Khánh Thiện... thì càng ngon. Có lẽ do vùng này vịt thả suốt ngày ở nhiều khe suối lớn nước trong mát và sẵn thức ăn thiên nhiên giàu dinh dưỡng như tôm cá, cua, ốc nên thịt vịt béo chắc, đậm và rất thơm.
Khi làm mọc vịt, công việc đầu tiên là chuẩn bị gia vị, gạo làm thính nhặt sạch thóc, vo qua cho sạch rồi tãi mỏng, hong cho khô, trộn 1/3 gạo nếp với 2/3 gạo tẻ, rang chín vàng, nghiền nhỏ rây mịn. Hạt dổi nướng chín giã nhỏ, rau răm và củ sả giã nhuyễn, thêm chút nước vào bóp kỹ, vắt lấy nước, lọc bỏ bã, các loại gia vị như muối, nước mắm, mì chính, bột hạt dổi đều trộn vào nước gia vị này.
Vịt sau khi mổ rửa sạch để ráo nước, người ta lọc lấy phần thịt băm hoặc thái chỉ thật nhỏ, trộn đều thịt vịt với thính và gia vị, số lượng bột thính có thể nhiều hay ít tùy ý nhưng thông thường người ta trộn 2 phần thính với 3 phần thịt, nước gia vị vừa đủ để khi trộn xong nguyên liệu dẻo như bánh dày là đạt yêu cầu.
Gia vị làm món Mọc vịt - Ảnh Diệm My
Lá dong rửa sạch, lau khô, dùng gói mọc thành từng gói nhỏ (mỗi gói đặt vừa 1 đĩa) cho vào chõ xôi trong khoảng 3 giờ đồng hồ là được. Nước chấm mọc dùng loại nước mắm ngon, pha thêm chút đường, mì chính, hạt dổi, rau răm giã nhuyễn và nước cốt chanh, tùy theo khẩu vị người ăn có thể pha thêm tỏi và ớt tươi thái nhỏ.
Món mọc vịt thường ăn vào những dịp quan trọng của đồng bào dân tộc Tày như tết cổ truyền, đám cưới, đám hỏi hay lên nhà mới. Khi thưởng thức món mọc vịt, vị ngon, ngọt của thịt vịt quyện với độ dẻo của bột nếp, xen lẫn với hương thơm của các loại gia vị đặc trưng làm cho ai từng một lần ăn đều nhớ mãi.
Ngồi khoanh chân trên chiếu phía cửa sổ nhà sàn, thoang thoảng ngửi mùi thơm hoa rừng trong gió bình nguyên mát dịu, nhâm nhi chén rượu ngô được ủ bằng men lá cây, ăn món mọc vịt như một loại “bánh trong làng” vừa lạ miệng vừa ngon, chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi đến vùng đất ngọc Lục Yên.
4565 lượt xem
Ban Biên tập
Vịt bầu ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ngon nổi tiếng vì được thả ở suối trong suốt quá trình nuôi, chúng ăn ốc, tép, rêu đá và nhiều loài thủy sinh, vì vậy thịt ngon và chắc, khác hẳn so với các nơi khác. Vì thế đến Lục Yên mà chưa ăn thịt vịt thì xem như chưa đến Lục Yên, đặc biệt là món mọc vịt, món ăn đặc sản đậm chất văn hóa của cư dân nơi đây.Để làm mọc vịt ngon, người nội trợ phải khéo lựa chọn vịt và không thể thiếu các gia vị chủ yếu là hạt dổi, rau răm, củ sả và thính (bột gạo rang). Vịt để làm mọc ngon nhất là vịt bầu béo, không non quá hay già quá, tốt nhất là mua loại vịt cái khoảng 7 - 8 tháng tuổi, trọng lượng mỗi con 1,8 - 2,5 kg. Nên chọn con chân vàng và ngắn, có dáng đi lạch, cổ vịt cũng ngắn, ức vịt căng và lông vịt phải mượt. Nếu mua được vịt nuôi trên dòng nước chảy ở các xã vùng cao như Khai Trung, Lâm Thượng, Khánh Thiện... thì càng ngon. Có lẽ do vùng này vịt thả suốt ngày ở nhiều khe suối lớn nước trong mát và sẵn thức ăn thiên nhiên giàu dinh dưỡng như tôm cá, cua, ốc nên thịt vịt béo chắc, đậm và rất thơm.
Khi làm mọc vịt, công việc đầu tiên là chuẩn bị gia vị, gạo làm thính nhặt sạch thóc, vo qua cho sạch rồi tãi mỏng, hong cho khô, trộn 1/3 gạo nếp với 2/3 gạo tẻ, rang chín vàng, nghiền nhỏ rây mịn. Hạt dổi nướng chín giã nhỏ, rau răm và củ sả giã nhuyễn, thêm chút nước vào bóp kỹ, vắt lấy nước, lọc bỏ bã, các loại gia vị như muối, nước mắm, mì chính, bột hạt dổi đều trộn vào nước gia vị này.
Vịt sau khi mổ rửa sạch để ráo nước, người ta lọc lấy phần thịt băm hoặc thái chỉ thật nhỏ, trộn đều thịt vịt với thính và gia vị, số lượng bột thính có thể nhiều hay ít tùy ý nhưng thông thường người ta trộn 2 phần thính với 3 phần thịt, nước gia vị vừa đủ để khi trộn xong nguyên liệu dẻo như bánh dày là đạt yêu cầu.
Gia vị làm món Mọc vịt - Ảnh Diệm My
Lá dong rửa sạch, lau khô, dùng gói mọc thành từng gói nhỏ (mỗi gói đặt vừa 1 đĩa) cho vào chõ xôi trong khoảng 3 giờ đồng hồ là được. Nước chấm mọc dùng loại nước mắm ngon, pha thêm chút đường, mì chính, hạt dổi, rau răm giã nhuyễn và nước cốt chanh, tùy theo khẩu vị người ăn có thể pha thêm tỏi và ớt tươi thái nhỏ.
Món mọc vịt thường ăn vào những dịp quan trọng của đồng bào dân tộc Tày như tết cổ truyền, đám cưới, đám hỏi hay lên nhà mới. Khi thưởng thức món mọc vịt, vị ngon, ngọt của thịt vịt quyện với độ dẻo của bột nếp, xen lẫn với hương thơm của các loại gia vị đặc trưng làm cho ai từng một lần ăn đều nhớ mãi.
Ngồi khoanh chân trên chiếu phía cửa sổ nhà sàn, thoang thoảng ngửi mùi thơm hoa rừng trong gió bình nguyên mát dịu, nhâm nhi chén rượu ngô được ủ bằng men lá cây, ăn món mọc vịt như một loại “bánh trong làng” vừa lạ miệng vừa ngon, chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi đến vùng đất ngọc Lục Yên.