Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Đền Cầm Hánh, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

13/06/2019 11:05:44 Xem cỡ chữ Google
Ngày 06/02/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 218/QĐ-UBND, công nhận đền Cầm Hánh, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Văn Tiến trao bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh đền Cầm Hánh cho thị xã Nghĩa Lộ

1. Tên Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa Đền Cầm Hánh, Phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).

2. Loại hình Di tích:

- Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích:

- Quyết định số 218/QĐ-UBND ngày 06/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Đền Cầm Hánh, Phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã Nghĩa Lộ tham gia Lễ động thổ công trình xây dựng đền thờ Phó đề đốc quản hiệp Cầm Ngọc Hánh

 

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Di tích đền thờ Cầm Hánh thuộc tổ dân phố 5, cách trụ sở Ủy ban nhân dân phường Tân An 1km, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 82 km về phía Tây Nam. Đền Cầm Hánh, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ có diện tích khoanh vùng bảo vệ là 1549,4m2. Muốn đến di tích đền Cầm Hánh, du khách đi bằng đường bộ là thuận lợi nhất. Xuất phát từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga), đi theo Quốc lộ 32 (Yên Bái - Nghĩa Lộ) đến phường Tân An là tới di tích đền Cầm Hánh tọa lạc ngay bên đường (cách bến xe Nghĩa Lộ 500 mét). Nếu du khách đi theo Quốc lộ 37 Hà Nội - Lai Châu - Hà Nội, đến phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ là tới nơi tọa lạc của di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

- Khái quát về dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Theo cuốn sách Truyện kể bản mường (Quam Tô mương), khoảng thế kỉ XI - XII, hai nhân vật nửa huyền thoại, nửa có thật là Tạo Ngần, Tạo Xuông (Tạo Xuâng) thuộc ngành Thái đen, dẫn đầu từ Mường Ôm, Mường Ai, Xíp Xoong - Păn - Na ở Đức Hoằng thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) theo dọc sông Hồng vào Tây Bắc Việt Nam. Đầu tiên, họ đến vùng đất Văn Chấn, Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày nay để khai phá và đặt tên vùng đất mới là Mường Lò. Người Thái chia thành ba khu vực: Lò Luông (Mường Lò), Lò Cha (Mường Cha) và Lò Gia (Mường Gia).

Khi đã chiếm giữ toàn bộ vùng đất Văn Chấn, người con là Lò Lạng Chượng đi chinh phục, phát triển thế lực một vùng rộng lớn lên Mường Chiến, Mường Trai, Ít Ong (vùng tả ngạn sông Đà), sau đó vượt sông Đà vào các huyện Mường Bú, Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Quài (Tuần Giáo), cuối cùng là Mường Thanh (Điện Biên). Sau khi chiếm cứ Tây Bắc, người Thái tiếp tục di cư vào Tây Nghệ An và sang Lào. Cuộc di dân kéo dài hơn hai mươi năm, đi đến đâu người Thái cũng làm chủ các vùng đất và cùng với các dân tộc khác mở mang đất đai, lập bản, lập mường.

Ở Yên Bái, người Thái sống chủ yếu ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Ở Nghĩa Lộ có tổng số trên 31 nghìn người, trong đó người Thái chiếm 48% dân số (Theo số liệu thống kê tháng 5 năm 2019). Người Thái có nhiều ngành và mỗi ngành lại chia thành nhiều nhóm như Thái đen, Thái trắng.

Nguồn gốc giặc Cờ Vàng

Trong những năm từ giữa đến cuối thế kỉ XIX, đất nước Trung Quốc xảy ra cuộc chiến vô cùng ác liệt giữa quân đội Thanh triều với nghĩa binh Thái Bình Thiên Quốc và cuộc chiến giữa quân Thanh với quân đội viễn chinh các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha (I Pha Nho), Hồng Mao (Anh), Phu Lang Sa (Pháp) làm cho tình hình Trung Quốc rối ren, loạn lạc, các bên tàn sát nhau đẫm máu.

Năm 1851, cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo với khẩu hiệu "Phản Thanh, diệt tham ô tàn bạo, khôi phục lại nhà Minh" đã bùng nổ. Sau 14 năm hoạt động (1851-1864), bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp đẫm máu, nhiều toán nghĩa quân phải dạt vào miền Bắc nước Đại Nam, gây nên họa thổ phỉ ở nước ta từ cuối thế kỉ XIX. Khi vào miền Bắc nước ta, đám tàn quân này phân hóa thành nhiều dư đảng khác nhau và chúng tranh giành địa phận, chém giết lẫn nhau.

Quân Cờ Đen còn gọi là Hắc Kỳ Quân do Lưu Vĩnh Phúc, tự Uyên Đình, người Khâm Châu, Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây) làm thủ lĩnh. Đội quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh cầm đầu. Hiệu Cờ Trắng của Bàn Văn  Nhị, Lương Văn Lợi đã chiếm giữ một số thành, đất, gây nhiều nhiễu lọan, cướp bóc nhân dân ở vùng Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hưng Hóa…

Quân Cờ Vàng do Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài (Dịp Tài) cầm đầu lại nổi lên cướp phá ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Năm 1868 Ngô Côn đánh chiếm thành Cao Bằng, triều đình cử quan tổng đốc Phạm Chí Hương viết thư sang nhà Thanh xin cho quân tiễu trừ. Triều đình Mãn Thanh đã cử phó tướng Tạ Kế Quí đem quân sang phối hợp với Ông Ích Khiêm và quan Đề đốc Nguyễn Viết Thành đánh đuổi nhưng không được. Tháng 7 năm 1868, quân tướng nhà Nguyễn lại phối hợp với quân Thanh đánh giặc Cờ Vàng do Ngô Côn cầm đầu ở Thất Khê nhưng lại thất bại. Trong trận này, tham tán Nguyễn Lệ và Phó đô đốc Nguyễn Viết Thành bị tử trận, còn tham tán Phạm Chí Hương bị bắt. Trước tình hình đó, triều đình lại cử Võ Trọng Bình làm Hà dinh Tổng đốc kết hợp với Phùng Tử Tài, Đề đốc Quảng Tây (Trung Quốc) đem 31 quân thứ (gần 1 vạn) đánh Ngô Côn, khôi phục được tỉnh Cao Bằng.

Khi Pháp đánh chiếm Hà Nội, Hoàng Sùng Anh, tướng giặc Cờ Vàng trở thành tay sai của Pháp chống lại quan quân triều đình Huế. Còn Lưu Vĩnh Phúc thì có thái độ chống Pháp rất quyết liệt. Nhận định về sự kiện này, tác giả bộ Trung - Pháp chiến tranh cũng viết: Người Pháp phá Hà Nội, tướng Pháp là Gác- ni- ê câu kết với đầu sỏ của giặc là Hoàng Sùng Anh mưu chiếm cả nước Việt. Hoàng Sùng Anh cầm mấy vạn quân gọi là quân Cờ Vàng, thế to lắm. Nước Việt Nam sai dụ Lưu Vĩnh Phúc theo về…

- Phong trào đấu tranh chống giặc Cờ  Vàng của nhân dân Hưng Hóa

Tuy bị đánh đuổi khỏi Cao Bằng, nhưng dư đảng của giặc Cờ Vàng vẫn còn rất mạnh. Năm 1870, Ngô Côn lại đem quân đánh chiếm Bắc Ninh, nhưng lần này bị Ông Ích Khiêm bắn chết trong trận giao chiến gần sông Đuống. Sau khi Ngô Côn chết, toàn bộ tàn quân Cờ Vàng kéo vào Hưng Hóa cướp phá. Khi vào Hưng Hóa, đi đến đâu chúng cũng thẳng tay cướp phá, chém giết tàn bạo nhân dân, làm cho bản làng xơ xác, nhân dân cực khổ trăm bề, nhiều người phải chạy trốn vào rừng sâu lánh nạn. Cuộc sống của các dân tộc cơ cực như con thú trên rừng “… dân sống cuộc đời như nai, như hoẵng, nay đây mai đó - dân như loài cuốc, như cáo, như chồn chui rúc rừng sâu”.

Trước sự dã man, tàn bạo của quân giặc, ở rất nhiều nơi, dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh địa phương, nhân dân đã đứng lên kháng chiến bảo vệ bản mường. Trong hoàn cảnh vừa đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, lại vừa phải đương đầu với giặc Cờ Vàng, tuần phủ Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích đã tích cực vận động nhân dân chủ động chuẩn bị đánh Pháp và dẹp giặc Cờ Vàng. Ông lệnh cho các địa phương không ai được hợp tác với giặc và chủ động tuyển quân lính, xây dựng thành lũy để kháng chiến chống giặc, đồng thời cho quân án ngữ các vị trí trọng yếu ở Văn Chấn, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bình Lư, Phong Thổ và dọc tuyến sông Đà. Tổng đốc Nguyễn Quang Bích bố trí lực lượng khắp  trên  các  tuyến,  cụ thể:

- Tại huyện Văn Chấn, Văn Bàn: Năm 1873, khi giặc Cờ Vàng tràn vào cướp phá, Nguyễn Quang Bích và Lưu Vĩnh Phúc đã kiện toàn tổ chức, thống nhất lại do Nguyễn Văn Quang chỉ huy với quân số hơn 400 người. Ở Văn Chấn, Cầm Ngọc Hánh trực tiếp lãnh đạo lực lượng chống giặc Cờ Vàng.

- Tại Mộc Châu: Tuần phủ Nguyễn Quang Bích và Lưu Vĩnh Phúc kiện toàn, củng cố lại, giao cho thủ lĩnh Sa Văn Nọi chỉ huy, tổng số quân lên đến hơn 600 người, bao gồm người Thái, Dao, Mường, Mông.

- Tại Tuần Giáo, Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La do Cầm Bun Hoan chỉ huy.

- Tại Mường Lay, Phong Thổ do Điêu Văn Toa chỉ huy, quân số hơn 1.000 người; địa bàn hoạt động chủ yếu ở Phong Thổ, Bình Lư, Sìn Hồ, Mường Lay và sang cả đất Lào.

Ở tất cả các vùng do quân ta chiếm đóng có nhiều thanh niên tham gia nghĩa quân nên lực lượng được tăng cường rất hùng hậu. Quân và dân khắp miền tích cực chuẩn bị đầy đủ vũ khí, lương thực để có thể chiến đấu lâu dài. Nguyễn Quang Bích cùng với Lưu Vĩnh Phúc đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn trên địa bàn Tây Bắc. Tiêu biểu là trận đánh giặc Cờ Vàng tại Mường La, Ít Ong, Mường Bú, chân đèo Khau Phạ, Mường Muổi, Mường Piềng, Mường Chanh, Mường Mai… gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), theo lời xin của Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc được thăng chức quyền Tam Tuyên quân vụ Đề đốc tước vị nam, kiêm coi các đạo và được sai phái đi đánh giặc Cờ Vàng. Tháng 8 năm Ất Hợi (1875) Hoàng Sùng Anh về đóng ở làng Châu Thượng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, bị quân của nhà Nguyễn là Hoàng Kế Viêm, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân nhà Thanh đánh. Hoàng Sùng Anh bị bắt, rồi bị giết chết, bấy giờ mới cơ bản hết nạn Cờ Vàng, nhưng dư đảng của chúng vẫn còn và tiếp tục gây loạn, cướp bóc một số địa phương. Năm 1879, các nhóm này lại được bổ sung lực lượng của Lý Dương Tài từ Khâm Châu sang, câu kết thêm với quân Pháp tiến đánh thành Bắc Ninh. Năm 1880, quân triều đình cùng phối hợp với quân của Lưu Vĩnh Phúc đi đánh và bắt được Lý Dương Tài.

Sau nhiều năm gian khổ chiến đấu, các dân tộc vùng Tây Bắc đã đánh đuổi, dẹp nạn giặc Cờ Vàng, chấm dứt tình trạng loạn lạc, giữ yên bản mường và chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Cuộc đấu tranh chống giặc Cờ Vàng của nhân dân các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ

Cầm Hánh (còn gọi là Cầm Ngọc Hánh - Tạo Hánh - Quản Hánh) là người Thái Mường Lò - Văn Chấn. Ông là con trưởng Tạo Đúc và các em trai Cầm ChiêuCầm Tám, Cầm Vạng (Cầm Vạn) và Cầm Hiệp đều sinh sống tại Mường Lò. Khi giặc Cờ Vàng chuẩn bị tiến đánh Mường Lò - Văn Chấn theo đường Trái Hút, Trấn Yên (nay huyện Văn Yên), đường ngòi Thia vào và một đường từ Âu Lâu vào Mường Hồng (Hưng Khánh, Trấn Yên), Cầm Hánh cùng với các em kêu gọi nhân dân đoàn kết, sẵn sàng đánh giặc. Thực hiện chủ trương của Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, tại Văn Chấn thủ lĩnh Cầm Hánh đã vận động nhân dân không hợp tác với giặc, chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực, xây dựng thành lũy, bố trí quân án ngữ những vùng trọng yếu để đối phó với giặc Cờ Vàng khi chúng xâm chiếm Văn Chấn. Để chuẩn bị kháng chiến chống giặc Cờ Vàng, Cầm Hánh đã triệu tập anh em, họ hàng, các phìa, quan binh họp bàn phương án đánh giặc ngay khi chúng kéo quân vào Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ.

Cầm Hánh cho xây dựng thành Viềng Công, xã Hạnh Sơn, tổng Hạnh Sơn và đặt làm đại bản doanh chỉ huy đánh giặc. Từ Trái Hút, quân Cờ Vàng tiến vào Mường Lò, đến Mường Min (Gia Hội), bị quân Cầm Hánh dùng mẹo đánh. Chúng bị thiệt hại nặng nề, phải rút lui và xuôi sông Thao (sông Hồng) nhập với quân ở Âu Lâu để tiến theo Mường Hồng (Hưng Khánh).

Cầm Tú chỉ huy quân đánh chặn địch từ Mường Hồng và các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn. Tại đây, Cầm Tú chỉ huy nghĩa binh đánh giặc Cờ Vàng trong ba tháng, hai bên đánh nhau quyết liệt. Cả quân ta và quân Cờ Vàng đều thiệt hại, quân giặc chết thành đống (ngày nay nhân dân các xã Thượng Bằng La, Đại Lịch, Chấn Thịnh vẫn gọi “gò mả khách”). Sau đó, quân ta hết lương thực mà quân địch lại mạnh, nên Cầm Tú lui quân về Ba Khe, Đèo Ách, chặn đánh địch, không cho chúng tiến vào Mường Lò. Khi đánh vào Ba Khe, Đèo Ách, giặc Cờ Vàng bị sa bẫy đá của quân Cầm Tú, chúng bị thiệt hại nặng, chạy như ong vỡ tổ. Song do quân Cờ Vàng quá đông nên quân Cầm Tú phải rút về Bằng Bon; thừa thắng quân địch đuổi theo quân ta. Cầm Hiệp đưa quân cứu viện, hai bên giao tranh quyết liệt, Cầm Hiệp bị giặc bắt, nghĩa quân phải rút về thành Viềng Công. Giặc Cờ Vàng đuổi theo đến Bản Chao (nay thuộc phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ) hạ trại, chuẩn bị đánh nghĩa quân của anh em Cầm Hánh.

Trong lúc đó, Cầm Hánh đóng quân tại Lò Luông (Mường Lò lớn). Cầm Chiêu cùng con là Cầm Tám đóng quân tại Mường Cha. Nhân dân các dân tộc ba Mường (Mường Lò luông, Mường Cha, Mường Gia), Văn Chấn đồng lòng với nghĩa quân do thủ lĩnh Cầm Hánh chỉ huy cùng nhau "bền lòng vững bụng" đánh giặc. Khí thế đánh giặc đang dâng cao thì tin dữ dồn dập đến với thủ lĩnh Cầm Hánh. Cầm Hiệp bị bắt, Cầm Chiêu xin hàng giặc Cờ Vàng, tướng giặc là Diệp Tài kêu gọi Cầm Hánh:              

                                     "…Cầm Hánh tới xin hòa - Ta sẽ thả ba anh em chúng nó".

Cầm Hánh không hề run sợ, thề "Quyết một trận sống chết với bọn bay". Trước sự quyết tâm của thủ lĩnh Cầm Hánh, toàn thể nghĩa quân cùng với nhân dân ba Mường đồng lòng, vững tin, quyết tâm đánh giặc bảo vệ bản mường. Dưới sự chỉ huy của Cầm Hánh và được sự tiếp ứng của quân Cầm Tám, cuộc chiến diễn ra quyết liệt, quân giặc chạy tán loạn, Diệp Tài phải lui quân. Thừa thắng, Cầm Hánh cho nghĩa binh truy đuổi giặc đến tận trại ở phía Đông, phía Tây, buộc quân Cờ Vàng phải rút về cố thủ đồn Pú Tre. Cầm Hánh lệnh cho quân lấy rơm rạ chất xung quanh rồi đốt lửa, bọn giặc lo sợ chạy ra khỏi đồn, bị nghĩa quân tiêu diệt, quân ta thắng lớn, Diệp Tài rút quân về bản Chao cố thủ. Cầm Hánh, Cầm Tám trở lại thành Viềng Công cùng với các thủ lĩnh bàn cách đánh giặc. Sau khi rút chạy về cố thủ ở Bản Chao, Diệp Tài củng cố quân, đợi thời cơ đánh thành Viềng Công.

Trong một đêm khuya, vào canh ba, giặc Cờ Vàng đưa quân đánh úp thành Viềng Công, Do quân của Cầm Hánh, Cầm Tám rất cảnh giác nên đã đánh cho giặc Cờ Vàng tan tác, thiệt hại nặng nề, xác chất thành đống, máu loang đỏ khắp thành lũy. Trận này, quân ta thắng lớn, khiến lòng người phấn khởi: “Tiếng cười rộn rã nơi nơi”.

Thua trận, Diệp Tài dùng quỉ kế nham hiểm, đưa Cầm Chiêu đến trước thành. Vì mất cảnh giác nên Cầm Tám đã mắc mưu giặc Cờ Vàng. Ông cho quân mở cổng thành và thế là thành Viềng Công bị rơi vào tay giặc. Cầm Tám trốn thoát, nhưng nhiều người bị bắt, số còn lại phải lánh lên tận Mường Chai, Mường Chiến...

Sau khi chiếm được thành Viềng Công, Diệp Tài cho bao vây quân của Cầm Hánh ở Mường Lò luôn suốt ba tháng. Đợi đến lúc quân của Cầm Hánh cạn hết lương thực (mọi người phải lấy nõn cây ăn cầm hơi), quân lính mất tinh thần, Diệp Tài tiến đánh, hai bên giao tranh quyết liệt và đều bị thiệt hại nặng.

“…Quân ta hi sinh quá đông

Quân giặc chết như ngả rạ

Xác chúng như bãi cát bên sông, chất chồng như bãi đá

Như rừng chuối bị phạt trên rừng”.

Mường Lò thất thủ, để giữ khí tiết, quyết không bị giặc bắt, Cầm Hánh tự sát. Trước khi chết, ông cho gọi quân lính đến khuyên bảo “Hãy nuôi chí đợi thời cơ”, rồi đọc bài thơ:

Tạp bố lầy sấc cứn lăng

Chắc ó ma lát khe pát có năng chầu

Chên lo lầy lan nên pàng mẩu

Nha há phàn côn hai toi sắc phắn chàu sau ná

Tạm dịch ra tiếng Việt:

Đánh không được giặc Hán thế đông

Thà lấy dao cắt cổ, giữ lòng

Được truyền lại cho con cháu mai sau

Chớ theo giặc phản lại dân mình

Cuộc khởi nghĩa chống giặc Cờ Vàng do thủ lĩnh Cầm Hánh, người Thái Mường Lò - Văn Chấn chỉ huy đã thất bại. Toàn bộ đất Mường Lò lọt vào tay Dịp Tài (tướng Ngô Hán). Sau khi chiếm Mường Lò, giặc Cờ Vàng thẳng tay tàn sát, giết hại dã man dân lành; bản mường điêu tàn, xơ xác, nhiều người phải bỏ nhà cửa, bản mường lên các bản của người Mông, người Dao, nhiều người phải sang tận Sơn La lánh nạn.

Sau 3 năm (1872-1875), cuộc đấu tranh chống giặc Cờ Vàng ở Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ, do thủ lĩnh người Thái là Cầm Hánh lãnh đạo, tuy thất bại nhưng đã góp phần làm nền tảng tinh thần, lòng tin của nhân dân chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh chống giặc Cờ Vàng của nhân dân Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã tô đậm truyền thống lịch sử, làm gạch nối quan trọng của phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Tên tuổi và hình ảnh thủ lĩnh Cầm Hánh vẫn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Mường Lò - Văn Chấn - một người giàu lòng yêu nước, hi sinh vì quê hương, đất nước, xứng đáng được lưu danh trong sử sách và tôn thờ như một vị anh hùng dân tộc.

Để thể hiện lòng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng dân tộc, Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã xây dựng đền thờ Cầm Hánh cùng với những người con quê hương Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong công cuộc chống giặc Cờ Vàng, bảo vệ bản mường.

Theo ông Hoàng Văn Tom (84 tuổi), con trai ông Hoàng Văn Ẹc, làm péch (công việc chuyên trông coi việc lễ hội, tế lễ của tổng và của Mường Lò) và nghệ nhân Lò Văn Biến (82 tuổi), chuyên nghiên cứu văn hóa Thái, hiện đang trú tại bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, đền Cầm Hánh xây dựng cuối thể kỉ XIX (khoảng từ năm 1880-1885). Đến năm 1944, đền được tu sửa lại. Ngôi đền này thờ thủ lĩnh Cầm Hánh, Cầm Vạn, Cầm Tám, Cầm Chiêu, Cầm Tú, Cầm Hiệp cùng nghĩa quân đã chiến đấu và hi sinh trong cuộc chống giặc Cờ Vàng.

Nhà báo Trần Cao Đàm, người nghiên cứu về phong trào đấu tranh chống giặc Cờ Vàng ở Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ do Tạo Cầm Hánh lãnh đạo cũng cho biết: Sau khi Cầm Hánh chết, bất chấp giặc tàn bạo, nhân dân Mường Lò đã làm ngôi đình Thổ ngay tại bản doanh của ông để thờ phụng, ghi nhớ công ơn của bốn anh em họ Cầm. Theo đó, có thể đền thờ Cầm Hánh được xây dựng khoảng từ năm 1878-1880.

Ở ngôi đền này, ngoài nơi thờ Cầm Hánh, Cầm Vạn, Cầm Tám, Cầm Chiêu, Cầm Tú, Cầm Hiệp và nghĩa quân đã hi sinh trong cuộc chống giặc Cờ Vàng, đền còn thờ “ông hổ”. Trong dân gian Việt Nam, hình ảnh con hổ phổ biến trong các kiến trúc đền, đình, miếu dưới chế độ quân chủ của triều đình phong kiến là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, cho các vị võ tướng. Hổ còn là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền và tâm linh. Hổ được coi là chúa tể chốn sơn lâm, nên nhiều nơi nhân dân đã thần thánh hóa loài vật này với tập tục thờ hổ hay thờ thần hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng. Ở vùng rừng núi, một số dân tộc luôn thờ phụng, tôn thờ con hổ như thần giám hộ.

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, dân gian cũng cho rằng, con hổ (Quan ngũ hổ) là vị chúa cai quản rừng núi, còn rắn (ông lốt) ở sông nước. Quan ngũ hổ cai quản bốn phương, là con vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ là kẻ thù của ác thần, tà thần, chuyên ám hại người sống cũng như người đã chết, là thần linh canh cửa các ngôi đền, đình. Với tín ngưỡng thờ ngũ hổ, nhân dân cầu mong vị thần hổ giúp trừ tà ma gây dịch bệnh, phòng ngừa trộm cắp. Theo tín ngưỡng của người Thái Mường Lò, ông hổ (pảu pú) giữ linh hồn cho con người, để linh hồn luôn trong sạch, không bị cái xấu, cái ác lôi kéo và giữ cho hồn không lìa khỏi thân thể.

Các cụ già trong vùng Mường Lò cho biết, đền Cầm Hánh rất linh thiêng. Khi đi qua đền, ai cưỡi ngựa, đi xe đều phải xuống, mũ nón phải cầm tay chứ không được đội trên đầu. Ngày mùng 1, ngày rằm và lễ tết, các quan tổng, châu mường và những người buôn bán cùng dân châu, mường đều đến thắp hương.

Trước năm 1944, đền thờ Cầm Hánh có kiến trúc nhà cột gỗ thông to vuông, bốn gian, lợp gianh, xung quanh lịa ván thông làm tường, có ba cửa, nóc đền quay theo hướng Đông - Tây, quay cửa ra đường. Bên cạnh đền có trồng cây đa to.

Bài trí các ban thờ trong đền: Gian cuối có ban thờ làm bằng gỗ, sơn mầu đỏ dài 2,2 mét, rộng 1,6 mét; ban thờ giữa cao 1,5 mét, hai bên thấp hơn. Ban thờ giữa có tượng gỗ, đặt một bát nhang to, cao hơn, trên bát nhang có treo thanh gươm thờ Cầm Hánh. Ở hai bên, mỗi bên có bốn tượng gỗ và hai bát nhang bằng gỗ thờ Cầm Vạn, Cầm Hiệp, Cầm Chiêu, Cầm Tú. Kế tiếp đó, hai bên có hai ban thờ thấp phía trái và phía phải có bốn tượng gỗ và bốn bát nhang (mỗi bên có tượng và hai bát nhang) thờ quân lính và những người đã chết trong phong trào chống giặc Cờ Vàng. Còn phía dưới ban thờ chính có một ban nhỏ thờ ông hổ (pảu pú).

Phía trước cổng chính tường xây, có ba cửa, cửa chính và hai cửa ngách, giữa hai bên cửa ngách với cổng chính có vẽ hình hai con hổ. Năm 1944, đền thờ Cầm Hánh được sửa chữa lại. Mái lợp ngói, khuôn viên của đền mở rộng hơn, xung quanh rào nứa đan mắt cáo, Tạo Lò cho đào ao xung quanh đền vừa để chống thú dữ, kẻ thù vào phá đền, vừa để trồng sen (noong bua) tạo cho cảnh quan thêm đẹp. Trải qua thời gian và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với chính sách chống mê tín dị đoan, năm 1965, chính quyền cho dỡ đền và một phần cột, xà, ngói… làm hợp tác xã mua bán ở bản Xa (nay là xã Nghĩa Lợi), phần còn lại vừa bị thất lạc, vừa bị mối mọt hỏng nát. Từ đó, đền thờ Cầm Hánh chỉ còn trong tâm thức, trong nỗi nhớ của mỗi người dân Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Hiện nay, khu đất đền tọa lạc khi xưa vẫn còn lại cây đa và dấu tích của ao, không gian tổ chức lễ hội.

Ngày 19 tháng 9 năm 2016, Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức Lễ động thổ công trình xây dựng đền Cầm Hánh, khôi phục, xây dựng lại di tích đền Cầm Hánh khang trang hơn, xứng tầm với quy mô, giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của Di tích để đền Cầm Hánh trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Mường Lò, điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa cho du khách khi đến với thị xã Nghĩa Lộ.

6. Các nhân vật được thờ tự:

- Đền thờ thủ lĩnh Cầm Hánh, Cầm Vạn, Cầm Tám, Cầm Chiêu, Cầm Tú, Cầm Hiệp cùng nghĩa quân đã chiến đấu và hi sinh trong cuộc chống giặc Cờ Vàng.

- Đền thờ ông hổ là biểu tượng của sức mạng, uy quyền và tâm linh.

7. Các hiện vật trong di tích:

Hiện nay, hiện vật của đền chỉ còn thanh mã tấu của thủ lĩnh Cầm Hánh (dài 1,1 mét); tại bản Viềng Công (Hạnh Sơn) còn viên đá kê đầu của Cầm Hánh; ban thờ, tượng, lọng, cờ, chiêng, trống, bát nhang… đều bị thất tán, nay không còn.

8. Phong tục lễ hội: Trong năm, tại đền Cầm Hánh diễn ra nhiều lễ hội, chủ yếu là các lễ chính sau:

- Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng).

- Lễ Xíp xí (rằm tháng Bẩy).

- Lễ ngày 29 - 30 Tết.

Lễ ngày 29 - 30 Tết là tổ chức ăn tết trong toàn mường, toàn tổng, mời phó đề đốc quản hiệp Cầm Ngọc Hánh cùng nghĩa quân về ăn tết với dân mường. Cầu mong linh hồn ông cùng nghĩa quân che chở, phù hộ dân Mường Lò - Văn Chấn - Nghĩa Lộ bình an, không có giặc xâm chiếm; cầu cho sức khỏe, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Trong ngày này, dân mường mổ hai con lợn; một con nướng, một con mổ chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Ngoài ra còn có gà, vịt, cá suối, rượu, hoa quả, bánh khảo, bánh nếp…

Sau khi chế biến xong, con lợn nướng đặt lên ban thờ cao (ban thờ Cầm Hánh); hai ban bên cạnh đặt hai mâm. Tiếp theo thầy mo làm các thủ tục, nghi lễ cúng tế, mời các thần linh cùng năm anh em họ Cầm và nghĩa quân về ăn tết với dân bản. Kết thúc các nghi lễ cúng tế, dân làng tổ chức ăn uống tại sân đền thể hiện tinh thần đoàn kết, nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn của ông cha, các thế hệ đi trước đã có công đánh giặc bảo vệ đất nước, quê hương.

Các hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như hát khắp, múa xòe, hạn khuống, đánh tó mắc lẹ, kéo co, ném còn…

Di tích đền thờ Cầm Hánh xây dựng cuối thế kỷ XIX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ và với những nguyên nhân khác, đến nay đền không còn. Nhưng với truyền thống đạo lí tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, tưởng nhớ đến những người đã hi sinh vì đất nước, các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ mãi mãi ghi nhớ, khắc sâu trong kí ức về Di tích lịch sử thiêng liêng, niềm tự hào về một di sản văn hóa của dân tộc. Bởi đây là bằng chứng quan trọng, là "cuốn sử sống" phản ánh tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm và là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, ý thức độc lập, tự cường của nhân dân ta.

Ngày nay, mỗi khi đến Mường Lò - Nghĩa Lộ, đi qua nơi đền thờ Cầm Hánh xưa tọa lạc, chúng ta lại tưởng nhớ đến công ơn "Phó đề đốc quản hiệp Cầm Ngọc Hánh” cùng với nghĩa quân và biết bao người dân bình dị đã góp sức, góp chí, góp tâm và cả xương máu trong trong phong trào chống giặc Cờ Vàng cuối thế kỉ XIX.

Di tích đền thờ Cầm Hánh là biểu tượng linh thiêng, gắn với những giá trị truyền thống văn hoá như truyền thuyết, lễ hội xên bản, xên mường, những truyện về Ải Lậc Cậc, Tạo Ngần, Tạo Xuông, Lò Lạng Chượng đi mở đất, truyện thơ Xống chụ xon xao, Hạn Khuống, hội xòe, Nậm Tốc Tát… của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ và khắp vùng Tây Bắc.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

6711 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h