Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc và Ủy ban Dân tộc nước CHXHCN Việt Nam làm việc tại tỉnh Yên Bái

03/06/2016 17:24:14 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiều ngày 3/6/2016, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc và Ủy ban Dân tộc nước CHXHCN Việt Nam do ông Lý Chiêu - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long tặng đoàn công tác Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc bức tranh Dang thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Cùng đi có các đồng chí Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Cố vấn cao cấp về Các vấn đề Dân tộc, Đại sứ quán Trung Quốc, Phó Chánh Văn phòng và chuyên viên vụ Hợp tác Quốc tế.

Về phía Ủy ban Dân tộc Nhà nước Việt Nam có ông Hoàng Văn Bình - Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế và các chuyên viên của Vụ.

Cùng dự có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Văn phòng UBND tỉnh và UBND huyện Yên Bình.

Tại buổi tiếp và làm việc, đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nồng nhiệt chào đón đoàn công tác đến làm việc tại Yên Bái. Đồng chí đã giới thiệu với đoàn công tác thông tin chung về tỉnh Yên Bái. Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và Trung du Bắc bộ Việt Nam, có đông dân tộc anh em cùng chung sống, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là giao thông vận tải với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, thuận tiện đi lại như Hà Nội, Lào Cai, Cảng Hải Phòng. Những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho Yên Bái trở thành một nhịp cầu quan trọng kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN, là vệ tinh trong sự hợp tác phát triển của các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trong năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 15.548 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 8.602 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng 11,33%. Thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 63,11 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đá, tinh bột sắn, giấy vàng mã, sản phẩm may mặc… xuất sang các thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Châu Á như: Trung quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản… Tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2015 đạt 33,7 triệu USD, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón. Quý I năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 1.450 tỷ đồng (bằng 23% kế hoạch năm tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,2 triệu USD (bằng 23% kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015). Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển khá trong vùng Tây Bắc. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững. Tập trung phát triển 3 mũi đột phá: sản xuất công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư phát triển 2 vùng động lực kinh tế là thành phố Yên Bái và huyện Văn Chấn; đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, có ưu thế trong cạnh tranh và xuất khẩu, tăng nhanh tỷ trọng du lịch, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị.

Về tình hình vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái có trên 30 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 07 dân tộc có dân số trên 10.000 người; 02 dân tộc từ 2.000 - 5.000 người. Dân tộc Kinh chiếm 46,31%, các dân tộc thiểu số chiếm 53,7%: dân tộc Tày chiếm 18,27%, Dao chiếm 11,31%, Mông chiếm 11,06%, Thái chiếm 7,17%... địa bàn có đông thành phần dân tộc thiểu số cư trú là các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải với diện tích tự nhiên chiếm 95,19% diện tích toàn tỉnh. Riêng 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải có tỷ lệ người Mông chiếm trên 90%. Các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. Nhìn chung đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái sống quần cư, xen kẽ trên toàn địa bàn. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau giữa các dân tộc do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, do lịch sử để lại, do các điều kiện khác… Có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không có mâu thuẫn, phân biệt và kỳ thị giữa các dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào Dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện để đồng bào vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng dần đời sống vật chất và tinh thần, xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh Yên Bái là một tỉnh nghèo, song luôn quan tâm và thực hiện tốt các chính sách để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện được củng cố, kiện toàn; ở tỉnh có Ban Dân tộc tỉnh, cấp huyện có Phòng Dân tộc huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp của tỉnh từng bước trưởng thành, được đào tạo cơ bản cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở vùng dân tộc, miền núi.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thông tin qua về tình hình thực hiện và hiệu quả một số chính sách dân tộc đầu tư trên vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái. Theo đó, một số chương trình, dự án chính sách vùng dân tộc như Chương trình 135 và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg; chính sách di dân, định canh định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… tại tỉnh Yên Bái đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo được nâng lên một bước; cơ sở hạ tầng ở vùng cao, vùng sâu tiếp tục được cải thiện, tạo ra sự chuyển biến tích cực ở nông thôn miền núi. Tình hình an ninh chính trị, quốc phòng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản ổn định, không có xảy ra những điểm nóng trên địa bàn. Các chương trình, dự án có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, khẳng định niềm tin của nhân dân ngày càng sâu sắc với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các chính sách được triển khai phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và nguyện vọng người dân ở vùng DTTS đã góp phần nâng cao hiểu biết, phát triển tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo đói ở từng thôn bản.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lý Chiêu - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc đã trân trọng cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của tỉnh Yên Bái. Ông nhấn mạnh, qua thông tin giới thiệu của lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác nhận thấy vị trí quan trọng của tỉnh Yên Bái tại Tây Bắc Việt Nam. Công tác dân tộc cũng như tình hình dân tộc của hai nước có sự tương đồng, và mong muốn sẽ được giao lưu, học hỏi, tăng cường mối quan hệ giữa hai tỉnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc cũng thông tin qua về tình hình phát triển cũng như công tác dân tộc của Trung Quốc. Là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc sinh sống tại Trung Quốc luôn chung tay xây dựng đất nước tốt đẹp. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, Trung Quốc có 56 dân tộc chung sống. Trong 1,3 tỷ dân số Trung Quốc có 110 triệu dân số là dân tộc thiểu số. Tuy dân tộc thiểu số không nhiều, vùng dân tộc thiểu số nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng chiếm vị trí quan trọng. Nguồn tài nguyên rất phong phú. Trình độ dân tộc thiểu số của Trung Quốc cũng có sự chênh lệch, không đồng đều. Do đó, phát triển cải thiện đời sống của người dân tộc thiểu số cũng là một trong những chính sách quan trọng của đất nước Trung Quốc. Trung Quốc hiện đối diện với thách thức về an ninh quốc gia, khi một số dân tộc thiểu số bị khủng bố và cực đoan tuyên truyền làm ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Để triển khai tốt công tác dân tộc, Trung Quốc cũng đều có tổ chức phụ trách công tác dân tộc. Nhà nước coi trọng cao độ vấn đề dân tộc, luôn gìn giữ hòa bình giữa các dân tộc, phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, coi các dân tộc là bình đẳng. Theo Hiến pháp và pháp luật Trung Quốc, Trung Quốc cũng có nhiều chính sách nghiêm túc trong việc triển khai, xử lý vấn đề ly khai dân tộc, thực thi chế độ Khu tự trị dân tộc, đào tạo trình độ, cải thiện cơ sở hạ tầng… nên vùng dân tộc thiểu số Trung quốc được cải thiện rõ rệt. Trước năm 2020, Trung Quốc phấn đấu xây dựng đất nước có các dân tộc khá giả. Tất cả các cơ quan đều coi trọng công tác thoát nghèo.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc trân trọng cảm ơn sự thịnh tình đón tiếp của tỉnh Yên Bái và hy vọng hai bên sẽ tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tăng cường mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển. Trước đó, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc đã có buổi làm việc với Ban cCỉ đạo Tây Bắc về việc thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng./.

497 lượt xem
Thanh Hoa

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h