Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng 1/8: Công tác Tuyên huấn phục vụ cuộc vận động chuyển dân xây dựng công trình thủy điện Thác Bà

01/08/2016 07:31:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cuộc vận động chuyển dân xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà kết thúc thắng lợi có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng. Thắng lợi của Cuộc vận động chuyển dân xây dựng thủy điện Thác Bà - Công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã trở thành điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng để các địa phương trong cả nước học tập. Nhân kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2016), chúng ta cùng nhìn lại thắng lợi trong công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh.

Thủy điện Thác Bà được xây dựng thành công có phần đóng góp to lớn, quan trọng của công tác chuyển dân cũng là mốc đánh dấu sự trưởng thành trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng bộ tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà trên dòng sông Chảy. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái nói riêng và của vùng Tây Bắc nói chung, nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Sau khi có quyết định của Chính phủ về xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà, Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra Nghị quyết số N/B6 ngày 2/3/1961 thành lập Ban Di dân kiêm nhiệm của tỉnh gồm 8 đồng chí, do đồng chí Hà Ba Lương, Tỉnh uỷ viên làm Trưởng ban. Ủy viên gồm các đồng chí Lương Văn Toàn (Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh); Trương Văn Quynh (Huyện uỷ viên Yên Bình); Hoàng Luận (Phó ban Tuyên huấn tỉnh); Toàn Hồng (Phó ban Công tác Nông thôn tỉnh); Bùi Cương Linh (Phó ty Tài chính); Nguyễn Văn Sĩ (Tôn giáo vận); Chu Miên (Công an tỉnh). Tháng 10/1961, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ và tích cực chuẩn bị tiến hành công tác di dân, Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Nguyễn Xuân Trình, Tỉnh uỷ viên phụ trách Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ trách nhiệm Trưởng ban Di dân tỉnh. Năm 1963, Tỉnh uỷ giải thể Ban di dân kiêm nhiệm thành lập Ban di dân chuyên trách trực thuộc Tỉnh uỷ, phân công đồng chí Đỗ Khắc Cương - Tỉnh uỷ viên làm Trưởng ban. Đồng chí Hoàng Long Giang làm phó Ban. Các đồng chí Đặng Bá Lâu, Hoàng Đình Quy, Lê Văn Vạn làm ủy viên. Cùng với việc tăng cường chỉ đạo, kiện toàn Ban di dân tỉnh, Ban di dân của các huyện Yên Bình, Lục Yên cũng được thành lập.


http://yenbai.gov.vn/ImagerOld/vi/PublishingImages/Thanh%20Binh/Chinhtri/NgandapTD_ThacBa.jpg

Ngăn dòng Thủy điện Thác Bà năm 1970. Ảnh tư liệu.

Cuộc vận động chuyển dân xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà thực chất là cuộc cách mạng về tư tưởng với Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trực tiếp là nhân dân vùng lòng hồ phải di chuyển và nơi tiếp nhận đồng bào chuyển đến. Đòi hỏi công tác tư tưởng của Đảng bộ phải giải quyết nhiều vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm:

Trước hết, việc giải phóng lòng hồ, di chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới của hàng ngàn hộ dân là công việc lớn và hết sức khó khăn phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc, các tôn giáo sinh sống trong vùng lòng hồ. Hơn nữa, Yên Bình và hạ huyện Lục Yên là một vùng đất phì nhiêu. Sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây đã tạo nên một vùng quê trù phú.

Thứ hai, Yên Bình là nơi đạo Thiên chúa đến khá sớm (thế kỷ XVIII) đồng thời cũng là nơi tập trung số giáo dân đông nhất tỉnh (chiếm 70% số giáo dân toàn tỉnh). Khi ta có chủ trương chuyển dân vùng lòng hồ, một số phần tử phản động lợi dụng tung tin “Cộng sản lợi dụng chuyển dân để phá đạo, giáo dân sẽ bị phân tán xen kẽ với người không theo đạo và sẽ không có nhà thờ để cầu nguyện làm cho đạo Chúa khô dần” dẫn đến tình trạng hoang mang lo sợ từ linh mục đến giáo dân, làm phức tạp thêm nhiệm vụ vốn đã hết sức khó khăn.

Thứ ba, về tâm lý, phải rời bỏ miền quê trù phú, nơi sinh sống của nhiều thế hệ cùng với ruộng vườn, nhà cửa, tài sản, mồ mả cha ông là một điều khiến mỗi người không thể không day dứt, nuối tiếc. Đến vùng đất mới chưa biết như thế nào, tổ chức cuộc sống ra sao? Đây là những băn khoăn, lo lắng chính đáng của bà con. Cùng vi đó, sự tuyên truyền của bọn phản động càng tác động thêm vào tâm lý của bà con, nhất là giáo dân. Điều này đòi hỏi công tác vận động chuyển dân phải được tiến hành một cách khéo léo, thận trọng.

Để nhân dân vùng lòng hồ nắm vững, đồng tình, ủng hộ với chủ trương của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ đã biên soạn Tài liệu học tập: Di dân để xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà dưới dạng hỏi đáp. Tài liệu học tập gồm 3 phần: Phần thứ nhất, nêu rõ ý nghĩa, tác dụng và lợi ích của việc xây dựng công trình; Phần thứ hai, nêu ra những nhiệm vụ trước mắt của nhân dân các dân tộc, các tầng lớp, tôn giáo trong vùng lòng hồ; Phần thứ ba, một số nguyên tắc và chính sách cơ bản trong vấn đề di dân. Để khích lệ đồng bào, đoạn kết của Tài liệu ghi rõ: Sự nghiệp to lớn này của chúng ta không phải chỉ riêng về lợi ích kinh tế, mà còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao, con cháu ta, lịch sử của dân tộc ta sẽ ghi lại công lao to lớn, sự hy sinh ngày nay... Mấy năm nữa, đập sẽ xây dựng xong, điện sẽ sáng rực cả một vùng rộng lớn... chúng ta tự hào là có sự hy sinh, đóng góp lớn. Cùng với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tuyên truyền, tài liệu này được phổ biến đến toàn thể nhân dân vùng lòng hồ giúp cho bà con thông suốt chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác di dân, trên cơ sở đó làm chuyển biến trong nhận thức tư tưởng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Ban Di dân tỉnh đã lập kế hoạch cụ thể phối hợp giữa các ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào về chủ trương, chính sách của Đảng và ý nghĩa to lớn của việc xây dựng công trình. Đồng thời tổ chức, tham mưu, kiến nghị giải quyết một số nội dung như:

Tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán ở vùng giáo dân để quán triệt kế hoạch tổng thể chuyển dân vùng lòng hồ nói chung và đối với bà con giáo dân nói riêng.

Tổ chức tọa đàm với linh mục, tu sĩ và các vị chức sắc về kế hoạch chuyển dân vùng hồ và kế hoạch chi tiết về chuyển các họ giáo, các nhà thờ xứ và nhà thờ họ. Trong các buổi toạ đàm, mời đại diện Ban di dân của tỉnh đến trực tiếp giải đáp các thắc mắc và cùng nhau bàn bạc, thống nhất phương án cho từng việc cụ thể.

Đề nghị với Trung ương tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba cho Linh mục Huy Văn Đối, Chánh Xứ đạo Yên Bình là người có công trong quá trình vận động giáo dân chấp hành chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước khi thực hiện đồng loạt, cuộc vận động di dân được tiến hành thí điểm ở hai xã công giáo toàn tòng là Chính Tâm và Tân Thành. Tại đây, đã thực hiện phương châm “thống nhất từ trong ra ngoài”. Sau khi cấp uỷ chỉ đạo học tập thấu suốt trong Đảng về hệ thống chính quyền, Ban Di dân của tỉnh, huyện đã tổ chức học tập thông suốt về chủ trương, mục đích, tác dụng to lớn của thủy điện Thác Bà đến các giới và toàn thể quần chúng nhân dân. Lấy hợp tác xã, tổ, đội, xóm làm đơn vị học tập, thời điểm học được bố trí hết sức linh hoạt tuỳ theo đặc điểm tình hình (buổi sáng, chiều, tối, giờ nghỉ trưa...) trong thời gian 10 ngày các cuộc trao đổi, thảo luận đã làm rõ nơi đi, nơi đến, phương thức di chuyển tập thể, nguyên tắc giúp đỡ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân. Chú trọng giáo dục động viên tinh thần tự lực cánh sinh của đồng bào. Đồng thời cũng nhấn mạnh xây dựng thủy điện Thác Bà cũng chính là vì lợi ích của nhân dân các dân tộc, từ đó quần chúng thấy được nhiệm vụ của mình đối với sự nghiệp chung của tỉnh, của đất nước.

Sau khi tổ chức học tập chung ở cộng đồng, các cán bộ làm công tác tuyên truyền đã đi sâu tập trung vận động vào từng đối tượng cụ thể, nhờ làm tốt công tác này nên từ các chức sắc, chức việc đến bà con giáo dân đều được đả thông tư tưởng, yên tâm và hăng hái thực hiện việc di chuyển.

Nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân, Tỉnh ủy ra lời kêu gọi đồng bào các dân tộc trong tỉnh kết nghĩa với nhân dân vùng hồ Thác Bà, giữa nhân dân nơi đi với nhân dân nơi đến. Đồng thời, tỉnh cũng đề ra sáu nguyên tắc phải quán triệt trong quá trình chuyển dân là:

Đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, tín ngưỡng của người dân phải di chuyển ngày một nâng cao.

Vận động di dân tập thể, tránh xé lẻ, di chuyển trong địa phương huyện là chính, nếu không đủ đất đai thì mới chuyển sang các huyện khác.

Khi đến khu vực mới triệt để tiết kiệm đất, ưu tiên đất cho sản xuất và phục vụ đời sống cả trước mắt và lâu dài.

Xây dựng cơ sở mới từng bước, ưu tiên phục vụ sản xuất và những nhu cầu thiết yếu, kết hợp phục vụ yêu cầu trước mắt và yêu cầu lâu dài.

Giải quyết tài sản của dân di chuyển một cách hợp lý nhất, tiết kiệm và có lợi nhất cho dân và Nhà nước.

Chấp hành đường lối giai cấp của Đảng, quán triệt mọi chính sách của Đảng ở vùng nông thôn, trước hết là chính sách dân tộc và tôn giáo, đảm bảo sự lãnh đao của Đảng về tư tưởng, tổ chức và chính sách.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nhờ sự nỗ lực của các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, sau thắng lợi của chuyển dân đợt 1 năm 1962, đợt chuyển dân thứ hai trong năm 1964 đã chuyển được 1.421 hộ, xây mới 36 sân kho, xây dựng các trường cấp I, II, trạm xá, nhà thờ, đồng thời chuyển hàng nghìn mộ các liệt sỹ, phần mộ của thân nhân bà con về nơi ở mới.

Sau khi Đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại, do yêu cầu của thời chiến, công tác chuyển dân cần được tiến hành nhanh, gọn. Tính đến năm 1967 đã chuyển được 6.828 hộ vi hơn 4 vạn nhân khẩu chiếm 85% tổng số hộ và số nhân khẩu phải di chuyển.

Do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại, tiến độ thi công công trình bị chậm lại nên công tác chuyển dân còn kéo dài tới cuối những năm 1960. “Cuộc vận động chuyển dân xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà kết thúc thắng lợi có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng”. Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, trực tiếp là nhân dân huyện Yên Bình và Lục Yên đã nêu cao tinh thần hy sinh hoàn thành khối lượng công việc vô cùng nặng nề, khó khăn, phức tạp trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo lại đang có chiến tranh nên sự hỗ trợ của Nhà nước không đáng kể. Trong điều kiện đó, toàn tỉnh có 52 xã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ gồm 8.913 hộ với hơn 53.000 nhân khẩu. Cùng với việc chuyển dân, đã chuyển hơn 35.000 di, hài cốt, hàng chục nhà thờ, đền thờ, công sở, công trình công cộng, bệnh viện, trạm xá, kho tàng... Quá trình làm ngập lòng hồ làm mất đi hơn 5.300 héc ta ruộng (chiếm 1/4 diện tích và 1/3 sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh), 2.000 héc ta đất trồng màu và hơn 2 vạn héc ta rừng bị ngập dưới lòng hồ.

http://yenbai.gov.vn/ImagerOld/vi/PublishingImages/Thanh%20Binh/Chinhtri/Thac%20Ba1.jpg

Cuộc vận động chuyển dân xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà thực chất là cuộc cách mạng về tư tưởng với Đảng bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh

Thực hiện cuộc vận động chuyển dân với phương châm tiết kiệm và có lợi nhất cho nhân dân và cho Nhà nước, thực tế Nhà nước chỉ hỗ trợ phần di chuyển và tạo điều kiện về địa bàn sản xuất ở nơi đến, còn lại chủ yếu là sự hy sinh và tự lực cánh sinh của ngưòi dân di chuyển cùng sự giúp đỡ của nhân dân nơi tiếp nhận. Điều này chứng minh sự hy sinh to lớn của nhân dân vùng lòng hồ, đồng thời cũng khẳng định vai trò to lớn công tác tham mưu, chỉ đạo, vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng của đội ngũ tuyên huấn toàn tỉnh, của các ngành, các đoàn thể. Tỉnh Yên Bái đã tiến hành di dân vối số lượng lớn (gấp hai lần số hộ phải di chuyển của thủy điện Hoà Bình sau này), hơn nữa lại trong hoàn cảnh có chiến tranh, chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có chính sách đền bù tái định cư như sau này, nhưng công việc vẫn được thực hiện thành công tốt đẹp. Nhờ đó, Cuộc vận động di dân xây dựng thủy điện Thác Bà - Công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã trở thành điển hình trong công tác vận động quần chúng để các địa phương trong cả nước học tập. Qua cuộc vận động này, công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, để vận dụng có hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các giai đoạn tiếp theo.

584 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h