Kết quả
trên, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn phải kể đến sự sáng tạo,
linh hoạt của huyện, các xã trong triển khai thực hiện và sự chung sức, đồng
lòng của nhân dân.
Trở lại xã Đông Cuông - địa phương vừa mới được công nhận xã
nông thôn mới cách đây không lâu, Chủ tịch UBND xã - Cao Mạnh Khởi cho biết:
“Mừng nhiều, nhưng lo cũng không ít các anh ạ! Đạt được 19 tiêu chí đã khó, làm
thế nào để giữ vững những tiêu chí ấy, để nâng cao đời sống cho bà con còn khó
hơn”.
Đề cập đến chuyện làm đường GTNT, ông Cao Mạnh Khởi thông
tin thêm: “Toàn xã có 40 km đường liên xã, liên thôn, đến nay, đã bê tông hóa
được 27 km. Nhờ đó, việc giao thương, đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân
có nhiều thuận tiện”.
Được biết, hàng năm, Đông Cuông chủ động xây dựng kế hoạch
đề nghị phân bổ kinh phí hỗ trợ làm đường GTNT. Sau khi có vốn, xã tổ chức các
cuộc họp với sự tham gia của bí thư chi bộ, trưởng thôn để lựa chọn các tuyến
đường triển khai bê tông hóa. Ngoài ra, nhằm bảo đảm tiến độ thi công, xã đã
giao cho cán bộ địa chính phối hợp với thôn kiểm tra, giám sát chất lượng vật
liệu, đôn đốc cho kịp kế hoạch đề ra.
Cùng với anh Kiên - cán bộ địa chính xã, chúng tôi đi thăm
con đường thuộc thôn Trung Tâm vừa mới được bê tông hồi đầu năm. Trưởng thôn
Trung Tâm - Hà Văn Quyên cho biết: “Tuyến đường này dài 600 m đi vào nghĩa
trang thôn và trường bắn, bãi rác của xã. Trước đây chỉ là đường đất lầy lội,
nhân dân đi lại vất vả lắm, nên ngay khi có chủ trương kiên cố hóa, bà con rất
phấn khởi và người thì hiến đất, người góp tiền để thuê thi công nên chỉ sau
một thời gian ngắn tuyến đường đã hoàn thành”.
Rời Đông Cuông đến xã An Bình, bà con ở đây đang hối hả thu
hoạch lúa mùa, làm đất gieo trồng vụ đông. Theo Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Trọng
Tuynh, năm nay An Bình được hỗ trợ làm 1.500 m đường GTNT. Qua tổ chức họp bàn,
xã đã thống nhất triển khai làm 730 m tại thôn Hoa Nam và 770 m tại thôn Cầu Cao. Ngay
sau đó, các thôn đã triển khai họp dân, tổ chức giải phóng mặt bằng, phát quang
cây cối, bàn giao mặt bằng thi công.
Ông Tuynh cho biết: “Việc thực hiện làm đường GTNT năm nay
có nhiều thuận lợi, nhất là kế hoạch được giao sớm nên công tác triển khai thực
hiện luôn bảo đảm tiến độ. Đặc biệt, năm nay Nhà nước hỗ trợ trực tiếp nguyên
vật liệu đến chân công trình nên tiến độ thi công thực hiện nhanh”.
Năm 2016, huyện Văn Yên thực hiện kiên cố hóa 11,96 km đường
GTNT với 16 dự án tại 5 xã. Theo dự toán, để hoàn thành 11,96 km này sẽ cần
trên 9,464 tỷ đồng, gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 5,959 tỷ đồng, trong đó,
tỉnh hỗ trợ trên 4,171 tỷ đồng, huyện hỗ trợ trên 1,787 tỷ đồng theo tỷ lệ 70%,
30%, còn lại là nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, trong nguồn vốn phân bổ của tỉnh
chỉ giao 3,2 tỷ đồng, do vậy, để hoàn thành 11,96 km, huyện đã bố trí kinh phí
hỗ trợ thêm gần 1 tỷ đồng mua vật liệu phục vụ thi công.
Bên cạnh đó, ngay sau khi có kế hoạch giao, UBND huyện đã
chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lựa chọn các đơn vị cung ứng xi măng, cát,
sỏi phục vụ thi công; phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động quản lý
chất lượng công trình xây dựng, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong
quá trình thi công.
Theo ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng
huyện Văn Yên, khác với những năm trước, năm nay, toàn bộ nguyên vật liệu xây
dựng được Nhà nước hỗ trợ đến tận chân công trình. Do đó, quá trình thi công
luôn được triển khai thực hiện liền mạch, đồng bộ tại các thôn, các xã. Nhờ đó,
các tuyến đường giao thông đều hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi
cho việc giao lưu, đi lại và phát triển kinh tế cho nhân dân.
Chủ động, linh hoạt, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn và
huy động sự chung sức, đồng lòng của nhân dân… chính là những cách làm hay của
Văn Yên trong làm đường GTNT. Nhờ đó, huyện Văn Yên đang trở thành điểm sáng
trong phong trào làm đường GTNT của tỉnh.
Theo Báo Yên Bái