Tham dự Hội nghị, có
lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ; Lãnh đạo Thanh tra tỉnh, Công an
tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã,
thành phố.
Từ khi Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo năm 2011 có hiệu lực đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hành
chính các cấp nghiêm túc tổ chức triển khai, các văn bản hướng dẫn thi hành với
phương châm giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, lấy kết quả giải quyết khiếu
nại, tố cáo là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
chính trị của đơn vị.
Trong thời gian qua,
công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo được triển khai với
nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng, tờ rơi, cấp phát tài liệu về pháp luật khiếu nại, tố cáo đến tận cơ sở,
tuyên truyền thông qua công tác giải đáp thắc mắc của người dân.
Về tình hình khiếu nại,
tố cáo trên địa bàn tỉnh những năm qua nhìn chung không có diễn biến phức tạp,
không có “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo. Một số các vụ việc phát sinh với nội
dung chủ yếu tập trung, vào lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng,
thực hiện chính sách xã hội…
Về kết quả giải quyết
khiếu nại, tố cáo (từ ngày 01/07/2012 đến 01/07/2016) đã tiếp nhận 926 đơn
khiếu nại. Trong đó, đơn trùng, chuyển, không đủ điều kiện giải quyết là 444
đơn. Còn lại 482 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà
nước các cấp. Kết quả đã giải quyết 469/482 bằng 97%, còn lại 13 đơn đang xem
xét giải quyết. Qua giải quyết đơn khiếu nại của công dân đã kiến nghị xử lý
thu hồi cho Nhà nước trên 237 triệu đồng và 2.112m2 đất; Kiến nghị trả lại cho
công dân 87.942m2 đất và gần 1,6 tỷ đồng.
Về kết quả giải quyết tố
cáo, đã tiếp nhận 485 đơn. Trong đó, có 200 đơn không đủ điều kiện giải quyết,
đơn trùng, không thuộc thẩm quyền. Còn lại 285 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết
của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Kết quả đã giải quyết 275/285 đơn bằng
96,4%; còn lại 10 đơn đang được xem xét, giải quyết. Qua giải quyết tố cáo của
công dân đã kiến nghị xử lý thu hồi cho Nhà nước trên 354 triệu đồng; Kiến nghị
trả lại quyền lợi cho công dân 512m2 đất và trên 190 triệu đồng; Chuyển cơ quan
điều tra 01 vụ việc.
Qua 4 năm triển khai thi
hành Luật Khiếu nại năm 2011 đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập của Luật
Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005 về trình tự,
thủ tục hòa giải, đã mở rộng quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị
khiếu nại, của Luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố
cáo; quy định về đối thoại lần 2, bổ sung thêm khiếu nại về kỷ luật cán bộ công
chức, việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; thêm
nội dung mới về bảo vệ người tố cáo, giúp công tác quyết khiếu nại thuận lợi
hơn.
Sau khi Luật được ban
hành, nhìn chung các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đúng quy trình giải
quyết đơn khiếu nại theo quy định, những vụ việc khiếu nại phát sinh được cơ
quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng trình tự, có hiệu quả, giảm tối đa việc
chuyển đơn lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết.
Bên cạnh những ưu điểm,
Luật Khiếu nại cũng còn một số hạn chế như: Chưa quy định cụ thể người khiếu
nại được sao chụp loại tài liệu nào, được sao chụp bào nhiêu lần, chi phí do
bên nào chi trả; quy định về việc rút
khiếu nại, đình chỉ giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ; Quy định về thời hạn giải
quyết khiếu nại trong Luật Khiếu nại chưa phù hợp, đặc biệt là đối với các tỉnh
miền núi có địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn, nhiều thành phần dân tộc với
phong tục tập quán riêng cần phải có thời gian vận động thuyết phục; chưa quy
định trường hợp cán bộ, công chức đang thực hiện quyền khiếu nại quyết định kỷ
luật đối với mình thì bị mất năng lực hành vi hoặc chết... và chưa có quy định
về đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật…
Về việc thực hiện các
quy định của Luật Tố cáo, sau khi Luật được ban hành đã khắc phục được nhiều
hạn chế bất cập của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung năm
2004 năm 2005, giúp công tác giải quyết tố cáo có nhiều thuận lợi; Đối với
người giải quyết tố cáo đã thực hiện đúng trình tự xử lý đơn tố cáo theo quy
định; Sự hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người tố cáo được
nâng cao hơn trước, nhất là sau khi được tuyên truyền, giải thích, người tố cáo
khi thực hiện quyền tố cáo về cơ bản đã nắm được quyền và nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên qua 04 năm thi
hành còn một số vướng mắc đó là: Một số điều của Luật chưa quy định cụ thể, rõ
ràng trách nhiệm của người tố cáo; không quy định chế tài cụ thể chế tài xử lý
đối với những hành vi bị cấm; chưa quy định nội dung giải quyết tố cáo đối với
trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian tại
chức nay đã chuyển công tác khác, nghỉ chế độ, gây lúng túng trong việc thụ lý
đơn và xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; quy định những trường hợp không
được thụ lý giải quyết nhưng chưa bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực
tế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp trong bảo vệ người tố cáo.
Bên cạnh đó, về quy định
xử phạt vi phạm đối với người tố cáo, người có liên quan chưa quy định cụ thể
mức xử phạt, hình thức xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, làm mất thời
gian giải quyết của cơ quan Nhà nước…
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện
các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có một số ý kiến
nêu ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố
cáo, đồng thời có ý kiến đề nghị, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số
Điều của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Phát biểu kết luận Hội
nghị, đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh đánh giá cáo các ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị vào
dự thảo báo cáo tổng kết 04 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trên địa
bàn tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Sau 04 năm triển khai thi hành Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức
đến hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đông đảo các
tầng lớp nhân dân, từng bước phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống; tạo sự
tin tưởng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đảng bộ, chính quyền
tỉnh; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh
những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo còn một số tồn
tại, hạn chế như: Việc tổ chức triển khai thực hiện các quyết định giải quyết
khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp
luật còn chậm; Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về giải quyết khiếu
nại, xử lý tố cáo, tiếp công dân của một số đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng yêu
cầu; công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin các vụ việc giải quyết
khiếu nại tố cáo giữa cấp huyện với cấp tỉnh còn nhiều hạn chế; Một số vụ việc
khiếu nại phức tạp, kéo dài qua nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm
Để thực hiện tốt công
tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương
trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35- CT/TW
ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, coi đây là nhiệm vụ
chính trị trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính
quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát huy trách nhiệm của
người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, lấy hiệu quả thực hiện
nhiệm vụ này là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.
Tăng cường thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo đối với thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước; Các cấp chính quyền
từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện các nhiệm vụ
quản lý nhà nước như quy hoạch, xây dựng, giao thông, giải phóng mặt bằng, thu
hồi đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản... cần đánh giá hết các hệ lụy
phát sinh, đặc biệt là những vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân,
từ đó có giải pháp giải quyết một cách tổng thể, thấu đáo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và
nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung
và pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân nói riêng. Phát huy kết quả đạt
được trong việc thực hiện Đề án 1 -1133, chú trọng việc tuyên truyền pháp luật
khiếu nại, tố cáo đến cán bộ, nhân dân các xã, phường, thị trấn trong toàn
tỉnh; nhất là tại các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc;
Đồng chí Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần quan
tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; biểu dương
khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực trong công tác hòa giải, giải quyết
khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách
nhiệm, vi phạm quy định trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố
cáo; Thanh tra tỉnh và các cơ quan, ban, ngành các cấp thông qua công tác giải
quyết khiếu nại tố cáo cần tiếp thu các ý kiến phản ánh của nhân dân, nghiên
cứu, phát hiện những vấn đề còn bất cập của pháp luật khiếu nại tố cáo, báo cáo
UBND tỉnh có ý kiến để tham mưu cho Trung ương từng bước hoàn thiện thể chế
pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh Tạ Văn Long nhấn mạnh: Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc đổi mới của đất nước và sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Vì vậy, đề nghị các sở,
ngành, địa phương, cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn trách nhiệm, nghĩa vụ
trong việc chấp hành và thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn
định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, phấn
đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII,
xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng văn minh, phát triển./.