Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Văn Yên đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, có hiệu quả

26/01/2017 11:54:07 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhằm xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập, tạo chuyển biến mạnh về đời sống nông dân và diện mạo nông thôn, thời gian qua huyện Văn Yên đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững một cách đồng bộ, có hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Đồng Chèm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên được hỗ trợ 30 triệu đồng theo chính sách phát triển chăn nuôi của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, huyện Văn Yên đã triển khai đồng bộ các đề án, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái gắn với thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã hình thành vùng chuyên canh lúa với 1.000 ha thâm canh cho giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha. Tập trung sử dụng giống lúa thuần Chiêm Hương chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh như bón phân cân đối, sử dụng phân viên nén dúi sâu, làm đất và thu hoạch, chế biến bằng biện pháp cơ giới, đã đáp ứng yên cầu phát triển sản xuất và từng bước nâng cao giá trị của thương hiệu Gạo Chiêm Hương trên thị trường. Song song với đó, huyện Văn Yên đã hình thành vùng chuyên canh ngô với tổng diện tích gần 6.000 ha/năm, trong đó có 1.000 ha ngô đông trên đất hai vụ lúa. Vùng chuyên canh sắn công nghiệp với diện tích trên 7.000 ha. Hàng năm sản lượng sắn củ tươi đạt trên 15.000 tấn, đáp ứng nguyên liệu cho 2 dây chuyền của nhà máy chế biến tinh bột sắn và cung cấp nguyên liệu cho chế biến sắn khô, phục vụ nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn. Thực hiện trồng mới và trồng thay thế vào diện tích Quế đã khai thác được trên 1.500 ha, đưa tổng diện tích quế toàn huyện lên trên 40.000 ha, trong đó có 15.000 ha quế tập trung.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và thực hiện đề án hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2016 theo quyết định của UBND tỉnh. Năm 2016, huyện Văn Yên đã triển khai hỗ trợ thực hiện các đề án với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Cùng với các Đề án của tỉnh, huyện Văn Yên đã quyết định tạm ứng trên 1,6 tỷ đồng từ ngân sách của huyện để triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi do người dân đăng ký vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đến nay, huyện đã giải ngân hỗ trợ cho 53 cơ sở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.395 triệu đồng, trong đó có 04 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con trở lên với tổng kinh phí đã giải ngân là 120 triệu đồng; 31 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con trở lên với tổng kinh phí đã giải ngân là 930 triệu đồng; 15 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp quy mô 05 lợn nái và 50 lợn thịt với tổng kinh phí đã giải ngân là 300 triệu đồng; 03 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên với tổng kinh phí đã giải ngân 45 triệu đồng. Nhờ đó ngành chăn nuôi của huyện đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất bán công nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Qua việc triển khai thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và tạo không khí phấn khởi cho người dân tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Đồng Chèm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi hiện chăn nuôi trên 140 con lợn thịt và được hỗ trợ 30 triệu đồng theo chính sách phát triển chăn nuôi của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhận được sự hỗ trợ này, gia đình tôi đã giảm bớt gánh nặng kinh tế, có thêm nguồn vốn để đầu tư vào chăn nuôi nên tôi rất vui mừng, phấn khởi. Năm nay, sau khi trừ hết các loại chi phí, gia đình tôi cũng thu về trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn”.

Có thể thấy rằng, việc triển khai các Đề án, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện phát triển từng bước theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo nên bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trong năm 2017, huyện Văn Yên xác định sẽ tiếp tục phát triển trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế của huyện. Phát triển các loại cây trồng có thế mạnh. Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng một giống để áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào các khâu của sản xuất, tập trung trên địa bàn. Tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phấn đấu tổng đàn gia súc chính là 118.330 con, tổng đàn gia cầm đạt 1triệu con. Tập trung phát triển và gia tăng giá trị kinh tế rừng, phấn đấu trồng mới, trồng thay thế 2.500 ha rừng, trong đó 2.200 ha quế, ổn định tỷ lệ che phủ của rừng 67,5%.

Đồng chí Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm 2017 huyện Văn Yên tiếp tục xây dựng 29 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có một số chỉ tiêu như tổng đàn gia súc, chỉ tiêu trồng rừng, chỉ tiêu phát triển nông lâm nghiệp, chỉ tiêu thâm canh ngô đông trên đất 2 vụ lúa, đó là những chỉ tiêu chính trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện Văn Yên xác định tập trung chỉ đạo, duy trì thật tốt các mô hình hiện có, phát triển sâu rộng hơn các mô hình trên toàn huyện, trong đó chú trọng đến các mô hình chăn nuôi đại gia súc, phấn đấu ít nhất 1 xã phải có 2 mô hình trở lên; các mô hình nuôi lợn tập trung ở các vùng thấp; về kinh tế rừng thì tập trung trồng quế, trồng rừng và măng tre Bát Độ. Ngoài ra gắn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cũng tăng cường chỉ đạo đối với những xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy và theo định hướng của Tỉnh ủy trong năm 2017”.

931 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h