Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Một số nội dung trọng tâm trong các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVIII

03/08/2017 06:50:21 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVIII, HĐND tỉnh đã thông qua 15 nghị quyết, trong đó có 13 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các quy định, chính sách, quyết định mới ban hành của Trung ương, các chủ trương, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và điều chỉnh, bổ sung một số Nghị quyết đã ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đây là những nội dung quan trọng, là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo. Cổng Thông tin điện tử tỉnh tổng hợp các nội dung trọng tâm trong các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa XVIII, HĐND tỉnh đã thông qua 15 nghị quyết, trong đó có 13 nghị quyết chuyên đề

1. Nghị quyết về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

HĐND tỉnh thống nhất giữ nguyên 31/31 chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Để hoàn thành kế hoạch năm 2017, HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong năm 2017; Chương trình hành động số 59-CTr/TU ngày 03/02/2017 của Tỉnh ủy Yên Bái “Thực hiện Kết luận số 09-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017”.

2. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách trong đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, huy động mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2017, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Phấn đấu năm 2017 có thêm ít nhất 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

3. Tháo gỡ khó khăn, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020. Thực hiện Chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.

4. Tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, kiểm tra, giám sát, phân bổ theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát chặt chẽ nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đảm bảo đúng thời gian quy định. Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 10 dự án trọng điểm của tỉnh.

5. Tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch; làm tốt công tác dự báo thông tin thị trường và định hướng phát triển. Tăng cường các biện pháp quản lý cung cầu hàng hóa, dịch vụ, giá cả hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

6. Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế. Tập trung xử lý, thu hồi dứt điểm nợ đọng thuế; thu kịp thời các khoản thu tiền thuê đất trả tiền một lần của các doanh nghiệp, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... và các khoản phải thu theo kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra. Phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017, đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.

Ngoài những giải pháp về lĩnh vực kinh tế, HĐND tỉnh đã thông qua các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực về văn hóa xã hội; tài nguyên môi trường; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; Công tác điều hành của chính quyền các cấp.

2. Nghị quyết ban hành phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nghị quyết quy định mức thu đối với 36 danh mục loại khoáng sản bằng mức tối đa được quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.Trong đó:

- Có 28 loại khoáng sản đã được ban hành và mức thu bằng mức thu như Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 26/8/2016 của HĐND tỉnh.

- Bổ sung 08 loại khoáng sản chưa được quy định tại Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 26/8/2016 của HĐND tỉnh, mức thu bằng mức thu tối đa được quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ.

- Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng.

3. Nghị quyết ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nghị quyết cơ bản được kế thừa từ quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị hiện nay đang thực hiện. Đồng thời cụ thể hoá mức chi theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Các mức chi đều được xây dựng ở mức cao hơn so với mức hiện nay đang thực hiện. Cụ thể:

- Về chế độ công tác phí: Các mức chi được quy định bằng mức tối đa quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Về chế độ chi hội nghị: Các mức chi bằng bằng 80% mức Trung ương quy định, riêng tổ chức hội nghị tại địa điểm thành phố Yên Bái quy định bằng mức tối đa tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

4. Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nghị quyết quy định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phân định cho 03 cấp ngân sách (gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Các nhiệm vụ chi cơ bản phù hợp với từng cấp ngân sách và đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

5. Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 - Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương

Việc phân bổ vốn đảm bảo theo đúng các nguyên tắc chung được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ; Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 23/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020: Thực hiện đúng dự phòng 10% chưa phân bổ và xây dựng phương án phân bổ chi tiết 90% nguồn vốn. Việc phân bổ chi tiết đảm bảo đúng nguyên tắc ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, bố trí đối ứng cho các dự án ODA...

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là: 4.681.192 triệu đồng.

1. Nguồn vốn ngân sách địa phương (được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao tại Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT): 3.471.192 triệu đồng, gồm:

- Số vốn dự phòng chưa phân bổ (10%): 347.119 triệu đồng.

- Số vốn phân bổ chi tiết (90%): 3.124.073 triệu đồng.

2. Nguồn vốn dự kiến tăng thêm từ nguồn thu tiền sử dụng đất: 1.210.000 triệu đồng, gồm:

- Số vốn dự phòng chưa phân bổ (10%): 121.000 triệu đồng;

- Số vốn phân bổ chi tiết (90%): 1.089.000 triệu đồng.

6. Nghị quyết thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Yên Bái

- Về quan điểm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất:

+ Khắc phục những nguyên nhân tồn tại trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan nhằm thực thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đề ra.

+ Quy hoạch sử dụng đất nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy hoạch và pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm có hiệu quả nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Yên Bái phù hợp với phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia tại Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thống nhất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực; phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của các địa phương trong tỉnh và đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong tình hình mới; phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai.

+ Duy trì bảo vệ diện tích đất trồng lúa nước hiện có để bảo đảm an ninh lương thực; hạn chế chuyển đất nông nghiệp trồng 2 vụ lúa sang phát triển các khu cụm công nghiệp, khu đô thị, thủy điện; duy trì và bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, mở rộng diện tích rừng phòng hộ và đất danh thắng nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và phát triển bền vững; hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đất rừng tự nhiên sang mục đích khác.

+ Quy hoạch sử dụng đất tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

- Về nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 đã tuân thủ nguyên tắc nêu tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp Quốc gia; cơ bản phù họp với phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia tại Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Thương mại tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

1. Quan điểm phát triển

Phát triển ngành Thương mại trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn kết chặt chẽ với sự phát triển chung của cả nước và vùng kinh tế trung du và miền núi phía Bắc. Kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường nội địa và xuất nhập khẩu, chú trọng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Phát triển thương mại gắn với phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiệu quả và bền vững, hài hòa với phát triển dịch vụ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Mục tiêu phát triển

- Tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành thương mại (theo giá hiện hành) giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 12,66%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,18%/năm. GRDP ngành thương mại đến năm 2020 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.800 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá đến năm 2020 là 19.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 40.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,47%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,73%/ năm.

- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạ t trên 200 triệu USD, đến năm 2030 đạt 700 triệu USD. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,04%/năm, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,35%/năm.

- Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 35%, đến năm 2030 đạt 60%.

- Thương mại điện tử: Đến năm 2020, 60% các dịch vụ công lĩnh vực ngành Công Thương quản lý đạt mức độ 4. Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.

3. Về nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Thương mại được xây dựng theo hướng mở, có tính đột phá trong đề xuất phát triển các trung tâm thương mại, logistics hiện đại gắn với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị - hành chính của tỉnh và phát huy lợi thế của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đã cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) vào phát triển ngành thương mại trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp thực hiện quy hoạch có tính khả thi. Nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực cho thực hiện quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của tỉnh.

8. Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng

- Bổ sung Danh mục dự án cần thu hồi đất gồm 79 dự án với diện tích là 128,48 ha. Bổ sung Danh mục dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gồm 47 dự án với diện tích cần chuyển mục đích 49,28 ha đất trồng lúa.

- Sửa đổi tên dự án, quy mô diện tích, loại đất thực hiện 07 dự. Tổng quy mô giảm: 10,72 ha; đất lúa giảm 1,12 ha; đất rừng phòng hộ tăng 8,7 ha.

Việc sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất nêu trên nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đảm bảo theo quy định tại khoản 3, Điều 62 và quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

9. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Bảng giá đất năm 2015 tại tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2014/NQ- HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh Yên Bái

1. Về nội dung sửa đổi quy định thực hiện các giá các loại đất: Trong quy định về nguyên tắc áp dụng giá đất sửa đổi quy định thời hạn sử dụng đất là 70 năm. Điều chỉnh quy định đối với giá đất nông nghiệp ở đô thị và giá đất tối thiểu sát hơn với giá thị trường.

2. Về nội dung điều chỉnh bổ sung bảng giá đất: Điều chỉnh giá đất của các tuyến đường hiện có và bổ sung giá đất ở các tuyến đường mới xây dựng, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng. Việc điều chỉnh giá đất đã rút ngắn khoảng cách với giá đất thực tế trên thị trường, cơ bản đảm bảo công bằng và hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

10. Nghị quyết quy định mức chi bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Đối tượng áp dụng và mức chi bồi dưỡng:

- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân nếu chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân nếu chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.

- Cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.

11. Nghị quyết quy định mức trích (tỷ lệ phần trăm) từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nưóc trên địa bàn tỉnh Yên Bái

1. Đối với Thanh tra tỉnh:

- Được trích 30% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 10 tỷ đồng/năm;

- Được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng/năm;

- Được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỷ đồng/năm.

2. Đối với thanh tra các sở, thanh tra các huyện, thị xã, thành phố:

- Được trích 30% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 2 tỷ đồng/năm;

- Được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 2 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/năm;

- Được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỷ đồng/năm.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc quy định mức kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

12. Nghị quyết việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Yên Bái

- HĐND tỉnh nhất trí về việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Yên Bái để nhằm đáp ứng được yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại.

- UBND tỉnh sẽ phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

13. Nghị quyết thành lập mới, đổi tên các tổ dân phố trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ

Thành lập mới 35 tổ dân phố, đổi tên 09 tổ dân phố; giữ nguyên 04 tổ dân phố và 23 thôn, bản trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Cụ thể như sau:

1. Phường Tân An: 12 tổ dân phố. Trong đó: Thành lập mới 11 tổ dân phố; đổi tên 01 tổ dân phố.

2. Phường Trung Tâm: 16 tổ dân phố. Trong đó: Thành lập mới 09 tổ dân phố; đổi tên 05 tổ dân phố; giữ nguyên 02 tổ dân phố.

3. Phường Pú Trạng: 13 tổ dân phố. Trong đó: Thành lập mới 11 tổ dân phố; đổi tên 02 tổ dân phố.

4. Phường cầu Thia: 07 tổ dân phố. Trong đó: Thành lập mới 04 tổ dân phố; đổi tên 01 tổ dân phố; giữ nguyên 02 tổ dân phố.

5. Giữ nguyên 23 thôn, bản của các xã. Trong đó: Xã Nghĩa An: 08 thôn; xã Nghĩa Lợi: 10 bản; xã Nghĩa Phúc: 5 thôn, bản.

14. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Nghị quyết số 55/NQ- HĐND ngày 23/12/2016 của HĐND tỉnh Yên Bái về biên chế công chức hành chính; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các Hội có tính chất đặc thù và chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP tỉnh Yên Bái năm 2017

Khoản 1, Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập: 21.645 người. Trong đó:

- Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo: 15.799 người;

- Sự nghiệp Y tế: 3.721 người;

- Sự nghiệp Văn hóa, Thể dục thể thao, Đài Phát thanh - Truyền hình: 800 người;

- Sự nghiệp Khoa học: 320 người;

- Sự nghiệp khác: 1.005 người.

15. Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2018

1. Giám sát tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh.

2. Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh giữa 2 kỳ họp: Giám sát công tác quản lý, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) trên địa bàn tỉnh.

3. Những nội dung HĐND tỉnh giám sát thường xuyên (theo luật định).

662 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h