Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến của cử tri

23/10/2017 07:25:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu và điều chỉnh phương pháp rà soát, đánh giá, chấm điểm tài sản, thu nhập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình cần chi tiết, cụ thể để đảm bảo tính công bằng và thuận lợi khi thực hiện (cần quy định rõ về số lượng, giá trị tài sản để tính) đối với Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/6/2016 về Hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.

Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông cụ tại xã Bạch Hà, huyện Yên Bình

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 3315/LĐTBXH-VP ngày 10/8/2017 như sau:

Trước đây, việc xác định hộ nghèo ở Việt Nam được thực hiện theo phương pháp đo lường đơn chiều thông qua việc xác định, tính toán mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc đo lường nêu trên đã thể hiện nhiều bất cập như: chưa xác định hoặc xác định chưa chính xác các khoản chi tiêu trong năm của hộ gia đình, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng đưa ra để xác định hộ nghèo đã không còn phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh đó việc xác định theo tiêu chí cũ bỏ sót đối tượng không nghèo về thu nhập nhưng lại thiếu hụt các khía cạnh khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận thông tin... 

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Ngoài thu nhập được ước lượng thông qua đặc điểm tài sản hộ gia đình, còn tính đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.

Việc xác định hộ nghèo sẽ dựa trên kết quả chấm điểm tài sản của hộ gia đình (thông qua mẫu phiếu B để tính điểm B1 - ước lượng thu nhập thông qua tài sản, B2 - xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản), đây là phương pháp ước lượng thu nhập dựa trên cơ sở đánh giá 14 nhóm đặc điểm của hộ gia đình, trong đó có xem xét giá trị sử dụng tài sản của hộ gia đình liên quan đến tạo thu nhập (không đánh giá giá trị, nguồn gốc của tài sản).

Việc quy định các chỉ tiêu, mức cho điểm để đánh giá tài sản, ước lượng mức thu nhập của hộ gia đình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dựa trên kết quả thống kê, khảo sát mức sống hộ gia đình của các vùng trên toàn quốc do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện; các chỉ tiêu, mức điểm cho từng chỉ tiêu được Tổng cục Thống kê nghiên cứu, xây dựng chặt chẽ, khoa học, logic, dựa trên những yếu tố chung nhất của từng vùng, phù hợp với những đặc điểm cơ bản của các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, dễ thực hiện và xác minh đúng thực trạng của hộ gia đình, khắc phục được những khó khăn khi thực hiện theo phương pháp cũ trong giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, sẽ vẫn còn có những trường hợp đặc thù, cá biệt mà bộ công cụ và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình, do đó, cần đến sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã và thôn, bàn...) và đại diện các hô gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại cơ sở (đã được quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn các địa phương có thể xin ý kiến chỉ đạo thống nhất của Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp tỉnh để điều chỉnh quy định về nhận diện, đánh giá tài sản của các hộ dân trên địa bàn theo các đặc thù của địa phương).

* Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa về vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, vì thực tiễn hiện nay đa số lĩnh vực ngành nghề được đào tạo cho người lao động nông thôn không phù hợpgây lãng phí ngân sách Nhà nước, cử tri kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xem xét chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bộ Lao động - Thưong binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 3330/LĐTBXH-VP ngày 10/8/2017 như sau:

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016).

Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm chung và chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo về đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Để đảm bảo đạt kết quả, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 921/LĐTBXH-TCDN ngày 14/3/2017 gửi các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trong đó nêu nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Văn bản số 922/LĐTBXH-TCDN ngày 14/3/2017 gửi các địa phương hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, trong đó yêu cầu các địa phương rà soát danh mục nghề đào tạo, đánh giá thực hiện Đề án và chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.

559 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h