Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái quy hoạch phát triển bền vững nguồn dược liệu

29/11/2017 12:11:18 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc của Bộ Y tế, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 510 loài cây thuốc. Hiện có trên 20 loại cây dược liệu được trồng với tổng diện tích 63.638,6 ha; trong đó, cây quế 56.522 ha, cây sơn tra 5.215 ha, cây thảo quả 1.740 ha. Tỉnh Yên Bái đang trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu.

Giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí cho nhân dân các địa phương trong tỉnh trồng trên 7.900 ha cây sơn tra. Trong ảnh: Nhiều hộ đồng bào Mông ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải thoát nghèo nhờ cây sơn tra. (Ảnh: Đức Hồng)

Quan điểm đầu tư đúng hướng

Xuất phát từ giá trị y dược và vốn tri thức bản địa quý giá của cây dược liệu, trong đó, nhiều loại dược liệu đang được khai thác và sử dụng mang lại thu nhập, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; chú trọng bảo hộ, bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy việc sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc. 

Xác định một số loại cây dược liệu thế mạnh, điển hình, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 2011- 2016, UBND tỉnh hỗ trợ trồng cây quế và cây sơn tra với tổng kinh phí trên 40.266 triệu đồng (trong đó ngân sách trung ương nguồn vốn dự án bảo vệ và phát triển rừng trồng 4.700 ha cây quế và 4.400 ha cây sơn tra với kinh phí trên 30.000 triệu đồng; ngân sách địa phương: 10.266 triệu đồng, hỗ trợ trồng cây quế 6.726 triệu đồng, trồng cây sơn tra 3.540 triệu đồng)…

Khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển cây dược liệu trên địa bàn. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư của Công ty cổ phần Thịnh Đạt với dự án bảo tồn, phát triển một số cây dược liệu quý: lan kim tuyến (cỏ nhung) và sâm vũ diệp (vũ diệp tâm thất) với mục đích bảo tồn nguồn gen, duy trì đa dạng sinh học, tạo sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Dự án được thực hiện trên diện tích 19 ha tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu và xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn.

Trong đó, diện tích trồng cây lan kim tuyến là 8,0 ha, diện tích trồng cây sâm vũ diệp là 9,0 ha, diện tích xây dựng khu nghiên cứu nhân giống là 1,4 ha, diện tích nhà kính là 0,6 ha với tổng vốn đầu tư là 70 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm.

Một số vấn đề đặt ra

Thực tế cho thấy, Yên Bái có nhiều thuận lợi trong phát triển dược liệu. Với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phù hợp trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây quế và cây sơn tra; việc thu hút nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn cho phát triển cây dược liệu khá thuận lợi. Nhân dân trong vùng đã có nhiều kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số cây như cây quế, cây sơn tra từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm.

Đa số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu tại các địa phương trong tỉnh, nhiều chủng loại cây dược liệu đã gắn bó với người dân từ nhiều năm nay, nên quá trình mở rộng và phát triển cây dược liệu có nhiều thuận lợi, đặc biệt đối với các cây trồng như quế, sơn tra, thảo quả, sả, gừng...

Tuy nhiên, phát triển dược liệu vẫn gặp những khó khăn nhất định do điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, khí hậu khắc nghiệt, rét đậm, rét hại, giao thông đi lại khó khăn. Cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là nguồn giống tương đối cao so với nhiều cây trồng khác.

Trong khi đó, đa số người dân điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu cho việc mở rộng và phát triển sản xuất. Hệ thống cơ sở nhân ươm sản xuất giống, cơ sở thu gom, sơ chế sản phẩm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung.

Yêu cầu sản xuất dược liệu hàng hóa với quy mô lớn phải áp dụng các quy trình kỹ thuật về trồng trọt và thu hái sản phẩm chất lượng. Các vùng trồng cây dược liệu đều là vùng cao, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới của người dân còn hạn chế, khó khăn cho việc mở rộng phát triển các cây trồng mới với yêu cầu kỹ thuật cao hơn.

Thị trường tiêu thụ cây dược liệu thường phụ thuộc nhiều vào các cơ sở thu gom, sơ chế và chế biến dược liệu; các cơ sở trên địa bàn còn ít, hạn chế về sản lượng, chủng loại thu mua, nhiều chủng loại dược liệu có thế mạnh của tỉnh vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do với các đầu mối thu gom nhỏ lẻ, thị trường bên ngoài tỉnh là chủ yếu.

Vì vậy, giá cả, chủng loại và sản lượng tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh không ổn định. Đất đai và hình thức tổ chức sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ đội sản xuất, công ty...) chưa có, gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc.

Ngoài cây trồng quế, sơn tra, thảo quả, người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên. Tình trạng khai thác dược liệu không có sự kiểm soát, thiếu quy hoạch quản lý, bảo tồn… khiến nguồn dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng.

Sản phẩm quế của đồng bào Dao huyện Văn Yên. (Ảnh: Thanh Miền)

Cần những giải pháp mang tính lâu dài

Để phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu nhằm phát huy được giá trị y dược quý giá và giá trị kinh tế mang lại từ dược liệu, rất cần có những giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đó là các giải pháp về đất đai, về nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu, về khoa học - công nghệ, khuyến nông, về tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống thu gom, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm dược liệu, về vốn và cơ chế chính sách.

Theo đó, cần phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh và xuất khẩu.

Trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu.

Cần có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm phát huy lợi thế của Yên Bái - một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn nuôi trồng, thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu. Ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang triển khai thực hiện để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn có phát triển dược liệu.  

Đến năm 2020, tỉnh Yên Bái ưu tiên phát triển 11 chủng loại cây dược liệu gồm: quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, sả, ba kích, giảo cổ lam; ý dĩ, hà thủ ô đỏ, Atiso; lá khôi, cà gai leo. Quy mô diện tích: 22.735 ha, trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng từ 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu: quy mô đáp ứng khoảng 20% nhu cầu giống tại chỗ (tùy chủng loại); xây dựng, duy trì và quản lý hệ thống thu mua, sơ chế, bảo quản.

Định hướng phát triển đến năm 2025: Mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 26 chủng loại chính với diện tích 750 ha, sản lượng đạt 800 tấn; diện tích trồng cải tạo, tái trồng 500 ha (trên diện tích hiện có); giữ ổn định và nâng cao chất lượng diện tích cây dược liệu hiện có.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 đề án, dự án về nuôi trồng, khai thác dược liệu đã được triển khai là: Đề án phát triển cây quế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 22/7/2016 của UBND tỉnh); Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 2412/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh); Dự án trồng, phát triển và chế biến loài cây dược liệu màng tang (được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Quyết định số 313/QĐ-UBND, ngày 28/02/2017).

 

 

 

1121 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h