Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Giữ thương hiệu cho nông sản Yên Bái

05/01/2018 07:26:02 Xem cỡ chữ Google
Bưởi Đại Minh, cam Văn Chấn, chè Suối Giàng, miến Giới Phiên hay quế Văn Yên… là những nông sản của Yên Bái đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý.

Nông dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên phát triển cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giá trị cao nhờ "thương hiệu"

Là địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh Yên Bái, với trên 40.000 ha, mỗi năm huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô; cành lá quế khoảng 55.000 tấn; tinh dầu khoảng 290 tấn. Cây quế không chỉ giúp nông dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu.

Đặc biệt, từ khi cây quế Văn Yên được nhận Chỉ dẫn địa lý cho cây quế, quế Văn Yên đã nâng cao giá trị trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu bền vững cho sản phẩm trên thị trường. Nguồn thu từ cây quế đã mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 540 tỷ đồng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Để tôn vinh và giữ vững "thương hiệu" quế, Lễ hội Quế Văn Yên được tổ chức hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Nhờ đó, "thương hiệu" quế Văn Yên ngày càng có uy tín trên thị trường. Sản phẩm quế Văn Yên không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Châu Âu.

Tại huyện Yên Bình, sản phẩm bưởi Đại Minh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ cuối mùa bưởi năm 2016 và đã mở ra cơ hội đưa loại quả này đến với thị trường trong, ngoài nước. Đại Minh hiện có gần 100 ha bưởi đang cho thu hoạch. 

Năm 2015, nhân dân thu về trên 30 tỷ tiền bưởi; năm 2016, thu về gần 40 tỷ đồng; năm 2017 dự kiến thu về trên 60 tỷ đồng. Bưởi Đại Minh quả tròn, vỏ mỏng, múi mọng nước, tôm đều, có vị ngọt thanh mát.

Lễ hội Bưởi Đại Minh vừa được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái đã đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, đưa loại quả này đến khắp các vùng miền trong cả nước, sánh ngang cùng bưởi Diễn, Năm roi hay Phúc Trạch.

Thông tin một số mặt hàng nông sản chủ lực như: gạo nếp Tan, chè Shan tuyết Suối Giàng, cam, gạo Mường Lò, măng khô và thịt trâu sấy… của huyện Văn Chấn được bán tại 10 cửa hàng của hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ tại Hà Nội đã làm nức lòng người nông dân Yên Bái.

Đây là bước khởi đầu tiến tới ký kết hợp đồng đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của Văn Chấn vào bán thường xuyên tại hệ thống siêu thị VinMart trên địa bàn toàn quốc. Đây cũng là gợi mở cho nhiều địa phương khác trong xây dựng thương hiệu hàng nông sản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Duy trì và giữ vững "thương hiệu"

Từ năm 2015, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Những "nút thắt” từng bước được tháo gỡ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân. 

Nông nghiệp Yên Bái tạo ra ra được một diện mạo mới khi nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đã khó, duy trì, giữ vững thương hiệu lại càng khó hơn, đang là vấn đề đặt ra đối với các địa phương hiện nay. Chẳng hạn, khi cây quế vào thời kỳ hưng thịnh, giá bán cao, nhiều hộ nông dân đã khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác cả những diện tích quế còn non, chặt tỉa cành không khoa học làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, chất lượng tinh dầu quế. 

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến, chưng cất tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu quế Văn Yên.

Đối với cây bưởi Đại Minh, nếu địa phương không quyết liệt trong việc quản lý sản phẩm, nhãn mác thì rất dễ xảy ra tình trạng trà trộn bưởi của các địa phương khác, không nằm trong vùng quy hoạch để bán cho người tiêu dùng.

Tại vùng tre măng Bát độ ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thì chuyện người nông dân phá hợp đồng không bán sản phẩm cho doanh nghiệp cũng đã xảy ra khi thương lái bên ngoài thu mua với giá cao hơn...

Những câu chuyện tưởng như đơn giản, song cũng làm ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản Yên Bái. Nguyên nhân của tình trạng này là do nông nghiệp Yên Bái thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm…

Để duy trì và giữ vững thương hiệu nông sản, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Đồng thời có các chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ cánh đồng một giống; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế sản xuất tự phát, quy mô nhỏ.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn, hướng tới mục tiêu duy trì và giữ vững giá trị thương hiệu nông sản Yên Bái trên thị trường trong, ngoài nước.

 

732 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h