Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi

08/04/2018 08:23:50 Xem cỡ chữ Google
Theo số liệu thống kê thống kê năm 2017, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt trên 106.800 con; trong đó, đàn bò gần 27.850 con, đàn lợn trên 502.430 con, đàn gia cầm khoảng trên 4,6 triệu con.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà khu vực thị trấn Cổ Phúc, xã Minh Quán, Hòa Cuông, Cường Thịnh, Y Can huyện Trấn Yên thu hút trên 80 hộ tham gia.

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, giá trị sản xuất chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, để ngành chăn nuôi tạo được sự đột phá, phát triển bền vững cần phải nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Với cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua Đề án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ chăn nuôi được tăng cường đầu tư đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển. 

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về giống, kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nên nhiều giống gia súc, gia cầm mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng và sản lượng đàn vật nuôi.

Theo số liệu thống kê thống kê năm 2017, tổng đàn trên địa bàn tỉnh đạt trên 106.860 con; trong đó, đàn bò gần 27.850 con, đàn lợn trên 502.430 con, đàn gia cầm khoảng trên 4,6 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 48,514 tấn, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 5.227 tấn. 

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại, gia trại đang trên đà phát triển mạnh, quy mô nhỏ lẻ giảm dần.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn; 81 trang trại nuôi gà lông màu, quy mô từ 1.500 con trở lên có trang trại quy mô lên đến 15.000 con; 3 trang trại nuôi vịt thương phẩm, chuyên trứng qui mô từ 2.000 con mái trở lên; 32 trang trại nuôi dê sinh sản có qui mô 20 con trở lên; 2 trang trại nuôi thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm với quy mô 2.000 con trở lên; 1 trang trại chăn nuôi trâu có quy mô 100 con. 

Trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở và doanh nghiệp chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt và chăn nuôi lợn nái.

Tại các địa phương cũng đã hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi mang tính chất sản xuất hàng hóa tập trung như: huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên và đã hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi gà với tổng đầu đàn trung bình 160.000 con/lứa; Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hợp Tiến, xã Văn Lãng; Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi tổng hợp, xã Hán Đà; Doanh nghiệp tư nhân Phương Việt Vân, tổ 17 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình… Các cơ sở này chăn nuôi lợn, gia cầm với qui mô hàng nghìn con.

Hiện nay, sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không chỉ chịu sự cạnh tranh với sản phẩm trong nước mà với cả sản phẩm nhập khẩu về giá thành, chất lượng, nhất là các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng. 

Vì vậy, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập là điều cần thiết. Để làm được điều này, trước hết phải khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay nhằm giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, dần xóa bỏ phương thức sản xuất cũ, lạc hậu.

Thực tế ở tỉnh ta cho thấy, chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ tương đối lớn tới 70% tổng sản lượng chăn nuôi. Sản phẩm từ chăn nuôi của tỉnh chưa có sức cạnh tranh cao do sản xuất manh mún, chi phí đầu tư ban đầu cao; trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi của các chủ hộ còn nhiều hạn chế, việc điều hành, tổ chức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. 

Những hạn chế của chăn nuôi nhỏ lẻ còn tồn tại khiến năng suất, chất lượng các loại vật nuôi thấp, sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường còn yếu, chưa đồng bộ để tạo ra chuỗi liên kết ổn định.

Phần lớn các hộ chăn nuôi chưa áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn, chưa được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được công nhận vùng an toàn dịch bệnh nên chưa tạo dựng được thương hiệu.

Do thiếu vốn nên đầu tư công nghệ chăn nuôi chưa đồng bộ, dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao làm giảm hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi. Hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi chưa phát triển, tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh.

 

Đối với phần lớn người nuôi nhỏ lẻ, quy mô gia đình thì sự liên kết trong sản xuất hầu như chưa có, trong khi đây chính là đối tượng chịu ảnh hưởng và dễ tổn thương nhất khi mở cửa thị trường. Chăn nuôi trang trại được xác định là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng nhưng đến nay bộ phận sản xuất này phát triển chưa tương xứng, công nghệ thiếu đồng bộ, chưa có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tìm đầu ra bền vững. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái mới chỉ hình thành 12 chuỗi liên kết, trong đó có 3 chuỗi chăn nuôi lợn liên kết theo hình thức khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, còn lại chủ yếu mới liên kết nhau trong sản xuất.

Từ những hạn chế trên, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh thì cần chú trọng về chất lượng con giống; chăn nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; áp dụng công nghệ cao, giảm chi phí, giá thành trong chăn nuôi và thú y; tuân thủ quy hoạch để chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Coi trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và đa dạng hóa vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường chăn nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới phương thức chăn nuôi; xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Xu hướng của chăn nuôi hiện đại là xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường. Đây chính là nền tảng cho nền chăn nuôi hiện đại, bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.

Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong tỉnh mà có khả năng để cạnh tranh với các sản phẩm khác trong nước, thậm chí phục vụ xuất khẩu. Việc phát triển chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, phát triển các mô hình liên kết đang là hướng đi hiệu quả nhất để giải quyết những khó khăn cũng như mở ra hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa an toàn, bền vững.

Thời gian qua, Yên Bái có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 35 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó lĩnh vực nông nghiệp nới chỉ có 6 dự án. Các lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi lợn.

Để nâng cao giá trị của sản phẩm chăn nuôi còn cần tập trung phát triển chăn nuôi theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, chú trọng giống bò thịt chất lượng cao, chăn nuôi giống lợn có tỷ lệ máu ngoại cao, hướng nạc; chăn nuôi gà theo hướng chuyên về trứng, thịt công nghệ cao; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn...

Đồng thời xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn, an toàn bởi chỉ khi áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học mới giảm được chi phí thức ăn, thuốc thú y và phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hệ thống kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu tối đa giết mổ và buôn bán thịt nhỏ lẻ không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển hình thức sản xuất liên kết chuỗi từ khâu chăn nuôi - giết mổ - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, với sự hợp tác trách nhiệm và nỗ lực từ nhiều phía là cơ sở quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

1174 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h