Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII sẽ xem xét mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh

07/04/2018 07:02:55 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh sẽ xem xét và thông qua mức chi hỗ trợ một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XVIII

Tại Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, có quy định Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, ban hành 7 loại nội dung, mức chi thuộc các dự án cụ thể như sau: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Cụ thể nội dung, mức chi như sau:

* Chi hỗ trợ thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135.

Đối tượng nhận hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư, trong đó: ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trên cơ sở danh mục dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận. Riêng hỗ trợ đất sản xuất và hỗ trợ khoán chăm sóc bảo vệ rừng có thể lựa chọn hỗ trợ theo dự án hoặc hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng theo các quy định hiện hành.

Tỷ lệ hộ không nghèo tham gia nhóm hộ, tổ nhóm hợp tác trong dự án tối đa là 30%. Thời gian thực hiện ở mỗi dự án tối đa là 3 năm.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hộ không nghèo tham gia dự án tự đảm bảo kinh phí thực hiện. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Đối với các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã được hưởng chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết này thì không được hưởng chính sách hỗ trợ cùng loại từ nguồn kinh phí của ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.

Về tổng mức hỗ trợ tối đa đối với từng loại dự án: Đối với dự án trồng trọt (hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, nông cụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch): Mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/dự án.

Đối với dự án chăn nuôi (hỗ trợ giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vắc xin tiêm phòng, máy móc công cụ sản suất): Dự án chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa, lợn, dê..) mức hỗ trợ tối đa không quá 400 triệu đồng/dự án; Dự án chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.

Đối với dự án lâm nghiệp (hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án.

Đối với dự án nuôi trồng thủy sản (hỗ trợ giống, thức ăn, vắc xin, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, ngư cụ đánh cá) mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng.

* Chi xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản (hệ thống thủy lợi nhỏ, đường giao thông, các công trình mục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất); mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135

Đối tượng nhận hỗ trợ là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư, trong đó: ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án (ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ không nghèo tham gia dự án tự đảm bảo kinh phí thực hiện).

* Chi hỗ trợ Dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135

Đối tượng nhận hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư có nhu cầu và khả năng phát triển các ngành nghề dịch vụ, trong đó: ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án.

Doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Việc hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ được thực hiện thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trên cơ sở danh mục dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Tỷ lệ hộ không nghèo tham gia nhóm hộ, tổ nhóm hợp tác trong dự án tối đa là 30%. Thời gian thực hiện ở mỗi dự án tối đa là 3 năm.

Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ không nghèo tham gia dự án tự đảm bảo kinh phí thực hiện; Ưu tiên hộ tham gia dự án có điều kiện về cơ sở vật chất, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án.

Đối với hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã được hưởng chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết này thì không được hưởng chính sách hỗ trợ cùng loại từ nguồn kinh phí của ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.

Mức hỗ trợ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất cho hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong phát triển ngành nghề và dịch vụ theo hợp đồng thuê, mua, sửa chữa và các chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 10 triệu đồng/hộ; không quá 90 triệu đồng/nhóm hộ.

Mức hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng doanh nghiệp, hợp tác cho phù hợp, trên cơ sở lồng ghép với dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng mức hỗ trợ tối đa từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm không vượt quá 500 triệu đồng/dự án (mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ được hỗ trợ một lần trong giai đoạn 2016-2020).

* Mức chi xây dựng và quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo: Tối đa không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án.

* Hỗ trợ phương tiện nghe - xem thuộc dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) sống ở đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên: Hộ nghèo có ít nhất một thành viên đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ nghèo có ít nhất 02 thành viên trong hộ là người dân tộc rất ít người theo quy định của cấp có thẩm quyền hoặc là người dân tộc Phù Lá.

Điều kiện hỗ trợ: Hộ nghèo chưa có phương tiện nghe - xem; Địa bàn hộ gia đình sinh sống có điện sinh hoạt. Đối với hộ được hỗ trợ đài (radio), địa bàn sinh hoạt hoặc làm việc phải thu được sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc Đài phát thanh địa phương; Hộ nghèo có nhu cầu và cam kết sử dụng đúng mục đích phương tiện được trang bị.

Nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ: Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 01 ti vi hoặc 01 radio/hộ, mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Radio không quá 0,7 triệu đồng/bộ;

- Ti vi màu cỡ 32 inch (bao gồm: ăng - ten và cáp nối từ ăng - ten vào ti vi) không quá 5 triệu đồng/bộ.

* Chi hỗ trợ công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã thuộc Dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Đối tượng hỗ trợ là các xã, thị trấn được tham gia thực hiện Chương trình.

Đối với xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 mức hỗ trợ không quá 3 triệu đồng/xã/năm; Đối với các xã, thị trấn còn lại mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/xã/năm.

675 lượt xem
Tiến Lập (tổng hợp)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h