Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Ý nghĩa chuyến thăm Yên Bái của Chủ tịch Hồ Chí Minh

28/09/2018 16:00:15 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chuyến thăm Yên Bái của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 60 năm đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; biểu thị sự quan lâm, chăm sóc của Người, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Bác Hồ nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958

Cách đây tròn 60 năm, ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã về thăm và ân cần nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Trong bài nói chuyện của Người ngày 25/9/1958, Bác đã đề cập đến ba vấn đề. Trước hết, Bác nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề số một, hết sức quan trọng bởi vì: “...Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích, oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức, bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”. Bằng những hình ảnh, ví dụ hết sức gần gũi, sinh động, dễ hiểu, Bác đã nêu ý nghĩa của vấn đề đoàn kết: "... 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó...”

Tiếp đến, Bác nói đến việc tăng gia sản xuất phải làm thế nào để đời sống nhân dân được sướng hơn, được ăn no mặc ấm. Bác khẳng định, để làm được điều đó thì: “Phải tăng gia sản xuất! ... đồng bào phải cố gắng làm ăn định canh. Điểm nữa là nên tăng vụ... Thứ ba là về phân bón... Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Lúa không có phân có tốt không?... Muốn có nhiều thóc phải bỏ nhiều phân... Bác còn nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất thì phải có tổ chức, phải có tổ đổi công... Thế nào là tổ đổi công? Không phải đánh trống, đếm người 1,2,3 rồi báo cáo lên huyện, lên tỉnh. Tổ đổi công phải thật sự giúp đõ’ nhau, chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải là cầm tay dắt cô bảo "anh phải vào tổ đổi công” mà phải làm cho đồng bào tự nguyện, tự giác”.

Vấn đề thứ ba, Bác đề cập đến trong bài nói chuyện là phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hoá mới. Đó là, tiết kiệm trong tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin... Bác nêu một ví dụ rất sinh động về thực hành tiết kiệm: “Bây giờ ví dụ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành nửa ki lô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà, mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo... Trước kia, ta phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức”.

Về xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với thực hành tiết kiệm, Bác tường tận đến từng chi tiết, từng nét văn hóa cho tới nhũng hủ tục cần loại bỏ của đồng bào: “Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt... đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén, thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng..”.

Cuối cùng, Bác đề nghị: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không?” Như một làn sóng, mọi người hô vang khẩu hiệu “Quyết tâm”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

Bài nói chuyện của Bác có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, tác động to lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái với nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát tình hình chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Yên Bái; đúng, trúng những vấn đề, nhiệm vụ cơ bản trong thời kỳ đầu xây dựng chế độ mới XHCN mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đặt ra và đang cố gắng thực hiện. Đó là những chỉ thị trực tiếp cho Đảng bộ và nhân dân Yên Bái với các vấn đề quan trọng như đoàn kết chặt chẽ, lo cho nhân dân được ăn no, mặc ấm, định canh định cư, tăng gia sản xuất, xây dựng tổ đổi công, thực hành tiết kiệm, bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong làm ăn, ma chay, cưới xin...

Bài nói chuyện của Bác là lời dạy bảo ân tình, ân nghĩa, ai cũng có thể hiểu được, làm được. Bác không dùng lý luận chính trị để giải thích, cũng không đưa những dẫn chứng về những việc đã và đang làm được hay các con số thống kê cụ thể như một báo cáo thông thường, mà Bác ân cần giảng giải, căn dặn từng vấn đề rất thiết thực, cần làm, nên làm; Bác nêu ra những câu hỏi, sau đó đưa ra những câu trả lời khiến ai ai cũng cảm thấy dễ hiểu, ấm lòng, thấm thía.

Tự bản thân bài nói của Bác đã toát lên mọi tư tưởng, hành động cách mạng, hệ thống lý luận sắc bén gắn bó với thực tiễn cách mạng ở địa phương, gần gũi với đời sống nhân dân, thể hiện tấm lòng, tình cảm, phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác.

Bài nói chuyện của Bác còn là phương pháp luận cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận độna quần chúng noi theo, học tập; thể hiện sự lô-gíc, khoa học, nội dung hết sức thiết thực, gần gũi, đi vào lòng người, không sáo mòn nhưng cũng rất cụ thể.

 

(Nguồn: Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

1709 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h