Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái: Kết quả bước đầu trong việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố

06/02/2019 07:51:04 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Để thực hiện chủ trương này, cần sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và điều quan trọng là tạo sự đồng thuận trong nhân dân và không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân sau khi sáp nhập.

Sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Theo quy định việc xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập thôn, xóm, bản, tổ dân phố phải đảm bảo các thôn sau khi sáp nhập phải từ 200 hộ trở lên, các tổ dân phố phải từ 300 hộ trở lên. Thôn, tổ dân phố khi sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Đối với những thôn, tổ dân phố có số hộ gia đình không đủ theo tiêu chuẩn nhưng không thể sáp nhập với các thôn khác thì phải nêu rõ lý do như địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, khác nhau về phong tục tập quán...

Để việc sắp xếp thôn bản, tổ dân phố đạt hiệu quả, tỉnh đã chọn thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trấn Yên triển khai thí điểm. Từ đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai thành công việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố tại các huyện, thành phố đảm bảo theo đúng chủ trương, kế hoạch đề ra.

Thực hiện Nghị quyết số 25 ngày 25/7/ 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 1513/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ; UBND thị xã đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo các phường triển khai tới các chi bộ, tổ dân phố tiến hành sáp nhập và kiện toàn các chức danh theo quy định. Do có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của nhân dân, việc sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố của thị xã Nghĩa Lộ đã đạt được kết quả theo kế hoạch.

Trước khi sáp nhập, thị xã Nghĩa Lộ có 100 thôn, bản, tổ dân phố, sau khi sáp nhập còn 71, giảm 29 thôn, bản, tổ dân phố. Đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách là 490 người, sau khi sáp nhập còn 348 người, giảm 142 người (Bí thư chi bộ giảm 28 người, Tổ trưởng tổ dân phố giảm 28 người, Phó Bí thư chi bộ giảm 29 người, Trưởng Ban công tác mặt trận giảm 29 người…). Một số chức danh được nhất thể hóa một như: Phó bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố 31 người; phó Bí thư kiêm chức danh Trưởng Ban công tác mặt trận 01 người... Bên cạnh tiết kiệm được kinh phí chi cho cán bộ không chuyên trách cấp thôn, bản, tổ dân phố và giảm một phần chi cho hoạt động của khu dân cư, việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố còn giảm được đầu mối cho cơ sở, tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên đối với cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao.

Việc sáp nhập đã tăng quy mô số hộ và nhân khẩu trên địa bàn tổ, dễ lựa chọn nhân sự cho các chức danh, qua đó nâng cao được chất lượng cán bộ của tổ dân phố; sáp nhập các tổ đã tăng số đảng viên trong chi bộ, hội viên của các đoàn thể vì vậy việc sinh hoạt chi bộ có chất lượng hơn, các phong trào hoạt động sôi nổi tích cực hơn.

Theo đồng chí Ngô Thanh Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ, thị xã Nghĩa Lộ, việc sắp xếp lại tổ dân phố, thôn, bản đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh; đáp ứng được nhu cầu và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong việc đặt lại tên tổ dân phố.

Đối với huyện Trấn Yên, trước khi thực hiện sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố, Trấn Yên có 22 xã thị trấn với 233 thôn, bản, khu phố. Thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh và Quyết định số 40 ngày 12/1/2018 của UBND tỉnh Yên Bái về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố, huyện Trấn Yên đã nhanh chóng xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai, thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, tổ chức hội nghị triển khai đến các xã, thị trấn và thẩm định hồ sơ đề nghị của các cơ sở đề nghị cấp trên thẩm định. Ông Trần Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Huyện Trấn Yên đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, sáp nhập, sắp xếp lại hệ thống thôn, tổ dân phố bảo đảm quy mô, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền từ huyện, đến cơ sở đã thống nhất về mặt chủ trương, tư tưởng chỉ đạo thực hiện; huyện cũng đã xác định những khâu then chốt để triển khai, bảo đảm thành công chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cũng như hợp lòng dân. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới người dân về chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tích cực tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức sáp nhập thôn bản, chủ động trao đổi, giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện.

Đến nay việc triển khai sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Trấn Yên đã hoàn tất theo kế hoạch. Sau quá trình triển khai thực hiện, Trấn Yên còn 190 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 43 khu dân cư so với trước khi thực hiện sắp xếp lại. 

Sau khi kiện toàn, các thôn, bản tổ dân phố trên địa bàn huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ đã hoạt động ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời tạo quy mô thôn, tổ dân phố lớn hơn và có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm vấn đề chi ngân sách, tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, bản chất lượng hơn, thuận lợi hơn trong quản lý, lãnh đạo chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị cấp xã. Tư tưởng cán bộ và nhân dân tại các địa bàn ổn định, tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với những kết quả đạt được từ việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố theo đúng Thông tư 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ để thực hiện trong toàn tỉnh. Theo đó, trên cơ sở rà soát, đề xuất của các địa phương, UBND tỉnh xây dựng, HĐND tỉnh đã nghị quyết thông qua phương án sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố của 7 huyện, thành phố còn lại để tiếp tục giảm 913 thôn bản tổ dân phố từ 1/1/2019; tổng số giảm 985 thôn, bản tổ dân phố, bằng 41,9% so với tổng số thôn bản, tổ dân phố toàn tỉnh trước khi sắp xếp; giảm 7.738 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

Cụ thể: Huyện Trạm Tấu sắp xếp 69 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 57 thôn, bản, tổ dân phố (54 thôn, bản và 03 tổ dân phố), giảm 12 thôn, bản, tổ dân phố (10 thôn, bản và 02 tổ dân phố); huyện Mù Cang Chải sắp xếp 126 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 98 thôn, bản, tổ dân phố (93 thôn, bản và 05 tổ dân phố), giảm 28 thôn, bản, tổ dân phố (23 thôn, bản và 05 tổ dân phố); huyện Văn Chấn sắp xếp 374 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 277 thôn, bản, tổ dân phố (253 thôn, bản và 24 tổ dân phố), giảm 97 thôn, bản, tổ dân phố (81 thôn, bản và 16 tổ dân phố); huyện Văn Yên sắp xếp 357 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 172 thôn, bản, tổ dân phố (161 thôn, bản và 11 tổ dân phố), giảm 185 thôn, bản, tổ dân phố (146 thôn, bản và 39 tổ dân phố); huyện Yên Bình sắp xếp 284 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 177 thôn, bản, tổ dân phố (160 thôn, bản và 17 tổ dân phố), giảm 107 thôn, bản, tổ dân phố (93 thôn, bản và 14 tổ dân phố); huyện Lục Yên sắp xếp 300 thôn, bản, tổ dân phố hiện có thành 195 thôn, bản, tổ dân phố (182 thôn, bản và 13 tổ dân phố), giảm 105 thôn, bản, tổ dân phố (101 thôn, bản và 04 tổ dân phố); thành phố Yên Bái sắp xếp 506 thôn, tổ dân phố hiện có thành 127 thôn, tổ dân phố (38 thôn và 89 tổ dân phố), giảm 379 thôn, tổ dân phố (22 thôn và 357 tổ dân phố).

Hiện nay các địa phương đang chỉ đạo các thôn, bản, tổ dân phố tiến hành kiện toàn các chức, tổ chức bộ máy theo đúng quy định.

Năm 2019, tỉnh Yên Bái xây dựng phương án sáp nhập 14 xã trước năm 2020; điều chỉnh, sáp nhập 6 xã và 1 thị trấn để thực hiện phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch của Trung ương và của tỉnh.

Có thể thấy, việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là để có quy mô lớn hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, được nhân dân đồng tình, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo quy mô thôn, bản, tổ dân phố lớn hơn có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời giảm số lượng cán bộ, chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng được đội ngũ cán bộ thôn, bản, tổ dân phố chất lượng hơn.

3495 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h