Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trực tiếp giảng dạy tại lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy

18/05/2019 13:20:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 18/5, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giảng về chuyên đề “Xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái” và chuyên đề “Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái” cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy giảng tại lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý dành cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy.

Tại lớp bồi dưỡng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã giới thiệu khái quát về nền hành chính công và cải cách hành chính; tình hình xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2018; nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền hành chính công và cải cách hành chính tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thông tin về mục tiêu và định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Trong giai đoạn 2010 - 2018, với sự  quyết tâm và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, công tác cải cách hành chính ở Yên Bái đã có sự chuyển biến rõ nét. Chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương được nâng lên; hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của địa phương được hoàn thiện, đặc biệt, công tác cải cách TTHC thu được nhiều kết quả.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, xã (tỷ lệ trả kết quả đúng hạn đạt 99,7%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức đạt 99,9%).

Tỉnh Yên Bái đã triển khai tích cực và hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội. Đến hết năm 2018, đã thu gọn được 405 đầu mối và tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị (bằng 25,5% tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015); tinh giản được tổng số 3.780 biên chế. Kinh phí tiết kiệm được do thực hiện việc tinh giản biên chế từ năm 2015 đến hết năm 2018 khoảng 925 tỷ đồng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương; cải cách hành chính phải được triển khai đồng bộ, thường xuyên, kiên trì, nghiêm túc, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cải cách hành chính gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, đặc biệt là đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tin giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu quả cao.

Với mục tiêu đến năm 2020: Hầu hết các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3 và 4; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 90%; giảm tối thiểu 12% bên chế công chức và 13% biên chế viên chức so với năm 2015; trên 90% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; giảm tối thiểu 13% số đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu có tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Triển khai, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết và thực hiện. Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương; kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định bất hợp lý của hệ thống pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính. Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, huy động sự tham gia của công dân, tổ chức. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin. Thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các cơ quan hành chính ở từng cấp, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện việc phân cấp quản lý, bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, đồng bộ với nguồn lực tài chính, phù hợp với năng lực của cán bộ, công chức… loại bỏ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp; thực hiện thường xuyên hàng năm việc khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, địa phương và khảo sát Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.

Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận; xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm.

Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức, viên chức. Tiếp tục thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; từng bước thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ.

Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, tiến tới xóa bỏ chế độ giao dự toán kinh phí theo số lượng biên chế; cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại thu chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi đầu tư khu vực nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư khu vực ngoài nhà nước; tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng và triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện phân cấp quản lý ngân sách phù hợp và tăng quyền chủ động trong huy động nguồn thu, thực hiện nhiệm vụ chi...

Xây dựng chính quyền điện tử gắn với Đề án đô thị thông minh; triển khai hiệu quả Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến; các phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung…Triệt để ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước. Duy trì, mở rộng và cải tiến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

Trong chuyên đề “Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái” đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin khái quát về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; khái quát về các ngành công nghiệp chủ lực; về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thông tin về các doanh nghiệp và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; về mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Đồng chí khẳng định: Yên Bái là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh miền núi phía Bắc có giao thông thuận lợi. Yên Bái là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có bản sắc văn hóa đặc sắc; tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; có nhiều sản phẩm nông lâm nghiệp (chủ lực, đặc sản) chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; khí hậu và chất lượng môi trường tốt, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; lực lượng lao động chất lượng cao, dân số trong độ tuổi lao động là 466.083 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 54%; giá thuê đất và cơ sở hạ tầng ở mức thấp; có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hạ tầng; các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại tỉnh Yên Bái.

Hiện nay tỉnh Yên Bái ưu tiên thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; thu hút đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề như: công nghiệp chế biến sâu khoáng sản; công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển lâm nghiệp bền vững; Dịch vụ du lịch, y tế, đào tạo (dạy nghề), tài chính ngân hàng, vận tải logictics...

Các học viên tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại lớp học.

700 lượt xem
Tiến Lập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h