Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - xã hội với các địa phương

24/07/2019 16:33:41 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 24/7, tại Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Cùng dự có đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng.

Về phía tỉnh Yên Bái, dự hội nghị có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với tỉnh Yên Bái về những khó khăn, mất mát trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời biểu dương sự cố gắng của tỉnh trong khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai, chú trọng công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, sạt lở đất, nhất là lũ quét, lũ ống, với tinh thần không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân.

Về nội dung buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng để Tiểu ban lắng nghe ý kiến thực tiễn từ quá trình phát triển của các địa phương trong 5 và 10 năm qua, đồng thời nêu các cơ hội, thách thức, mô hình phát triển tốt, những cách làm hay mang tính địa phương, vùng và quốc gia. Qua đó, góp phần xây dựng các văn kiện quan trọng của Tiểu ban là Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đúng tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhất là giải pháp phát triển phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái trân trọng cảm ơn Đảng, Chính phủ đã lựa chọn Yên Bái là địa điểm tổ chức buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với các địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo với Thủ tướng và các đồng chí trong đoàn công tác về kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030. Trong 10 năm qua, với những chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh bạn, tỉnh Yên Bái đã tận dụng các lợi thế, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung phát triển mạnh kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân đạt được những kết quả toàn diện, đặc biệt, tỉnh đã cụ thể hóa, tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả, trọng tâm 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng; kinh tế duy trì được đà tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 2011 - 2018 đạt 6,3%; GRDP bình quân đầu người tăng từ 18,33 triệu đồng năm 2011 lên khoảng 38 triệu đồng năm 2019; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có những bước phát triển bền vững, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực gắn với đầu ra sản phẩm; xây dựng nông thôn mới (NTM) vượt mục tiêu so với kế hoạch, hết năm 2018 toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn NTM; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng khá; các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương đã phát huy được hiệu quả, thu ngân sách tăng cao so với giai đoạn trước; công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; việc huy động, lồng ghép các nguồn lực gắn với cơ cấu lại đầu tư công để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được thực hiện hiệu quả; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, kịp thời, đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2018 giảm bình quân trên 4,4%/năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo một số nội dung: Quan tâm định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng theo Luật Quy hoạch mới ban hành gắn với quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các tỉnh trong vùng nhằm thúc đẩy liên kết vùng một cách hợp lý và hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách, ưu tiên cho liên kết vùng, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho liên kết vùng, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước nhanh và bền vững; định hướng rõ cơ chế yêu cầu liên kết vùng trong từng chính sách hỗ trợ của Trung ương thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình có mục tiêu khác, từ đó ưu tiêu phân bổ nguồn lực Trung ương gắn với nguồn lực địa phương, đồng thời tạo sự liên kết tất yếu, hiệu quả, bền vững trong vùng trên các lĩnh vực được Trung ương hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sát lở đất trước mắt và lâu dài tại các khu vực miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Yên Bái; nghiên cứu, có chính sách hợp lý đủ mạnh để người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo đảm được đời sống từ rừng lâu dài, bền vững; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số bộ luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành, trung ương và các địa phương cho rằng, miền núi phía Bắc là nơi có số hộ nghèo cao nhất và chất lượng cuộc sống thấp nhất, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra do vậy cần phải đổi mới căn bản chính sách đối với vùng này chuyển mạnh từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư toàn diện; cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông; nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số; gắn tăng trưởng với giải quyết những bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách giao đất, giao rừng, thúc đẩy phát triển rừng; ổn định cuộc sống các khu tái định cư công trình trình thủy điện; có kế hoạch ngăn chặn tình trạng di cư tự do; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thu hút đầu tư, cải cách hành chính. Đặc biệt, cần phải chăm lo về sức khỏe nhân dân và đổi mới một cách thực sự toàn diện cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế xã hội gắn với an sinh xã hội; đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường liên kết kinh tế quốc tế…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh cao kết quả phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc trong 10 năm qua, người dân trung thành với sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế bền vững, bình quân tăng trưởng 8,6%, cao hơn mức trung bình của cả nước, giảm nghèo từ 4-6%, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút được nhiều dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đạt được kết quả đó chính là nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất, niềm tin và khát vọng của các địa phương trong vùng.

Nhấn mạnh về vai trò của khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trong bảo vệ chủ quyền quốc gia biên giới, ổn định chính trị, tạo điều kiện phát triển đất nước, Thủ tướng đề nghị cần phát triển toàn diện bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Đảng. Thủ tướng cho rằng, trước hết phải ổn định, nâng cao đời sống nhân dân; giữ gìn đoàn kết dân tộc, khôi phục, phát triển trồng rừng bền vững; giữ đất, ổn định an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền, coi trọng an ninh và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải tìm cách khai thác lợi thế, biến khó khăn thành cơ hội phát triển.

Về phương hướng phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần phát triển một cách bền vững, phát triển xanh, khắc phục tồn tại từ trung ương đến địa phương; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng; xây dựng chính sách đặc thù thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; tiếp tục giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát huy lợi thế cửa khẩu, phát triển nghề rừng; phát triển đô thị vùng; tận dụng các tuyến đường đã được đầu tư; kè sông, suối biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia; khuyến khích kêu gọi các dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, tạo cú huých phát triển lan tỏa. Với phương châm quyết tâm, đoàn kết, hành động, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng; phòng chống tệ nạn xã hội; buôn bán người, buôn lậu…

Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm kinh tế xã hội của cả nước, Thủ tướng mong rằng thành phố Hà Nội sẽ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc.

1661 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h