Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Bộ Công thương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái

28/09/2019 07:38:54 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hiện nay giá xăng dầu và giá điện tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong khi mức thu nhập của người dân còn thấp. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành cần nghiên cứu có giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm bình ổn giá cho các mặt hàng trên.

Ảnh minh họa

Bộ Công thương trả lời tại văn bản số 5420/BCT-KH ngày 29/7/2019 như sau:

Trong đợt nắng nóng cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm 2019, trước phản ánh của một số khách hàng sử dụng điện về hóa đơn tiền điện tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đầy đủ, đúng quy định về áp giá bán điện, ghi chỉ số, thanh toán hóa đơn tiền điện, trường hợp có sai sót phải truy thu thoái hoàn cho người sử dụng điện. Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-BCT ngày 2/5/2019 về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT và đã thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên Bộ, ngành thực hiện kiểm tra tại các đơn vị điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, EVN đã thực hiện đúng quy định trong công tác niêm yết công khai giá điện mới, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện. Hiện tại, chưa thấy có các trường hợp gian lận, cố tình tính sai tiền điện đối các khách hàng sử dụng điện.

Về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao, ngoài lý do điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ bình quân lên 8,36%, các nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao đó là: (i) nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết năng nóng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả 3 miền trong tháng 4/2019 tăng cao hơn so với tháng 3/2019 và cùng kỳ 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4/2019 tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3/2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3/2019; (ii) Số ngày trong kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 4 nhiều hơn. Số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 là 31 ngày nhiều hơn 3 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày) làm cho điện năng tính toán trong hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng thêm bình quân 10,71%.

Về lý do điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20/3/2019 và các khoản phí được phép đưa vào giá điện

Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ có chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện. Các chi phí đầu tư ngoài ngành không được phép đưa vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như trong tính toán điều chỉnh giá điện.

Theo quy định trên, hàng năm, căn cứ vào số liệu chi phí đã được kiểm toán độc lập xác nhận, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN. Chi phí sản xuất kinh doanh điện được tách bạch theo chi phí các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Cụ thể các chi phí được tính vào giá điện 2019 như sau:

- Giá than nội địa bán cho sản xuất: (i) Điều chỉnh giá than bước 1 tăng từ ngày 05/1/2019; (ii) Điều chỉnh giá than bước 2 đồng bộ với thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 (thực hiện theo văn bản số 19/VPCP-KTTH ngày 03/1/2019 của Văn phòng Chính phủ về giá than bán cho sản xuất điện và văn bản số 15828/BTC-QLG ngày 19/12/2018 của Bộ Tài chính về giá than bán cho sản xuất điện; (iii) Do nguồn than nội địa không đủ để phục vụ sản xuất điện năm 2019, một số nhà máy điện phải sử dụng than trộn (trộn nội đia và nhập khẩu) có giá than cao hơn nhiều so với giá than nội địa cùng chủng loại.

 - Thuế bảo vệ môi trường đối với than, dầu được điều chỉnh kể từ ngày 01/1/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

- Giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện thực hiện theo cơ chế thị trường (theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội) đồng bộ với thời điểm điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019.

- Phân bổ 753,97 tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.487,94 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 (3.070,9 tỷ đồng) của các nhà máy điện vào năm 2019. Chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện là chênh lệch giữa tỷ giá các đơn vị phát điện mua ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ gốc vay ngoại tệ phải trả trong năm 2015, năm 2017 so với tỷ giá quy định tại hợp đồng mua bán điện (quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 19/12/2014 của Bộ Công thương về quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện).

- Tính toán giá các loại nhiên liệu gồm (i) giá dầu thế giới (HSFO) để tính giá khí thị trường, (ii)  giá than nhập khẩu dự báo cho năm 2019 được tính theo dự báo của Ngân hàng thế giới.

- Tỷ giá dự báo cho năm 2019 được tính trên cơ sở thực tế bình quân tỷ giá bán ra năm 2018 so với năm 2017 của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam công bố.

Ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính nêu trên và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng được tổng hợp như sau:

TT

Yếu tố tăng

Tỷ lệ tăng (%)

Chi phí mua điện dự kiến tăng (tỷ đồng)

1

Điều chỉnh giá than đợt 1

2,61% - 7,67%

3.182,67

2

Điều chỉnh giá than trộn (gồm nội địa và nhập khẩu)

 

1.920,66

3

Điều chỉnh giá than đợt 2

3,77% đối với than của TKV

5% đối với than của Đông Bắc

2.230,05

4

Giá dầu thế giới (dầu HSFO) để tính giá khí thị trường

2,78

946,50

5

Giá khí tronng bao tiêu tăng theo giá thị trường từ ngày 20/3/2019, thực hiện theo Nghị quyết 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội

44,03%

5.852,41

6

Giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường

0,23%

589,55%

7

Giá điện cho các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng cho năm 2019 (Biểu giá chi phí tránh được)

1,83%

267,40

8

Tỷ giá USD

1,367%

1.218,30

9

Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện

 

3.824,87

 

Tổng

 

20.032,41

 

Về tác động của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, tốc độ tăng trưởng GDP:

Trong quá trình thẩm định, báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản suất (PPI) và tốc độ tăng trưởng (GDP), kết quả cụ thể như sau:

Mức tăng giá bán lẻ điện bình quân

Ảnh hưởng đến CPI (%)

Ảnh hưởng đến PPI (%)

Ảnh hưởng đến GDP (%)

7,30%

+0,26%

+0,15%

-0,20%

8,36%

+0,29%

+0,17%

-0,22%

9,26%

+0,31%

+0,19%

-0,25%

Theo tính toán tổng thể các yếu tố giá năm 2019 của tổng cục Thống kê, khi thực hiện điều chỉnh giá điện thì CPI bình quân chung năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Theo thông báo cập nhật tháng 5/2019 của Tổng cục Thống kê tại Văn bản số 586/TCKT-TKG ngày 27/5/2019, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 0,33% trong tháng 3/2019; tăng 1,85% trong tháng 4/2019; dự kiến tăng 6,86% trong tháng 5/2019; tổng tác động 3 tháng làm tăng chỉ số CPI khoảng 0,21%.

Về quy định giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt:

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy điện có giá đắt hơn phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện theo các bậc thang và giá điện của bậc thang sau cũng cao hơn so với bậc thang đầu tương tự như Việt Nam.

Thực hiện khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 Điều 1 giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bản lẻ điện, ngày 07/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 với các mục tiêu chính sau:

- Giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành.

- Tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

- Biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Thực hiện các mục tiêu nêu trên, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt đã, đang và sẽ tiếp tục được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả.

Căn cứ số liệu về giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt trong các năm qua do EVN cung cấp, ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công thương đã xem xét, kiểm tra tính toán điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc. Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp dưới 100 kWh và từ 201 – 300 kWh/tháng (năm 2018 tổng số các hộ này là khoảng 12,97 triệu hộ chiếm tới 50,1% trên tổng số 25,89 triệu hộ sinh hoạt).

Theo số liệu thống kê năm 2018 của EVN thì trên cả nước, số hộ có mức sử dụng dưới 50 kWh/tháng là 3,9 triệu hộ, chiếm 15,11% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân 26,2 kWh/hộ/tháng; số hộ có mức sử dụng từ 50 kWh/tháng đến 100 kWh/tháng là 5,32 triệu hộ, chiếm 20,54% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt với mức sử dụng bình quân là 76,86 kWh/hộ/tháng.

Trong thời gian tới, với tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của đa số hộ sử dụng điện trên cả nước. Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán điện.

Bộ Công thương sẽ đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt là tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đồng thời sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị và người dân, tổng hợp ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Về giải pháp, kế hoạch trong thời gian tới của Bộ Công thương

- Tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa với Bộ Thông tin và truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương triện thông tin đại chúng về vấn đề tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt của người dân cùng với việc sớm công bố kết quả kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua để tránh lạm phát kỳ vọng.

- Phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị liên quan đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 đến kinh doanh, sản xuất của các khách hàng ngoài sinh hoạt và đời sống nhân dân.

- Nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tiến bộ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.     

 

906 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h