Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2021

05/10/2019 08:42:29 Xem cỡ chữ Google
Sáng ngày 04/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan; Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan đến việc sắp xếp của tỉnh Yên Bái.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh Yên Bái có 09 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (01 thành phố; 01 thị xã và 07 huyện). Số ĐVHC cấp huyện có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 01 đơn vị (thị xã Nghĩa Lộ). Số ĐVHC cấp xã có 180 xã, phương, thị trấn; trong đó có 17 xã và 01 thị trấn có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.

Do đó, tỉnh Yên Bái xây dựng phương án sắp xếp 01 ĐVHC cấp huyện là thị xã Nghĩa Lộ. Theo đó, điều chỉnh nguyên trạng 06 xã và 01 thị trấn của huyện Văn Chấn về trực thuộc thị xã Nghĩa Lộ.

Về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Yên Bái thực hiện sắp xếp 08 xã do có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết thêm, các ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định nhưng chưa thực hiện sắp xếp là 09 xã và 01 thị trấn. Vì các xã, thị trấn này có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách trung tâm các xã cách xa nhau, dân cư phân bố không tập trung. Bên cạnh đó, một số xã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ các công trình trọng điểm về an ninh, quốc phòng…

Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp, số ĐVHC cấp huyện được giữ nguyên; số ĐVHC cấp xã giảm 07 đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng cho biết, về phương án tổ chức bộ máy của các ĐVHC cấp huyện sau khi sắp xếp, trước mắt tỉnh Yên Bái giữ nguvên tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, ĐVHC trực thuộc thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn sau khi điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Văn Chấn để mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ. Đối với các xã mới sau sắp xếp, việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tại ĐVHC cấp xã thực hiện theo quy định tại các điều 134, 136, 137 và 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 101 người; trong đó có 50 cán bộ và 51 công chức. Tỉnh Yên Bái sẽ giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi đối với 08 người; điều động sang đảm nhiệm các chức danh còn khuyết ở các xã khác hoặc đảm nhiệm các chức danh khác đối với 87 người; giải quyết thôi việc theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã thôi việc theo nguyện vọng là 06 người.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đối với 47 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng khẳng định, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2019-2021 được xây dựng trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo đúng các nội dung quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn tại Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 của Bộ Nội vụ.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Yên Bái được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tất cả các ĐVHC cấp xã (21/21 đơn vị) được lấy ý kiến cử tri đều tán thành với việc sắp xếp,  đạt tỷ lệ cao (cao nhất 100%, thấp nhất 78,6%).

Nội dung trong hồ sơ, Đề án đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp và định hướng, giải pháp để phát triển đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh để triển khai thực hiện sắp xếp.

Tuy nhiên, kết quả sau khi thực hiện sắp xếp 14 ĐVHC cấp xã (08 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp và 06 ĐVHC liền kề có liên quan đến việc sắp xếp) để hình thành 07 ĐVHC cấp xã mới thì số lượng đã giảm sau sắp xếp là 07 đơn vị. Mặc dù vậy, các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp cũng chưa đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định.

Ông Phan Trung Tuấn đề nghị UBND tỉnh Yên Bái bổ sung giải trình 10 ĐVHC cấp xã chưa thực hiện sắp xếp đảm bảo tính thuyết phục cao, mặc dù trong đề án đã giải trình. Về phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, tỉnh đã thực hiện rà soát và có phương án bố trí, tuy nhiên, cần nêu rõ lộ trình thực hiện từng năm đối với từng xã, cụ thể từng chức danh, điều động đi nơi khác, bổ nhiệm chức danh hoặc thực hiện chế độ thôi việc…

Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Yên Bái rà soát lại các số liệu trong Đề án, nhất là đối với số liệu về dân số, cần lấy số liệu mới nhất của cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị có phương án cụ thể đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã.

Bên cạnh đó, bổ sung các giải pháp thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ đối với cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có liên quan.

Đối với 10 ĐVHC chưa đạt 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tỉnh Yên Bái đã có lý giải, tuy nhiên, Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Yên Bái nghiên cứu, cần thiết có thể sáp nhập thêm.

Đối với việc điều chỉnh nguyên trạng 06 xã và 01 thị trấn của huyện Văn Chấn về trực thuộc thị xã Nghĩa Lộ thì sau sáp nhập, thị xã Nghĩa Lộ có tỷ lệ xã nhiều hơn phường, thị trấn (chỉ đạt khỏang 28%), như vậy, tỷ lệ đô thị hóa của thị xã còn thấp, do đó, Đề án cần có lý giải kỹ và thuyết phục hơn; đồng thời, có kế hoạch, lộ trình phát triển để tỷ lệ đô thị cao hơn trong thời gian tới.

Tiếp thu, giải trình những vấn đề Hội đồng thẩm định đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, ngay khi Trung ương có nghị quyết, tỉnh đã tiến hành rà soát và xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã kịp thời, có tính đến các yếu tố đặc thù và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Về mở rộng thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh đã xây dựng 03 phương án và xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau khi có ý kiến Bộ Xây dựng và sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái, tỉnh đã lựa chọn phương án hiện tại là tối ưu nhất (sáp nhập 06 xã và 01 thị trấn của huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ). Mục đích là để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và mở rộng đô thị, đây là xu thế chung của xã hội, có sự đồng thuận cao tại địa phương. Nếu tiến hành sáp nhập thêm các xã vào thị xã Nghĩa Lộ thì thị xã sẽ bị “nông thôn hóa”, do vậy, phương án đã chọn là tối ưu, tỉnh sẽ xây dựng các phương án, lộ trình để phát triển đô thị, đảm bảo kinh tế - xã hội của thị xã phát triển tốt hơn.

Đối với 10 ĐVHC cấp xã chưa tiến hành sắp xếp (09 xã và 01 thị trấn), ông Đỗ Đức Duy lý giải thêm, vị trí địa lý các ĐVHC cấp xã này thuộc vùng núi cao, là các huyện nghèo của tỉnh, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách trung tâm các xã cách xa nhau, dân cư phân bố không tập trung… nếu sáp nhập thì việc đi lại và sinh hoạt của người dân không thuận tiện, khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã. Do đó, tỉnh Yên Bái đề xuất chưa thực hiện việc sắp xếp đối với 10 ĐVHC cấp xã này trong giai đoạn 2019-2021. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp nếu điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương này thuận lợi hơn, đáp ứng được các điều kiện thuận lợi cho cả người dân và chính quyền.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Yên Bái tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu. Xây dựng lộ trình cụ thể và giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện. Tỉnh Yên Bái cũng cần xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý và sử dụng tài sản công đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tránh lãng phí.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các số liệu thể hiện trong Đề án cần được rà soát lại và sử dụng số liệu mới nhất do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Yên Bái và yêu cầu sớm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 

(Theo Website Bộ Nội vụ)

2535 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h