Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế hoàn toàn bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh

17/12/2019 07:34:28 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau 7 tháng kể từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, tỉnh Yên Bái đã tổ chức, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các địa phương đã tổ chức thực hiện, huy động hệ thống chính trị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đến ngày 30/11/2019 đã khống chế hoàn toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có 03 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn khống chế được dịch bệnh.

Ảnh minh họa

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ ngày 04/5/2019 tại 2 hộ thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú huyện Văn Chấn. Đến ngày 29/11/2019, dịch bệnh đã phát sinh lại 5.179 hộ; 526 thôn, bản, tổ; 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy 27.920 con, trọng lượng 1.256,922 tấn.

Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung, quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh; tổ chức 5 Hội nghị phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh khác; thành lập các đoàn, tổ công tác đi kiểm tra chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh. Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo đã tổ chức, triển khai đến các đơn vị chuyên môn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống địch bệnh tại các địa phương. Cùng với đó các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành trên 100 văn bản các loại chỉ đạo thực hiện phòng, chống, khoanh vùng, xử lý ổ dịch bệnh tại địa bàn.

Đến nay, có 61 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh, đã công bố hết dịch. Hiện số xã đang có dịch là 63, trong đó có 26 xã dịch tái phát trở lại.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên, tổng đàn 38.673 con, chiếm gần 10% tổ đàn lợn toàn tỉnh hiện có. Đến thời điểm này các trang trại, cơ sở vẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các trang trại vẫn an toàn đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đến ngày 29/11/2019, tỉnh đã cấp 13.030 lít sát trùng, 05 máy kích điện tiêu hủy lợn, 07 máy phun động cơ phục vụ cho công tác tiêu hủy lợn và tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch; cấp 25.000 tờ rơi cho các địa phương tuyên truyền hướng dẫn công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn chuyên môn kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Các địa phương đã sử dụng hơn 41,500 kg vôi thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ngăn chặn sự lây nhiễm.

Toàn tỉnh đã thành lập 77 chốt kiểm soát dịch bệnh: Trên đường Quốc lộ 09 chốt; trên đường Tỉnh lộ 10 chốt; trên các tuyến đường xã 58 chốt. Đến thời điểm này trên phạm vi toàn tỉnh đã dừng hoạt động 73 chốt. 4 chốt đang hoạt động.

Tỉnh cũng đã thành lập tổ kiểm soát lưu động liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Đến ngày 21/11/2019, Tổ công tác liên ngành đã thực hiện kiểm tra được 230 lượt cơ sở, phương tiện; xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền) 18 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 69,5 triệu đồng. Để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, ngân sách tỉnh đã cấp cho các địa phương trên 29,633 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, như: Thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn chiếm chủ yếu, hầu hết các hộ chăn nuôi này còn chủ quan, chưa áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung, nên rất khó khăn trong quản lý vận chuyển, giết mổ ra vào ổ dịch; việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không theo chuỗi cung ứng, mà chủ yếu do tư thương thu mua, vận chuyển, tiêu thụ dẫn đến khó kiểm soát; một số nơi chưa thực hiện đầy đủ biện pháp kỹ thuật về tiêu hủy lợn mắc bệnh; đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh…

Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, tiến tới kiểm soát, khống chế dịch bệnh, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Các địa phương tổ chức tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi lợn nâng cao ý thức, tự chủ động bảo vệ đàn lợn, vừa phòng, chống với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vừa tiếp tục sản xuất chăn nuôi lợn nhưng phải áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng môi trường đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm (bằng vôi bột, hóa chất...); tổ chức lấy mẫu giám sát để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đối với các địa phương chưa khống chế được dịch bệnh cần tăng cường kiểm soát vận chuyển giết mổ ra vào ổ dịch, xử lý ổ dịch theo đúng yêu cầu kỹ thuật, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với các địa phương đã khống chế được dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tuyên truyền, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tới thôn, bản, tổ dân phố, hộ chăn nuôi để người dân biết và chủ động kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh, tăng cường kiểm soát vận chuyển vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn vào địa bàn không rõ nguồn gốc.

Tăng cường sự giám sát của người dân đối với các trường hợp giấu dịch, buôn bán, giết mổ lợn không có nguồn gốc xuất xứ; nghiêm cấm và kiên quyết xử lý các trường hợp vứt xác lợn ra môi trường, sông, suối. Phát triển các loại vật nuôi khác nhằm bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung từ thịt lợn; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ cho đàn vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các địa phương, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, không tái đàn khi chưa đảm bảo về dịch bệnh, chú ý đảm bảo chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh.

Cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi lợn, trước mắt, xây đựng phương án phát triển sản xuất chăn nuôi lợn trong tại những vùng đã khống chế được dịch bệnh và các vùng chưa bị dịch bệnh.

Củng cố lại chuồng trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Tái đàn phải đảm bảo về con giống rõ nguồn gốc (Các hộ cần chủ động được con nái và đực giống và nguồn thức ăn chăn nuôi).

Cần chuyển hướng dần chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi các vật nuôi khác như chăn nuôi gia cầm, tăng số lứa nuôi tối đa để tăng sản lượng, giá trị chăn nuôi, hoặc chuyển dần sang chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn có kiểm soát. Thực hiện nghiêm ngặt việc ra vào khu chăn nuôi. Áp dụng quy trình, các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học. Chủ động thực hiện các giải pháp chăn nuôi trong vùng dịch để bù đắp sự thiếu hụt về sản lượng giá trị chăn nuôi do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhằm ổn định phát triển chăn nuôi lợn và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong và ngoài tỉnh đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung và an toàn sinh học. Ngoài ra liên kết với các cơ sở chăn nuôi cung cấp con giống, kỹ thuật, phòng bệnh... từ đó bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho người chăn nuôi.

Các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các, huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

780 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h