Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nông nghiệp Yên Bái: Nỗ lực, quyết tâm duy trì đà tăng trưởng

24/01/2020 08:29:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Năm 2019, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Nông thôn có nhiều khởi sắc, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Đây là tiền đề, là động lực để ngành nông nghiệp Yên Bái tiếp tục thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020.

Năm 2019, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và bà con nông dân, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tốt.

Năm 2019 đánh dấu một năm đầy khó khăn của ngành nông nghiệp với sự bùng phát của dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 04/5/2019 tại 2 hộ thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Đến ngày 29/11/2019, dịch bệnh đã phát sinh lại 5.179 hộ; 526 thôn, bản, tổ; 124 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là 27.920 con với tổng trọng lượng là 1.256,922 tấn. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi; xây dựng phương án phát triển sản xuất chăn nuôi lợn tại những vùng đã được khống chế dịch bệnh và các vùng chưa bị dịch bệnh để bù đắp sự thiếu hụt về sản lượng giá trị chăn nuôi do dịch bệnh gây ra…

Không chỉ gặp khó khăn trong chăn nuôi, nông nghiệp Yên Bái còn phải đối mặt với những khó khăn như do danh mục hỗ trợ theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp trong thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị chưa thống nhất khiến cho một số dự án chậm tiến độ; Chính sách hỗ trợ khi tham gia các chuỗi chưa tạo sự hấp dẫn của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; Công tác hỗ trợ chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế gắn với thị trường tiêu thụ chưa tạo được đột phá đặc biệt là đột phá trong thị trường tiêu thụ...

Mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn như vậy nhưng bám sát chương trình hành động số 144-CTr/TU của Tỉnh ủy, kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản tăng trưởng ở mức cao và đề ra các giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực. Kịp thời điều chỉnh kế hoạch, kịch bản một cách linh hoạt, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng lĩnh vực để tập trung thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Do đó, kết thúc năm 2019, tăng trưởng của toàn ngành đạt ở mức cao, theo đúng kịch bản đã xây dựng. Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4.098 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ, đóng góp 21,42% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp ước đạt 57 triệu USD, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như quế, sắn, chè, các sản phẩm từ gỗ… Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng đạt 61 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2018. Giá trị thu hoạch trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 140 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng so với năm 2018…

Các mô hình đề án Tái cơ cấu ngành nông góp phần hình thành rõ hơn các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000ha, vùng ngô 15.000ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450ha với sản lượng kén tằm trên 400 tấn/năm, vùng cây ăn quả gần trên 8.000ha, măng tre Bát Độ trên 4.000ha, quế gần 70.000ha, Sơn tra trên 8.000ha; phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ 100.000ha… Các mô hình sản xuất mới được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả, được nhân dân đón nhận đồng thời, đã thu hút được một số doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả đột phá. Năm 2019, tỉnh Yên Bái có thêm 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 70 xã; huyện Trấn Yên được công nhận huyện nông thôn mới, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên cơ sở đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Trong năm đã công nhận 8 sản phẩm OCOP, đạt 160% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã thực hiện được 29 dự án liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với vùng nguyên liệu.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm dần đi vào thực chất và hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất thông qua công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ. Trong năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng cho 18/22 dự án chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý nông sản cho sản phẩm bưởi Đại Minh và gạo nếp Tú Lệ; hỗ trợ 94.988 tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông sản thực phẩm cho 14 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản…

Năm 2020, ngành nông nghiệp Yên Bái phấn đấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.293 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ; Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,13% trong cơ cấu tổng sản phẩm GRDP của tỉnh; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phấn đấu đạt 7.546 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ. Đồng chí Trần Thế Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Năm 2020, ngành tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, đặc biệt chú trọng đến đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản. Tiếp tục chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; phòng chống dịch bệnh một cách chủ động, hiệu quả. Trong sản xuất lâm nghiệp, ngành sẽ chú trọng phát triển tốt khâu giống và trồng rừng gỗ lớn để phát triển canh tác rừng bền vững; tiếp tục xây dựng đề án hỗ trợ phát triển cây gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn tiếp theo. Về thủy sản, phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch và đảm bảo yếu tố về bảo vệ môi trường nước ở các vùng nuôi tập trung. Trong năm 2020, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo để duy trì và phát triển nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới và tổ chức chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho khoảng 50 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn…”

898 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h