Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

29/01/2020 08:36:53 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, công tác phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề chất lượng cao đối với nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại tỉnh.

Ảnh minh họa

Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dạy nghề tỉnh Yên Bái đến năm 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái đến năm 2020, ban hành một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở để định hướng hoạt động đào tạo lao động có tay nghề theo nhu cầu của nền kinh tế.

Tỉnh Yên Bái đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để đối ứng với nguồn vốn đầu tư của Trung ương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2018, tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến nay mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, sắp xếp lại nhằm thống nhất về đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 04 trường cao đẳng; 03 trường trung cấp; 06 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện (trong đó có 11 cơ sở công lập, 2 cơ sở ngoài công lập), trong đó đã xây dựng được 01 trường (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái) được dầu tư trở thành trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020 (theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư 17 nghề trọng điểm đạt cấp quốc tế, Asean và quốc gia (Quyết định số 1836/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/11/2017).

Trường Cao đẳng nghề Yên Bái

Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên thông qua đổi mới về chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học cho người học. Chủ động tiếp cận tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu xã hội nhằm gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên trong quá trình học tập được các trường quan tâm bố trí thời gian tham gia thực tập, trải nghiệm ngay tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trực tiếp làm việc, tiếp cận với thiết bị, kỹ thuật mới của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên học nghề, qua đó đã thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề, góp phần phân luồng học sinh sau THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách thu hút giáo viên, giảng viên dạy nghề có trình độ cao về công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với ưu đãi trong chính sách thu hút và tuyển dụng (Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 22/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh). Đồng thời, các trường đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, giảng viên tự học tập nâng cao trình độ (ngoài ngân sách nhà nước) như học tiến sỹ, thạc sỹ, bồi dưỡng đạt chuẩn tin học IC3, bồi dưỡng tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, bồi dưỡng đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các hội nghị với doanh nghiệp, chỉ đạo các trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để liên kết đào tạo lao động, đồng thời yêu cầu các trường nắm bắt thông tin nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để đào tạo và cung ứng lao động, cũng như gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo ngoại ngữ cho lao động tham gia xuất khẩu lao động sau khi được đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cập nhật thường xuyên thông tin thị trường lao động, tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền dạy nghề. Đến nay, Sở đã cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 03 doanh nghiệp, trong đó có 02 doanh nghiệp may có vốn đầu tư của Hàn Quốc (Công ty TNHH UNICO GLOBAL Yên Bái và Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF) để đào tạo lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp, phân công cán bộ, bộ phận chuyên môn làm đầu mối gắn kết với doanh nghiệp. Hiện nay, có 06/13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hàng năm. Năm 2018, 2019, một số trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Chuyên trang tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan truyền thông (trong và ngoài tỉnh) tổ chức tuyên truyền về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao trách nhiệm phối hợp thực hiện của các cấp, ngành, đơn vị, giúp người lao động hiểu được các chủ trương chính sách dạy nghề, nắm bắt được thông tin về học nghề, việc làm từ đó có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp; tạo thuận lợi trong quá trình tuyển sinh học nghề, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chính sách và tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo hợp lý về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ cấu vùng miền gắn với thức hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ cho các trường dạy nghề; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp người lao động đối với công tác đào tạo nhân lực, đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nhân lực vào Nghị quyết Đại hội Đảng và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nhất là trong các lĩnh vực đang thiếu nhân lực; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề, thực hiện hiệu quả việc phân luồng sau THCS và THPT, chuyển dịch cơ cấu đào tạo trong các trường chuyên nghiệp theo hướng phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển nhân lực đã phê duyệt; xây dựng chính sách của Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến đào tạo và tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh vào làm việc, hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đào tạo lại lao động.

Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề cho lao động đi xuất khẩu; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở  lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và yêu cầu tạo việc làm sau đào tạo.

Tăng cường thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm; khảo sát nắm bắt thông tin kịp thời về nhu cầu việc làm, nhu cầu chuyển đổi nghề, học nghề của người lao động; khảo sát cung-cầu lao động và xác định nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cập nhật kịp thời thông tin thị trường lao động và dự báo về thị trường lao động nhằm hỗ trợ việc tuyển dụng lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm.

1013 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h