Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

18/03/2020 14:45:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Điểm cầu Yên Bái

Dự Hội nghị, tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và đại diện các hội, hiệp hội, hợp tác xã tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay Chính phủ tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đi liền với đó, chúng ta cũng thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác. Vì vậy hội nghị này được tổ chức nhằm thảo luận về công tác bảo đảm an ninh lương thực, một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.

Đánh giá cao nỗ lực giữ diện tích trồng lúa của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng đặt vấn đề “sắp tới, giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới”. Đây cũng là bài toán cần thảo luận. Bên cạnh đó là những vấn đề như hạ tầng nào chúng ta cần tiếp tục đầu tư trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến bảo quản làm sao khi mà thất thoát sau thu hoạch còn lớn, hiệu quả xuất khẩu như thế nào. Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Các ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị về an ninh lương thực thời gian tới và trình Quốc hội một dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

Sau 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được nâng lên. Giai đoạn 2009-2019, sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.

Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành hàng lúa gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, năm 2019, diện tích đất lúa cả nước trên 4 triệu ha, với năng suất đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường đa dạng, chuẩn loại chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Hiện cả nước có gần 600 nghìn ha cánh đồng lớn, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 89,2%; phát triển gần 1.500 mô hình mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với 2.400 sản phẩm và 3.300 địa điểm bán sản phẩm kiểm soát theo chuỗi, góp phần tạo thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần so với trước khi thực hiện Đề án.

Tại tỉnh Yên Bái, sau 10 năm thực hiện đề án, nhận thức của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực và đặc biệt là quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét. Các chủ trương, chính sách phù hợp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có vai trò thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức sản xuất, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn. An ninh lương thực của tỉnh luôn được đảm bảo trong mọi tình huống, đặc biệt là trong tình huống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đảm bảo có sự phát triển hài hòa giữa các vùng, khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh giảm dần. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp duy trì từ 4,5-5%, giá trị toàn ngành năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.876,6 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 75,3% xuống 67,3%; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 23% lên 31,5%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp tăng từ 20,7% lên 23,2%; tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 3,6% lên 3,9%.

Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đánh giá những khó khăn, thách thức, dự báo nhu cầu lương thực trong thời gian tới, từ đó đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng được nêu ra, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất; cùng với đó là các cơ chế chính sách liên quan.

 

 

 

1107 lượt xem
Thu Nga

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h