Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Chính trị

Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ hiện nay

18/04/2018 17:44:16 Xem cỡ chữ Google
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "cán bộ là gốc của mọi công việc”; "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Mỗi khâu có vai trò quan trọng khác nhau, trong đó, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ảnh minh họa - Nguồn: dantri.com.vn

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002, của Bộ Chính trị khóa IX về "Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, về "Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02-02-2009 (khóa X) về "Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-01-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05-6-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Để thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị các khóa về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 02-4-2002, Hướng dẫn số 47-HD/BTCTW ngày 24-5-2005, Hướng dẫn số 50-HD/BTCTW ngày 06-7-2005, Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008, Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012, về "Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và gần đây nhất là Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW, ngày 24-02-2017, về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý.

Mục tiêu của công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ

Quy hoạch là nền tảng của công tác cán bộ, luân chuyển là khâu đột phá của công tác cán bộ. Chính vì vậy, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ cần bảo đảm các mục tiêu và các yêu cầu nhằm bảo đảm nguồn cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực cho giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo.

Công tác quy hoạch cán bộ nhằm hướng đến các mục tiêu cơ bản:

Thứ nhất, tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị.

Thứ hai, chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ dồi dào làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực chuyên môn và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu của công tác luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, thử thách và khảo nghiệm cán bộ để làm căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch; tạo điều kiện cho cán bộ khi hết hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo, quản lý được chuyển sang một công tác mới phù hợp với năng lực và sở trường của cán bộ; khắc phục tư duy khép kín, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ hiện nay, tạo động lực và nguồn sáng tạo mới trong đội ngũ cán bộ, góp phần chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho lâu dài, bảo đảm cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công tác luân chuyển cán bộ thông qua thực tiễn làm cho cán bộ "hiểu thấu” tình hình, thấy được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã phù hợp với thực tế hay chưa, cần bổ sung, uốn nắn khâu nào, việc gì. Việc luân chuyển cán bộ sẽ góp phần khắc phục tình trạng cán bộ cấp trên "Chỉ biết trông từ trên xuống”, còn cán bộ ở địa phương "chỉ biết trông từ dưới lên”. Cả hai cách "trông ấy”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đều có hạn chế. Việc luân chuyển cán bộ là để kết hợp kinh nghiệm cả hai bên, trên, dưới cùng thấu hiểu tình hình, cùng hợp trí, hợp lực đề ra chủ trương, biện pháp, thống nhất hành động đẩy phong trào lên.

Những yêu cầu đặt ra đối với công tác quy hoạch

Thứ nhất, công tác quy hoạch cán bộ cần phải bảo đảm tính "mở” và "động”, mở rộng dân chủ và công khai, không khép kín. Quy hoạch "mở” là một chức danh có thể quy hoạch một số người và một người có thể được quy hoạch vào một số chức danh; giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị và bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện, triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác. Quy hoạch "động” là quy hoạch được rà soát thường xuyên, hằng năm có sự bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đưa vào quy hoạch những nhân tố mới và đưa ra khỏi quy hoạch những người không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Quy hoạch cán bộ cần được tiến hành đồng bộ ở cả bốn cấp từ Trung ương đến cơ sở. Quy hoạch cấp dưới làm căn cứ cho quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp trên thúc đẩy và tạo điều kiện cho quy hoạch cấp dưới. Quy hoạch cần có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác...

Thứ hai, quy hoạch cần gắn kết với đánh giá cán bộ và phải xác định đây là tiêu chí quan trọng đặc biệt. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực thực tiễn thể hiện qua kết quả công tác; chủ động, sáng tạo; mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực điều hành, tổ chức thực hiện; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị công tác. Đồng thời, phải thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ hằng năm.

Thứ ba, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ; phải gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển nhằm bảo đảm quy hoạch có điều kiện cần và đủ để được thực hiện.

Thứ tư, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng số cán bộ đó theo quy hoạch.

Thứ năm, để quy hoạch cán bộ sát thực tiễn, có tính khả thi, tránh cục bộ dòng họ, dân tộc, vùng, miền, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, từng lĩnh vực công tác của người cán bộ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong quy hoạch; nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài.

Thứ sáu, quy hoạch cần bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Cơ cấu cán bộ trong quy hoạch cần cân đối giữa các nhóm tuổi để tạo nguồn cán bộ kế cận cho nhiều giai đoạn. Việc quan tâm trong phát hiện, đào tạo, quy hoạch,… cho tới bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phải được các cấp ủy, tố chức đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên quan tâm.

Những yêu cầu đặt ra đối với công tác luân chuyển cán bộ

Luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị. Để công tác luân chuyển cán bộ đạt kết quả, mục tiêu đề ra trong quá trình thực hiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:

Thứ nhất, luân chuyển cán bộ cần phải gắn với quy hoạch cán bộ. Luân chuyển như một giải pháp, một cách thức để đào tạo, rèn luyện, phát triển cán bộ được quy hoạch, tạo điều kiện để nâng cao trình độ, khả năng cho cán bộ thuộc diện quy hoạch đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đối với vị trí, chức danh quy hoạch. Nói cách khác, luân chuyển cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và căn cứ quy hoạch để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ.

Thứ hai, việc luân chuyển cán bộ cần tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, tạo điều kiện cho cán bộ thích ứng với thực tiễn, phát huy được năng lực sở trường và bổ khuyết những kiến thức, kỹ năng mới. Nếu việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển không hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ được luân chuyển và nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển về.

Thứ ba, thực hiện luân chuyển "mở” và luân chuyển "động”. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước cần được chú ý để bảo đảm tạo môi trường phù hợp nhất cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện.

Thứ tư, quá trình tiến hành luân chuyển cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, mở rộng dân chủ và có bước đi thích hợp. Sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển từ phía các cơ quan, nhất là từ nơi đi, nơi đến cần được đặc biệt chú ý. Trong thời gian cán bộ luân chuyển về địa phương, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đồng thời có những tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ sau khi thực hiện luân chuyển; định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, từng bước đưa việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý trở thành thường xuyên, nền nếp, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác cán bộ. Luân chuyển cán bộ là phải bảo đảm đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ địa phương và cán bộ ở các đơn vị được luân chuyển về.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ

Để công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu tạo nguồn, rèn luyện đội ngũ cán bộ, trong giai đoạn tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. "Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Luân chuyển cán bộ là để học tập, rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng, kinh nghiệm công tác của cán bộ.

Thứ hai, tạo nguồn quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Để có nguồn quy hoạch cán bộ, cần thực hiện quy hoạch "mở” và "động”, cần có quy hoạch ngang, quy hoạch dọc, không chỉ khép kín trong mỗi cơ quan, mỗi địa phương. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần mạnh dạn giao các việc khó, việc mới cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, tạo môi trường rèn luyện, nâng cao năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho cán bộ.

Quy hoạch cán bộ, công chức cần tuân thủ quy định có đưa vào quy hoạch và có đưa ra khỏi quy hoạch. Do vậy, đòi hỏi cán bộ phải nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, bền bỉ, kiên trì phấn đấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, hoàn thiện quy trình quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ cần phải được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy định. Luôn đề cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong quá trình bỏ phiếu quy hoạch để khắc phục tính hình thức, dễ dãi; việc lựa chọn cán bộ vào diện quy hoạch thực sự khoa học, chọn những cán bộ xứng đáng nhất, có uy tín và sức quy tụ cao, phù hợp với vị trí quy hoạch. Kết quả quy hoạch được công khai trong cơ quan, đơn vị để cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị theo dõi, giám sát và đánh giá đúng về cán bộ thuộc diện được quy hoạch.

Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đặc biệt trong công tác đánh giá cán bộ. Làm tốt công tác đánh giá cán bộ chính là tạo cơ sở tốt để thực hiện quy hoạch, luân chuyển, sử dụng cán bộ. Công việc này cần có những tiêu chí cụ thể, cần được tiến hành dân chủ, công khai. Việc luân chuyển cán bộ cũng cần được thực hiện các khâu chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan ở cả nơi đi và nơi đến. Cán bộ luân chuyển cần được bố trí công việc phù hợp để phát huy tốt nhất năng lực, kinh nghiệm công tác.

Ngày 22-3-2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về việc sửa đổi một số nội dung về phân cấp trong công tác phê duyệt quy hoạch cán bộ. Theo đó, đẩy mạnh việc phân cấp thực hiện và phê duyệt quy hoạch cho cấp ủy địa phương nhằm nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc quản lý và sử dụng cán bộ.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về quy hoạch, luân chuyển cán bộ; kiên quyết xử lý kịp thời các sai phạm trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(Theo Tạp Chí cộng sản)

1430 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h