Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích đền và chùa Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái

12/06/2019 13:25:49 Xem cỡ chữ Google
Ngày 17/2/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 238/QĐ-UBND, công nhận đền và chùa Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lễ đón nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền và Chùa Văn Phú, xã Văn Phú

1. Tên Di tích: Di tích lịch sử đền và chùa Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích: Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 17/2/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, công nhận đền và chùa Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Di tích đền và chùa Văn Phú thuộc thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 1774,7m2, cách Ủy ban nhân dân xã Văn Phú khoảng 2 km, cách trung tâm thành phố Yên Bái 8 km. Để đến di tích, du khách đi theo đường bộ khá thuận lợi. Từ thành phố Yên Bái theo đường Điện Biên, du khách đến km 4, rẽ phải đi theo đường xuống cầu Văn Phú khoảng 6 km, đến xã Văn Phú là đến di tích. 

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

- Sự hình thành đền Văn Phú:

Vào đầu thế kỉ XIX, Văn Phú là vùng đất đồi núi hoang sơ, chưa có người sinh sống. Khi đó, có một số người dân ở xã Áo Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đi buôn bằng đường thuyền qua đây. Khi dừng lại nghỉ chân, thấy vùng đất chưa có người ở nên họ về quê rủ một số gia đình như gia đình ông Nguyễn Kim Lạng, gia đình ông Trần Văn Viễn, gia đình ông Nguyễn Đình Ích và gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn lên khai hoang đất đai, lập làng sinh sống.

Do đây là vùng đất hoang, toàn đồi núi, chưa có người khai phá nên các ông là những người đầu tiên khai phá đất đai, lập làng, lập bản và đặt tên cho vùng đất là Văn Phú. Từ khi được khai hoang, vùng đất đã mọc lên các bản, làng và xuất hiện nhiều dân cư sinh sống. Từ đó, các dân tộc trong vùng sống đoàn kết, gắn bó với nhau, xây dựng bản làng trù phú, cuộc sống yên lành.

Trong cuộc sống sinh hoạt và trong lao động sản xuất, vùng đất Văn Phú có những bản sắc văn hóa riêng biệt, phong tục, tập quán khác nhau. Việc thờ thần thánh hay tín ngưỡng thờ Mẫu (theo lịch sử lâu đời của người Việt) đều hướng tới ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, cầu mong mang lại cho họ sức mạnh và niềm tin vào cuộc sống. Đối với tộc người Việt, tín ngưỡng thờ thần thánh đặc biệt là thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian bản địa được hình thành từ nhu cầu trong đời sống văn hóa - tâm linh của người dân trong vùng nói riêng và của tộc người Việt nói chung.

Hàng năm, gia đình các ông Nguyễn Kim Lạng, Nguyễn Đình Ích, Trần Văn Viễn thường về quê ở xã Áo Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ để đi lễ. Là cư dân nông nghiệp, cuộc sống còn khó khăn, giao thông đi lại vất vả nên họ không có điều kiện đi lễ thường xuyên. Do đó, các ông đã về quê xin chân nhang lên thờ, đồng thời lập nên đền Văn Phú (tên đền gắn với tên vùng đất).

Kiến trúc xưa của di tích đền Văn Phú, xã Văn Phú: Di tích đền Văn Phú tọa lạc tại thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái. Đền quay hướng Tây Nam, cột gỗ bốn hàng chân, mái lợp cọ, xung quanh tường trát đất, diện tích khoảng 25 m2 - 30 m2. Gian hậu cung có ngai và ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải. Gian đại bái có các ban Công đồng, Ban Sơn trang, Ban Trần triều, Ban Ngũ hổ.

Hiện trạng di tích đền Văn Phú: Đền Văn Phú được xây dựng từ thế kỉ XIX. Từ đó đến nay, di tích đền Văn Phú, xã Văn Phú không thay đổi gì nhiều về kiến trúc. Đền có quy mô nhà gỗ bốn hàng chân, mái lợp cọ, lịa ván xung quanh. Gian hậu cung có ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu, ở giữa gian Đại bái có ban thờ Công đồng, bên trái Đại bái là ban Sơn trang, bên phải Đại bái là ban Thánh Trần.

Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích đền Văn Phú: Theo các cụ già trong xã cho biết, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chiến dịch xóa nạn mù chữ, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1945 - khóa huấn luyện giáo viên bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, các lớp bình dân được mở ở khắp nơi, từ trong nhà dân đến các đình, chùa, miếu... Tại đền Văn Phú đã diễn ra các lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ cho nhiều người dân. Với khẩu hiệu "Mỗi lớp học bình dân là một lớp tuyên truyền kháng chiến”, các lớp bình dân học vụ được mở ra tại đền Văn Phú đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi tham gia học tập.

- Sự hình thành di tích chùa Văn Phú:

Nằm trong quần thể di tích đền Văn Phú, chùa Văn Phú là ngôi chùa cổ, có từ lâu đời. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, xưa kia chùa Văn Phú có tên là chùa Cây Thông (do xung quanh chùa trồng nhiều cây thông), tọa lạc tại thôn Văn Liên, xã Văn Phú, huyện Trấn Yên (nay là xã Văn Phú, thành phố Yên Bái). Kiến trúc theo kiểu nhà gỗ ba gian, mái lợp cọ, xung quanh tường được lịa bằng gỗ.

Năm 1971 - 1973, chùa Cây Thông được chuyển lên thôn Tuy Lộc (cách nền đất cũ khoảng 500 mét) để lấy đất xây dựng trường học và được đổi tên là chùa Văn Phú cho đến ngày nay. Khi chuyển lên thôn Tuy Lộc, chùa Văn Phú đã đặt nhờ các tượng thờ ở phía trước đền Văn Phú. Năm 2012, chùa Văn Phú được xây dựng tại thôn Tuy Lộc (nằm bên cạnh đền Văn Phú) với kiến trúc nhà cấp 4, rộng ba gian, mái lợp ngói. Bên trong không có tượng thờ, chỉ có tranh thờ được đặt trong khung kính.

6. Các nhân vật được thờ tự tại di tích đền Văn Phú:

Theo các cụ già trong làng cho biết, đền Văn Phú thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần. Đây là những vị thần, thánh đã có công giúp dân khai phá đất đai, lập làng bản, trồng lúa nước, đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

- Mẫu Thượng Ngàn: Là công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh và công chúa Mị Nương. Khi còn trẻ, La Bình là cô gái đức hạnh, tài sắc vẹn toàn, cô thường được cha cho đi khắp mọi nơi từ miền núi non, hang động đến miền trung du. Khi Sơn Tinh và công chúa Mị Nương theo lệnh Ngọc Hoàng Thượng để về trời trở thành hai vị thánh bất tử thì La Bình được phong là Bà Chúa Thượng Ngàn (Thượng Ngàn công chúa), thay cha trông coi 81 cửa rừng. Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở lại miền trung du và núi non hùng vĩ. Bà thường hiển linh dạy dân trồng trọt, làm nương rãy, đi rừng..., được nhân dân suy tôn là Chúa Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn. Bà Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân của Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi. Mẫu gắn bó với cỏ cây, chim thú, đặc biệt là các dân tộc thiểu số vùng miền núi. Mẫu Thượng Ngàn có nguồn gốc Sơn thần, là người gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, thường giúp đỡ, dạy bảo người dân mang lại cuộc sống ấm no, yên vui cho dân lành.

- Mẫu Thượng Thiên: Vốn là Thiên cung tiên nữ, con gái Ngọc Hoàng, được dân gian sùng bái gọi là Cửu Thiên Huyền nữ. Người xuống trần gian hóa thân thành một bà lão, dạy dân chặt cây làm nhà ở, làm thuyền đi trên sông nước, là "Bà mẹ trên trời", làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của dân gian về Tứ Pháp gồm có: Pháp vân, Pháp vũ, Pháp điện, Pháp lôi - bốn vị nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp liên quan đến văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thần tích về Mẫu Thượng Thiên có liên quan đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ cao nhất và được thờ cúng nhiều nhất trong Đạo Mẫu ở nước ta.

- Mẫu Thoải: Là vị thần trị vì vùng sông nước, có xuất thân từ dòng dõi Long vương, liên quan trực tiếp đến thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước. Theo truyền thuyết, sau khi "50 người con theo cha lên núi", một trong số những người con của Lạc Long Quân là vua Hùng thứ nhất bắt đầu lên ngôi trị vì thiên hạ. Mẹ Âu Cơ khi đưa "50 người con xuống biển", trong số đó có ba người con gái được chọn để cai quản việc sông nước như chế tạo thuyền bè, đan lưới đánh bắt cá, trông coi các luồng lạch và chế ngự các vị thần mưa, thần gió. Các Mẫu còn có phép thần thông biến hóa, xua đuổi và diệt trừ yêu ma, thủy quái. Các Mẫu đặt đại bản doanh ở sông Nguyện Đức (còn gọi là sông Cầu hay sông Thị Cầu, nằm trong hệ thống sông Thái Bình), chia nhau mỗi người một phần công việc. Mẫu thứ nhất có tên hiệu là Thủy Tinh Đông Đình Ngọc Nữ Công Chúa. Mẫu thứ hai có tên hiệu là Hoàng Ba Đoan Khiết Phu Nhân còn Mẫu thứ ba có tên hiệu là Tam Giang Công Chúa.

- Đức Thánh Trần: Theo thần tích, ông tên thật là Trần Quốc Tuấn hay còn gọi là Hưng Đạo Vương - một danh tướng kiệt xuất của dân tộc. Trần Quốc Tuấn là con trai thứ của An Sinh Vương Trần Liêu. Ông sinh năm Bính Tuất (1228) tại Phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Trần Quốc Tuấn là người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, ngay từ thuở nhỏ, ông đã là người thông kim bác cổ, văn võ song toàn.

Năm Đinh Tỵ (1257), để chuẩn bị chống lại quân xâm lược Mông - Nguyên, ông được giữ quyền "tiết chế". Sách Đại Việt sử kí toàn thư đã viết: "Tháng 9 năm 1257, Trần Thái Tông xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới phía Bắc, theo sự tiết chế của Trần Quốc Tuấn". Năm 1283, sau khi dẹp được quân Mông - Nguyên lần đầu (1258), để chuẩn bị kháng chiến lần hai (1285), Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội nhà Trần trực tiếp tham gia chiến đấu.

Năm 1284, khi duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (nay là Hàng Than, Hà Nội), ông đọc bài Hịch tướng sĩ - một áng văn chính luận nổi tiếng, xuất sắc nhất thời trung đại.

Năm 1285, quân Nguyên lại tiến công vào phía Bắc và vùng Thanh Hóa - Nghệ An. Để bảo toàn lực lượng và thực hiện kế "thanh dã" (vườn không nhà trống), ông ra lệnh rút quân. Sau đó, ông vạch kế hoạch tổng phản công, chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp, Tây Kết.., Trần Quốc Tuấn đã đánh tan đội quân Nguyên, giải phóng đất nước.

Năm 1287, khi quân Nguyên kéo quân sang xâm lược lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn đã bố trí lực lượng, mai phục ở cửa sông Bạch Đằng và ông trực tiếp chỉ huy chiến trận, tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi.

Năm 1289, sau ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên, Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng Đạo Đại Vương, sau đó ông lui về ở Vạn Kiếp, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, an dưỡng tuổi già.

Năm 1300, ông lâm bệnh rồi qua đời. Nghe tin Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Vương mất, triều đình nhà Trần phong tặng ông là "Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi trên đất nước (trong đó có các đền ở tỉnh Yên Bái). Hiện nay, đền thờ Trần Quốc Tuấn nổi tiếng nhất là đền Kiếp Bạc, ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi ông lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên

- Nhân vật được thờ ở chùa Văn Phú:

Chùa Văn Phú, xã Văn Phú là ngôi chùa cổ, chưa có tượng thờ (hiện chỉ có tranh thờ); chùa thờ Phật tam thế, Đức Chúa ông và Đức Thánh hiền.

- Phật tam thế: Gồm ba tranh thờ giống hệt nhau, đại diện cho Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai được xếp thành một dãy ở chính giữa gian thờ. Bộ tranh thờ này liên quan đến lực lượng tự nhiên, thể hiện khát vọng cầu mưa, cầu mùa màng,... của tộc người Việt.

- Đức Chúa ông: hay còn gọi là Ban Đức ông, là Trưởng Giả cấp cô độc. Ông thường xuyên giúp đỡ người nghèo, cứu người khổ, chia sẻ với những ai thiếu thốn.

- Đức Thánh hiền: Theo cách gọi dân gian, đây là A Nan Đà (dịch nghĩa là hoan hỉ), là anh họ của Đức Thích ca Mâu Ni, là người có công kết tập kinh điển của Phật.

7. Các hiện vật trong di tích: Hiện nay, di tích đền Văn Phú còn các hiện vật sau: Một lư hương cổ bằng đồng, một lư hương bằng sành sứ, ngựa gỗ, hai ngai thờ.

8. Phong tục lễ hội:

- Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đền Văn Phú:

Xuân thu nhị kì, tại đền Văn Phú diễn ra nhiều lễ hội, trong đó, có một số lễ hội chính:

- Mở cửa đền - Ngày mùng 9 tháng Giêng: Hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng, tại đền Văn Phú diễn ra lễ mở cửa đền, khởi đầu cho một năm mới. Trước đó, người dân trong làng đã chuẩn bị các lễ vật như thịt gà, xôi nếp, hoa, quả, bánh, kẹo, rượu... để mang ra đền, dâng cúng các vị thần thánh và cầu mong một năm mới mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Sau lễ mở cửa đền, tất cả người dân trong làng mới ra đồng cày cấy, trồng hoa màu hay lên rừng lấy củi, làm nương rẫy.

- Lễ giỗ Mẫu (ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch): Từ xa xưa, đạo Mẫu đã lấy Mẹ là hình tượng và đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội; luôn lấy nghề nông làm nền tảng chính. Do đó, dân gian Việt Nam có câu “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” là nói đến lễ giỗ Mẫu. Hàng năm, đến ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, người dân thôn Tuy Lộc lại nhộn nhịp chuẩn bị các lễ mang ra đền Văn Phú dâng cúng Mẫu, tưởng nhớ đến công lao của người đã có công sinh thành, người đã giúp dân khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, dạy dân cách trồng trọt, săn bắt... Sau nghi lễ cúng tế, đền Văn Phú tổ chức hầu bóng, hát chầu văn, diễn xướng..  Đây là các nghi lễ không thể thiếu trong ngày giỗ Mẫu.

- Lễ vào hè (ngày mùng 1 tháng 4) và Lễ ra hè (ngày mùng 1 tháng 7): Hàng năm, vào ngày mùng 1 tháng 4 và ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, người dân thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú tổ chức lễ vào hè và lễ ra hè hay còn gọi là Lễ Yên Kỳ để cầu cho ba tháng mùa hè và chín tháng mùa đông được an lành, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Vật lễ gồm thịt gà, xôi nếp, hoa quả, bánh kẹo và cháo trắng (chỉ cúng cháo trong lễ vào hè). Cúng cháo trắng tượng trưng cho sự mát mẻ, tức là sự "hợp" giữa Thiên - Địa - Nhân và sinh loài trong sinh hoạt cộng đồng.

- Lễ giỗ Cha - Ngày 20 tháng 8: Đạo Mẫu lấy Mẹ là hình tượng, nhưng bên cạnh Mẹ có Cha. Nếu tháng ba, đền Văn Phú làm lễ giỗ Mẫu thì tháng tám vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Cha - Hưng Đạo Vương - Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần là người Vạn Kiếp, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Sau khi mất, ông được vua Trần phong tặng "Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi trong đó có đền Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái. Hiện nay, phong tục thờ Đức Thánh Trần tại đền Văn Phú đã và đang được bảo tồn, gìn giữ trong đời sống tâm linh của mọi người dân. Trong ngày lễ này, người dân Tuy Lộc lại tổ chức các hoạt động trên sông Hồng nhằm tái diễn lại trận thắng thủy chiến, oai hùng của Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288.

- Lễ Tất niên, đóng cửa rừng - Ngày 25 tháng Chạp: Đây là lễ kết thúc một năm cũ, chuẩn bị đón năm mới, kể từ ngày này không ai được lên rừng chặt củi hay làm nương rẫy. Đến tháng Giêng, sau lễ mở cửa đền mọi người mới được lên rừng. 

 - Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại chùa Văn Phú:

 Hàng năm, tại chùa Văn Phú diễn ra các kì lễ chính như Lễ Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), Lễ Phật Đản (ngày mùng 8 tháng 4), Lễ xá tội vong nhân - Vu Lan (ngày 15 tháng 7) và Lễ Cầu an - Tất niên.

- Lễ Thượng Nguyên (ngày rằm tháng Giêng): Đây được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất của một năm mới. Rằm tháng Giêng còn được gọi là "Hội hoa đăng" hay "Lễ hội đèn hoa". Vào ngày lễ này, người dân trong vùng lại nô nức chuẩn bị mâm lễ, gồm oản, bánh mật, hoa quả và hương đèn, nến đi chùa lễ Phật, cầu bình an, tài lộc và sức khỏe. Nếu là Phật tử thì ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh để cầu bình an. Hội hoa đăng hay lễ hội đèn hoa là lễ hội được trang trí bằng những đèn hoa, nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam. Đặc biệt lễ hội đầu năm mới, đốt đèn cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất. Đây là lễ hội vừa mang tính thẩm mĩ, giàu truyền thống, vừa mang lại giá trị tâm linh cho một năm mới tốt đẹp.

- Lễ Phật Đản (ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch): Đây là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm, thu hút nhiều khách thập phương đến tham dự. Vào ngày lễ, Phật tử đến chùa dâng hoa, lễ Phật và làm việc từ thiện như tặng quà cho người cao tuổi, người khuyết tật, cơ nhỡ... nhằm chia sẻ niềm vui, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Cùng ngày, tại chùa Văn Phú còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú như rước kiệu, văn hóa - văn nghệ chào mừng sự ra đời của Đức Phật.

- Lễ xá tội vong nhân (Ngày 15 tháng 7): Theo tín ngưỡng dân gian, ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế. Vì vậy, mọi nhà đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối... để siêu sinh cho những linh hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa. Do đó, lễ xá tội vong nhân đề cao sự ban phúc cho các cô hồn chưa được siêu thoát. Được tổ chức cùng ngày với lễ xá tội vong nhân là lễ Vu Lan hay còn gọi là tết Trung Nguyên -  đây là ngày lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Lễ Vu Lan mang ý nghĩa báo ân, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên và thể hiện đạo lí "Uống nước nhớ nguồn" đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.

- Lễ Cầu an - Tất niên: Kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với nhiều may mắn và tài lộc, hàng năm tại chùa Văn Phú tổ chức lễ cầu an và làm tất niên cho năm cũ. Vào ngày này, đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương mang hương hoa, xôi, oản, bánh kẹo... dâng lên kính Phật và cầu mong tài lộc, sức khỏe cho năm mới. Tại Lễ cầu an, nhà chùa còn tổ chức lễ cầu siêu cuối năm cho các linh hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

5169 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h