Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Văn Yên ngăn chặn kịp thời xâm canh đất rừng

28/12/2017 14:14:37 Xem cỡ chữ Google
Với trên 49.000 ha rừng tự nhiên, huyện Văn Yên là một trong những huyện có diện tích và tài nguyên rừng lớn nhất tỉnh. Năm 2017, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng huyện đã tăng cường quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là tình trạng xâm lấn đất rừng trái phép.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Năm 2017, các ngành chức năng huyện Văn Yên đã kịp thời phát hiện và xử lý 116 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu 19,463 m3 gỗ các loại và 8 kg rắn, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 300 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện không có điểm nóng về phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, do diện tích rừng tự nhiên lớn chủ yếu thuộc các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu sống nhờ vào rừng, trong khi đất sản xuất ít, do vậy việc xâm lấn đất rừng, nhất là rừng tự nhiên sản xuất, rừng phòng hộ nghèo kiệt gần khu dân cư vẫn diễn ra.

Việc xâm lấn này cũng hết sức tinh vi như vén nương chỉ với diện tích vài chục đến vài trăm mét vuông, hoặc các hộ dân mang cây quế vào trồng xen trong rừng, khi cây quế lớn thì dọn tỉa cây tự nhiên để cây quế phát triển thành rừng.

Trước tình trạng trên, huyện Văn Yên đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, giúp cho họ nhận thức được tác hại của phá rừng; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng các kế hoạch kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng thời, các trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai lực lượng tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng phát, phá rừng làm nương rẫy. Những diện tích người dân xâm lấn đất lâm nghiệp để trồng cây, khi bị phát hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết nhổ bỏ.

Tính riêng năm 2017, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã kiểm tra xử lý 18,5 ha các hộ xâm lấn vào đất rừng, bằng biện pháp xử phạt hành chính và các hộ phải tự nhổ; 19,3 ha cây quế từ 3 - 5 năm tuổi được trồng lấn vào rừng tự nhiên, các xã đã tổ chức lực lượng cưỡng chế nhỏ bỏ để trả lại đất rừng và rừng tái sinh tự nhiên. Việc cưỡng chế nhổ bỏ cây trồng rất khó khăn vì diện tích xen lấn trong các khu vực giáp ranh giữa rừng trồng và rừng tự nhiên sản xuất, kinh phí tổ chức lực lượng thực hiện các xã không bố trí được, nhân dân phản ứng gay gắt nhưng huyện vẫn kiên quyết xử lý.

Theo ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên: "Hiện nhiều diện tích rừng tự nhiên (phòng hộ, sản xuất) nghèo không đủ tiêu chí để giao khoán bảo vệ giao cho UBND xã quản lý, nhưng các xã không quản lý được, dẫn đến thường bị xâm lấn. Vì vậy, tỉnh cần xem xét đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo có cơ chế giao cho nhân dân quản lý theo hình thức cộng đồng dân cư. Khi được giao rừng, nhân dân được trồng các cây lâm nghiệp vào diện tích rừng này và khi đến tuổi thu hoạch, nhân dân được thu hoạch sản phẩm, hưởng tỷ lệ phần trăm theo quy định mô hình lâm nghiệp cộng đồng đã thí điểm trên địa bàn huyện từ năm 2014”.

Nguyên nhân chính của tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng trái phép là do nhân dân ở trong rừng nhưng chưa sống được nhờ rừng. Do đó, để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ tác hại của việc phát phá rừng, xâm lấn đất rừng; rà soát đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho người dân. Đất và rừng có chủ, sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và sản xuất trên mảnh đất được giao.

Ngoài ra, tỉnh và địa phương cần xem xét triển khai Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 "Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”.

Nghị định 75 đã quan tâm đến việc khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ và phát triển sản xuất gắn với xóa đói giảm nghèo với đồng bào dân tộc. Đối tượng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại các xã khó khăn vùng dân tộc miền núi và cộng đồng dân cư thôn có từ 70% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên có tham gia bảo vệ phát triển rừng.

 

1749 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h