Theo quy hoạch tổng
thể phát triển du lịch tỉnh Yên Bái đang được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
trình UBND tỉnh, du lịch Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 có vị trí quan trọng
trong cơ cấu kinh tế địa phương, với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ,
sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; Du
lịch mang bản sắc văn hóa Yên Bái; Phấn đấu đưa Yên Bái trở thành địa bàn trọng
điểm phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ góp phần nâng cao đời
sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch
cơ cấu kinh tế và đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển của địa phương, tạo
động lực để các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Du lịch Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 11% và giai đoạn 2020 - 2025 đạt 8%.
Phát triển sản phẩm
du lịch trọng điểm của Yên Bái là: du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh,
du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, hội chợ) và du lịch nghỉ dưỡng. Tổ chức không
gian du lịch gồm 4 vùng: Vùng du lịch khu vực hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; Vùng
du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận: Vùng du lịch Trấn Yên, Văn Yên và vùng du
lịch miền Tây của tỉnh Yên Bái.
Tại Hội nghị các
ngành có liên quan đã tham gia một số ý
kiến về công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Yên
Bái đến năm 2025 và đề án đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ tỉnh Yên Bái giai
đoạn 2016 - 2020 . Theo đó, các ngành cho rằng quy hoạch chung về du lịch tỉnh
Yên Bái đã được thực hiện từ 2010 vì vậy ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch phải
nghiên cứu điều chỉnh lại các quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện
nay. Các giải pháp đưa ra chưa đầy đủ và mới chỉ tập trung vào các sản phẩm du
lịch nghỉ dưỡng. Đề nghị chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm
linh; Tôn tạo các di tích lịch sử, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các vùng
du lịch nhằm thu hút du khách, chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng phân khúc bình
dân. Khẩn trương chọn biểu trưng cho tỉnh Yên Bái…
Bên cạnh đó các đại
biểu dự hội nghị cũng cho rằng Đề án phát triển du lịch dịch vụ tỉnh Yên Bái
(2016-2025) còn nhiều điểm chưa hoàn thiện như: Chưa thể hiện được tên đơn vị
tư vấn khi tiến hành quy hoạch, chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư
của tỉnh, chưa đủ bản vẽ kèm theo đề án…Thiếu một số trình tự khi tiến hành xây
dựng đề án, nghiên cứu sửa đổi câu từ của quy hoạch, đề án; Thống nhất lại số
liệu, bố cục của đề án, dự toán kinh phí của đề án…Ngoài ra, các đại biểu cũng
nêu ra một số khó khăn trong thẩm định đề án cũng như xác định quy hoạch cụ thể
của các vùng du lịch để phù hợp với các điểm du lịch của các địa phương trong mỗi
vùng du lịch để thuận lợi cho việc bố trí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Quy hoạch phát triển du lịch phải nằm trong tổng thể phát triển quy hoạch của
các ngành và của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị,
đồng chí Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng du lịch là xu
thế phát triển chung, vì vậy việc xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể du lịch
của Yên Bái phải có chất lượng cao và sát với thực tiễn.
Đồng chí yêu cầu Sở
Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của các ngành iên quan để chỉnh sửa
nội dung quy hoạch, thống nhất tên “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh
Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025”. Tập trung nghiên cứu phần định
hướng phát triển các vùng du lịch; Tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế để lập
quy hoạch cho chính xác; Các ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu đề án và có
ý kiến tham gia gửi ngành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để hoàn thiện quy hoạch
trong tháng 8/2016.
Về Đề án đẩy mạnh
phát triển dịch vụ du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, đồng chí đề nghị thống
nhất tên gọi là “Đề án phát triển dịch vụ du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn
2016 - 2020”, bổ sung nhiệm vụ trọng tâm của việc phát triển đề án, bổ sung các
căn cứ pháp lý trong xây dựng đề án, bổ sung các biểu mẫu kèm theo cũng như mục
tiêu phát triển dịch vụ du lịch và dự báo nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên cơ sở tính toán cụ thể, hợp lý và sát với
thực tiễn. Xác định lại các tuyến du lịch, tour du lịch; Bổ sung thêm các liên
kết với các tỉnh trong và ngoài khu vực như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc
Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng…cũng như cách thức triển khai các liên kết.
Về quy hoạch phát triển
khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến yêu cầu Sở Văn hóa -
Thể thao và Du lịch phải đẩy nhanh tiến độ các bước lập quy hoạch, hoàn thành
quy hoạch vào tháng 12/2016 và trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2017. Sở
Tài chính khẩn trương hoàn thành thẩm định kinh phí; Sở Văn hóa - Thể thao và Du
lịch bổ sung quy hoạch phát triển Hồ Thác Bà vào quy hoạch chung của tỉnh..
Tại Hội nghị các đại
biểu cũng cho ý kiến về việc xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật Xòe Thái trình
UNESCO công nhân Di sản văn hóa thế giới phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng
chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu quy
trình phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương trong vùng, xây dựng
các bước triển khai, công văn gửi các tỉnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về đơn vị tư vấn, kế
hoạch bảo tồn và phát triển Xòe Thái trong nhân dân…