Tham gia đoàn công
tác có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng và lãnh đạo các vụ, cục thuộc các
Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài
nguyên và Môi trường; lãnh đạo Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.
Đón tiếp và làm việc
với đoàn công tác có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban,
ngành liên quan, lãnh đạo Thị xã Nghĩa Lộ và lãnh đạo huyện Trạm Tấu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh
Đình Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sạt lở ở kè Suối Thia, Thị
xã Nghĩa Lộ
Trong khuôn khổ
chương trình làm việc tại tỉnh Yên Bái, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh
Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sạt lở ở kè Suối Thia, Thị
xã Nghĩa Lộ và một số địa điểm bị sạt lở đất tại huyện Trạm Tấu. Qua kiểm tra
tình hình thực tế, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với những khó
khăn, mất mát về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra tại 2 địa
phương. Đồng thời yêu cầu hai địa phương chủ động khắc phục các điểm sạt lở,
tránh để lan rộng; tăng cường công tác tuyên tryền, vận động người dân di dời
khỏi vùng nguy hiểm; chủ động khắc phục khó khăn, ổn định chỗ ở và khôi phục sản
xuất.
Ngay sau khi kiểm tra
tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của
Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Yên Bái về công tác phòng, chống bão lũ
và khắc phục hậu quả thiên tai. Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
đã báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tình hình thiệt
hại, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh
Yên Bái. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái
từ đêm 18/8 đến sáng ngày 20/08 đều có mưa vừa, có nơi mưa to. Mực nước các
sông lên nhanh, lũ sông Thao đạt đỉnh cao nhất là 32,88m, trên mức báo động 3
là 0,88m. Trên địa bàn tỉnh có 2 người chết và 1 người bị thương do sạt lở đất
tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu; thiệt hại 2.560 nhà (trong đó có 14 nhà bị sập
đổ hoàn toàn, 2 nhà bị lũ cuốn trôi; 976 nhà bị ngập và 41 nhà bị tốc mái, di dời
khỏi khu vực nguy hiểm ngập lụt 1.385 nhà…); thiệt hại trên 1.252 ha lúa; 74,09
ha ngô; 180 ha hoa mầu; 3,7 ha thủy sản và 39 lồng cá tại hồ thủy điện An
Lương, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn bị thiệt hại hoàn toàn… Hiện nay vấn đề
thiệt hại lớn nhất của tỉnh chủ yếu là về hạ tầng, trong đó có việc sạt lở kè
suối Thia, sạt lở trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; hư hại nhiều công trình hạ
tầng. Ước thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng
210 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh
Đình Dũng cùng đoàn công tác động viên, thăm hỏi người dân bị sập nhà do sạt lở đất tại huyện Trạm Tấu
Trước tình hình thiệt
hại của các địa phương trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công điện
khẩn về việc đối phó với hoàn lưu của cơn bão số 3. Đồng thời tiến hành họp các
thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổ chức
3 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và chỉ đạo
công tác khắc phục hậu quả tại các huyện, thị trong tỉnh. Đồng thời, yêu cầu
các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về
phòng chống bão lũ trên địa bàn. Tăng cường lực lượng theo phương châm “4 tại
chỗ”, nắm chắc tình hình, bố trí lực lượng để đối phó với các tình huống thiên
tai, ngập úng, sạt lở đất, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời tăng cường
tuyên truyền đến người dân các biện pháp khắc phục, cảnh báo người dân tránh xa
những khu vực nguy hiểm, không đi vào những đoạn đường đã bị ngập nước; nghiêm
cấm người dân vớt củi, bắt cá khi có mưa lũ để đảm bảo an toàn. Các địa phương
đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động thông báo cho người dân thực hiện các biện
pháp phòng, chống mưa, lũ, đề phòng sạt lở đất; Chủ động ứng kinh phí để hỗ trợ,
động viên kịp thời cho các gia đình có người chết, có nhà sập và ảnh hưởng nặng
do thiên tai gây ra theo đúng chính sách; Chủ động gia cố tạm thời các công
trình đê điều, thủy lợi để ngăn lũ; Chủ động dọn dẹp, vệ sinh các khu vực ngập
lụt nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước những thiệt hại
nặng nề, tỉnh Yên Bái cũng có một số kiến nghị với đồng chí Phó Thủ tướng Chính
phủ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét
hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để gia cố các công trình bị hư hỏng sau bão và phục hồi
sản xuất như quan tâm đầu tư, xây dựng dự án Đê kè chống ngập sông Hồng khu vực
xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái với mức kinh phí hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng; Hỗ
trợ đầu tư xây dựng các dự án tái định cư để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải với kinh phí khoảng 500 tỷ
đồng; Hỗ trợ sửa chữa lại các đoạn kè Suối Thia bị vỡ tại Thị xã Nghĩa Lộ, huyện
Văn Chấn (khoảng 2,4km) đồng thời xây dựng mới toàn bộ hệ thống kè chống lũ tại
2 địa phương trên để bảo vệ cho gần 2.000 hộ dân và trên 200ha lúa, hoa màu; Hỗ
trợ khắc phục các công trình giao thông hiện nay đang bị ảnh hưởng sạt lở trên
các tuyến quốc lộ 32, 32C, 37, 70, các tuyến đường tỉnh lộ và hệ thống giao
thông nông thôn tại các huyện phía Tây của tỉnh, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên
với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục công trình thủy lợi để phục vụ
sản xuất với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận buổi
làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những khó khăn mất
mát về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra đối với tỉnh Yên Bái nói chung
và huyện Trạm Tấu nói riêng. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của
các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái đã thực hiện nghiêm túc công điện của Chính phủ
và tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại
do mưa lũ gây ra.
Phó Thủ tướng yêu cầu
tỉnh Yên Bái tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết và bố trí lực lượng chủ
động đối phó kịp thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tập trung động
viên, hỗ trợ kịp thời người bị thiệt hại về người và tài sản để nhân dân sớm ổn
định đời sống; cần có phương án lâu dài, bố trí nguồn lực để di dời người dân ở
nơi có nguy cơ sảt lở ra khỏi vùng nguy hiểm; tập trung khắc phục sạt lở để đảm
bảo an toàn giao thông; sữa chữa những công trình đê kè, đập thủy lợi, thủy điện
bị hư hại và cần có phương án cụ thể; tình cần chủ động để hỗ trợ sớm khôi phục
sản xuất cho người dân ở những vùng khó khăn; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường,
xử lý nước sạch, tránh để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ sảy ra.
Về những kiến nghị của
tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp và
xây dựng phương án tổng thể để xem xét đầu tư hỗ trợ đối với tỉnh Yên Bái nói
riêng và các tỉnh trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Nhân dịp này, đoàn
công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do bà Trần Thị Hồng An - Phó
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp ban đầu cho tỉnh
Yên Bái với số tiền trị giá 100 triệu đồng, 70.000 viên khử khuẩn Aquatabs, 20
bình lọc nước và 15 bộ dụng cụ sửa nhà, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng để tỉnh
Yên Bái khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (ảnh trên).