Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Mù Cang Chải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống

28/09/2016 07:20:26 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế; phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc” đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, trong đó có nhiệm vụ thứ 5 về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao (huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải và huyện mới tách ra từ huyện Văn Chấn và các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh).

Trong những năm qua, đồng bào vùng cao Mù Cang Chải được quan tâm hỗ trợ về kiến thức KHKT trong nông nghiệp. Ảnh Báo Yên Bái

Để cụ thể nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII đã đề ra, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải bằng những giải pháp tích cực, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Chính quyền và đoàn thể. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện cụ thể như sau:

Điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và kịp thời công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030; gắn liền với điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, quy hoạch chung thị trấn Mù Cang Chải, quy hoạch trung tâm xã Nậm Khắt, Khao Mang, Púng Luông, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới; điều chỉnh sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp, giai đoạn 2016 - 2020. Bổ sung quy hoạch trồng, chế biến các sản phẩm là thế mạnh của huyện như: Cây Sơn tra, các cây dược liệu; quy hoạch, xây dựng khu liên hợp sản xuất chế biến đa năng tại khu vực Púng Luông, Nậm Khắt. Điều chỉnh bổ sung Đề án Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch chi tiết di dân định cư tại bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giai đoạn 2016-2020; triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn huyện: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; các Dự án nuôi cá nước lạnh trên Đèo Khau Phạ; nuôi cá ruộng, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Khao Mang Thượng...Đề án Rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp ngành học mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; Triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho các đối tượng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nghĩa vụ trở về địa phương; sử dụng, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là người địa phương đại học hệ chính quy loại khá trở lên vào làm việc tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện, giai đoạn 2016-2020”; Đề án tách, lập các trường của Nậm Có, Khao Mang; sáp nhập trường THCS Lê Văn Tám và phân hiệu Púng Luông trường THPT Mù Cang Chải, thành lập trường THCS và THPT tại Ngã Ba Kim, xã Púng Luông.

Về nông, lâm nghiệp

 Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2015-2020” đồng bộ, phù hợp với điều kiện của huyện; chú trọng vào tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt khoảng 505,0 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016-2020 là 6,5%, cơ cấu sản xuất trong nông lâm nghiệp đến năm 2020: Nông nghiệp là 70% (trong đó tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 38%), lâm nghiệp 28%, thủy sản 2,0%.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó tập trung: Nghiên cứu trồng thử nghiệm và đưa những loại cây, con giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên địa bàn. Trong đó chú trọng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; nuôi giữ và phát triển các nguồn gien cây, con, bản địa có chất lượng cao. Tăng cường thực hiện công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nhân dân cải tạo đất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đặc biệt là ngô, lúa nước; Sơn tra, lợn đen, gà đen bản địa. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Mật ong Mù Cang Chải, rượu thóc, lúa mỳ và các sản phẩm đặc trưng khác; liên kết quảng bá hàng hóa tại Hội chợ các tỉnh miền núi phía bắc.

 Đối với trồng trọt

Tiếp tục khuyến khích khai hoang ruộng bậc thang trên đất dốc đảm bảo canh tác bền vững ; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, trên đất nương bằng những loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn, những cây lợi thế của địa phương, song không làm mất năng lực sản xuất lúa. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất trên cơ sở nâng cao trình độ thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng giá trị sản phẩm trên diện tích sử dụng đất và tăng năng suất lao động.

 Phấn đấu đến năm 2020, diện tích lúa đạt 6.200 ha (Trong đó: Lúa đông xuân 1.800 ha; lúa mùa 4.400 ha). Diện tích ngô đạt 5.200 ha (Trong đó: ngô xuân hè 4.200 ha; ngô thu đông 1.000 ha). Khảo nghiệm các giống mới có năng suất chất lượng cao đưa vào sản xuất, tỷ lệ giống lai đạt trên 85%. Đồng thời, chú trọng giải pháp trong việc đưa các giống cây trồng bản địa có giá trị kinh tế vào sản xuất (nếp Cao Phạ, nếp tan, Y dĩ,..).  Phấn đấu tổng sản lương thực có hạt năm 2020 đạt 42.200 tấn (Trong đó: thóc đạt 26.226 tấn,  ngô đạt 15.974 tấn).

Tập trung nghiên cứu, trồng những cây vừa có giá trị kinh tế vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng trồng Lúa chất lượng cao, lúa Mỳ, Khoai tây, Tớ dầy, Tam giác mạch, Cải dầu, Cúc quỳ... các cây dược liệu có giá trị hàng hóa (Đẳng sâm, Đương quy, Gừng...). Hình thành vùng chuyên sản xuất rau an toàn từ 20 - 30ha theo tiêu chuẩn VIETGAP tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Khao Mang.

 Phát huy lợi thế giá trị kinh tế cây chè Shan, duy trì ổn định diện tích 300 ha chè cho sản phẩm, tập trung cải tạo, nâng cao năng suất chất lượng chè còn lại. Tổ chức kiểm tra các đơn vị thu mua, chế biến chè đồng thời hướng dẫn quy trình chế biến chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Lâm nghiệp

 Bảo vệ tốt 73.886,8 ha rừng hiện có, đầu tư phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Triển khai Đề án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học, giai đoạn 2014 - 2021.

 Xác định hợp lý diện tích đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng theo quy hoạch 3 loại rừng. Phát triển kinh tế rừng gắn với chuyển đổi diện tích 3 loại rừng; làm giầu rừng trên những diện tích rừng thưa, kém chất lượng bằng biện pháp khoanh nuôi kết hợp trồng bổ sung những loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, tăng giá trị canh tác lâm nghiệp; rà soát diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang thành rừng sản xuất; quy hoạch, mở rộng phát triển diện tích trồng rừng bằng các cây đa tác dụng như cây Sơn tra, Vối thuốc, cây Pơ Mu, cây dược liệu khác trong rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ và vùng đệm giáp rừng đặc dụng gắn bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái.

Giai đoạn 2016 - 2020, tiến hành trồng mới 3.500 ha cây Sơn tra, phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 6.000ha Sơn tra; xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá các sản phẩm từ Sơn tra và một số sản phẩm khác từ rừng gắn với bảo quản, chế biến, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm. Khôi phục, duy trì phát triển 1.500 ha cây Thảo Quả. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án quản lý cây Sơn tra, cây Thảo quả trên địa bàn huyện.

Hình thành 4 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cung ứng vật tư phân bón, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản tại xã Púng Luông, Dế Xu Phình, Khao Mang và Thị trấn Mù Cang Chải.

 Đối với chăn nuôi, thủy sản

Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển chăn nuôi hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025” theo hướng kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ gia đình vừa và nhỏ, chuyển dần sang hình thức chăn nuôi bán công nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nhằm tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp và tăng giá trị chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng dần sản phẩm chăn nuôi hàng hóa bán ra ngoài thị trường, giảm dần việc nhập các sản phẩm chăn nuôi vào tiêu thụ trên địa bàn huyện, cụ thể:

Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi đạt 7%/năm.

 Phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn gia súc chính đạt trên 70.000 con, đàn dê đạt 5.600 con, đàn gia cầm đạt từ 200.000 con trở lên. Hình thành hợp tác xã nuôi ong mật Mù Cang Chải tại Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Lao Chải với tổng số trên 10.000 thùng. Toàn huyện có trên 200 mô hình chăn nuôi trong đó, có khoảng 200 hộ nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên; 30 hộ, nhóm hộ nuôi từ 30 con trâu bò trở lên; 15 hộ nuôi từ 1.000 con gia cầm trở lên; 50 hộ nuôi từ 50 con dê trở lên.

Phấn đấu mỗi năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 2.600 tấn. Trong đó: Sản lượng thịt hơi gia súc khoảng 2.460 tấn/năm, sản lượng thịt hơi gia cầm khoảng 140 tấn/năm. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của chợ Gia súc, thúc đẩy lưu thông sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Tận dụng tối đa các diện tích đất nhỏ, lẻ ven đồi, ven suối để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc, trồng thêm 100 ha. Phòng chống dịch bệnh, chống đói, rét; tiêm phòng vắcxin; tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân làm chủ được các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh thú y cho đàn gia súc, gia cầm. 

Duy trì, phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh trên Đèo Khau Phạ; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Khao Mang và các lòng hồ khác, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 11,9 ha; nuôi cá chép ruộng (thêm 200 ha); sản lượng đến năm 2020 đạt 95 tấn.

Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong 5 năm tới, việc xây dựng nền nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa; sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và chế biến sâu là hướng đi đúng đắn, phát huy thế mạnh của huyện ở từng mặt hàng, sản phẩm, số lượng (ổn định); từng bước nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá thành sản phẩm, góp phần tạo động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện vùng cao ngày càng phát triển.

 

638 lượt xem
(Theo Trang TTĐT Mù Cang Chải )

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h