Thực hiện Nghị quyết liên tịch số
02/NQLT-NHNN-HND ngày 30/6/2010 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Hội Nông
dân Việt Nam về việc phối hợp theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày
12/4/2010 của Chính phủ, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp,
đã có hàng ngàn hội viên Hội nông dân ở Yên Bái được vay vốn để đầu tư vào sản
xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngay sau khi ký chương trình phối hợp, Hội
Nông dân tỉnh đã xác định công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hội viên, nông dân, nhất là việc phổ biến
những quy định, thủ tục cho vay vốn đến với nông dân.
Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông
dân tỉnh cho biết: “Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với
chính quyền, đoàn thể và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái, Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tuyên truyền các chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chính sách tín dụng phục
vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010
của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn”.
Để chương trình phối hợp có hiệu quả, hàng
năm các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp về
huy động vốn; trong đó, chủ động bố trí nguồn vốn tín dụng đảm bảo đáp ứng yêu
cầu thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên
địa bàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng - Giám đốc Chi nhánh
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Đến nay,
Hội Nông dân có 282 tổ vay vốn ký hợp đồng tín chấp với Chi nhánh và doanh số
cho vay năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011, doanh số cho vay đạt
32.851 triệu đồng thì đến năm 2015 đạt 120.869 triệu đồng; dự nợ tín dụng năm 2011
tăng từ 52.327 triệu đồng lên 175.687 triệu đồng năm 2015".
"Từ nguồn vốn vay này, hàng năm đã
giúp cho trên 5.000 hộ được vay vốn nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng
hóa gắn với thị trường, góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới” - ông Hồng nói.
Từ nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mà nhiều hộ hội viên nông dân đã mạnh
dạn đầu tư vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, chế biến nông lâm sản và dịch vụ.
Nhiều hộ không những thoát nghèo còn vươn lên làm giàu chính đáng, tiêu biểu
như: hộ ông Nguyễn Văn Cao, xã An Phú (Lục Yên) với mô hình chăn nuôi lợn; hộ
ông Đào Bá Tiệp, xã Phú Thịnh (Yên Bình) với mô hình kinh tế tổng hợp...
Tính đến 31/8/2015, tổng nguồn vốn của các
ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 12.400 tỷ đồng, so với năm
2010 tăng 1,93 lần. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 2,87 lần;
tỷ trọng nguồn vốn huy động tại địa phương so với tổng nguồn vốn chiếm
49,87% năm 2010 lên 74,19% năm 2015.
Qua đó, đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn
lượt hộ nông dân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động
sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn được tiếp cận vốn tín dụng ngân
hàng. Cùng với đó, số lượng khách hàng thuộc đối tượng chính sách cũng được
quan tâm.
Từ năm 2010 đến 31/8/2015, các chi nhánh
ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân đã thực hiện giải ngân cho 304.482 lượt
khách hàng thuộc đối tượng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn với tổng doanh số cho vay 27.617 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 6.351 tỷ
đồng, tăng 1,74 lần so với thực hiện năm 2010; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân
hàng năm đạt 14,8%/năm.
Số lượng khách hàng còn dư nợ vay thuộc đối
tượng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 142.774
khách hàng (142.517 hộ gia đình, cá nhân, 232 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã, tổ
hợp tác).
Tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu như: cho vay
sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 44,34%; chế biến, tiêu thụ nông, lâm,
thủy sản 6,8%; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp 21,68%;
phát triển ngành nghề nông thôn, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông,
lâm, thủy sản, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 8,26%; cho vay tiêu dùng 18,92%.
Có thể khẳng định, trong 5 năm qua, các chi
nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã quán triệt và triển khai
tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc chính sách tín dụng phục vụ phát triển
nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn vốn tín dụng của các chi nhánh ngân
hàng, các quỹ tín dụng nhân dân ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn
của các đối tượng được vay vốn, từng bước tháo gỡ những vướng mắc và tạo điều
kiện cho khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh cơ chế tín dụng thông thường, việc
cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã
hội được đẩy mạnh đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các đối tượng chính sách, thực hiện tốt các chương trình xóa đói giảm nghèo,
đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, bình
quân giai đoạn 2011 - 2015 giảm 4%/năm.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì
những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân tỉnh và các chi nhánh ngân hàng trên
địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số
55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn
mới; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về chính
sách tín dụng theo Nghị định 55; đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát
đối với các khoản cho vay thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp, nông thôn bảo đảm an toàn, hiệu quả.
(Theo Báo Yên Bái)