Cùng đi với Đoàn, về
phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh
đạo UBND huyện Văn Chấn; UBND xã Suối Giàng và đông đảo bà con nhân dân xã Suối
Giàng.
(Lễ cúng cây Chè tổ Suối Giàng)
Tại đây, Đoàn đại biểu cấp cao của
tỉnh Val-de-Marne đã được chứng kiến lễ cúng cây Chè tổ của người dân xã Suối
Giàng. Đây
là một nét phong tục độc đáo của người Mông Suối Giàng. Lễ cúng thường được tổ
chức vào tháng 10 hoặc trong dịp mở hội đầu xuân, trước khi bước vào vụ
thu hái chè. Người dân trong xã đã dâng con gà sống đẹp nhất, xôi nấu bằng gạo
nếp nương mới, những hạt muối trắng, chai rượu ngô thơm nhất để dâng lên trời,
đất, thần Chè cầu cho mưa thuận gió hoà, cho một vụ chè bội thu, cuộc sống của
người dân được ấm no, hạnh phúc.
Ngoài thăm quan vùng
chè cổ thụ Suối Giàng, Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Val-de-Marne còn được
tham gia hoạt động hái chè, sao chè theo phương pháp truyền thống tại gia đình
chị Chang Thị Chư ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng và thưởng thức các sản phẩm Chè
Suối Giàng.
(Đại biểu của tỉnh Val-de-Marne tham gia hoạt động chế biến chè tại địa phương)
(và thưởng thức hương vị Chè Suối Giàng)
Tỉnh Yên Bái đã hợp tác với Hội đồng tỉnh
Val-de-Marne thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển bền vững và gia tăng giá trị
kinh tế thương hiệu chè Suối Giàng. Mục tiêu là cải tiến hệ thống quản lý và
canh tác của nông hộ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được
tổ chức chứng nhận có uy tín trên thế giới cấp chứng nhận “sản phẩm chè hữu cơ”
và chứng nhận “thương mại bình đẳng” cho sản phẩm chè Suối Giàng. Cải tiến hệ thống cơ sở chế biến đáp ứng các tiêu
chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xây dựng
thương hiệu, quảng bá hình ảnh, xuất khẩu sản phẩm chè Suối Giàng trên thị trường
Pháp và châu Âu với giá bán tương đương với chè hữu cơ trên thế giới; sản phẩm
chè Suối Giàng được bảo hộ bởi đăng ký chỉ dẫn địa lý trên thị trường Việt Nam
và châu Âu.
Trong những năm tiếp
theo của giai đoạn 2014 - 2019, hai tỉnh sẽ tiếp tục hợp tác về Dự
án “Thành lập ngạch thương mại bình đẳng cho sản phẩm chè Suối Giàng”. Đây là dự
án được tỉnh Val-de-Marne hỗ trợ kinh phí, được xây dựng với những mục tiêu cụ
thể nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi để bảo tồn, phát triển bền vững
và gia tăng giá trị kinh tế thương hiệu đối với sản phẩm chè Shan tuyết Suối
Giàng; nâng cao thu nhập cho người trồng chè, gắn với tổ chức lại chuỗi giá trị
để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.
Sau nhiều năm nỗ lực trong việc bảo tồn và phát
huy giá trị cây chè Shan tuyết Suối Giàng, đầu năm 2016, quần thể 400 gốc chè
cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và
Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam. Nằm ở độ cao trên 1.300 m
so với mực nước biển, xã Suối Giàng - huyện Văn Chấn được thiên nhiên ban tặng
cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Cây chè Shan
tuyết Suối Giàng được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của
cây chè, mang nhiều nguồn gen quý. Huyện Văn Chấn
đang chỉ đạo các ngành chức năng và các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu sản phẩm
chè Shan tuyết Suối Giàng xúc tiến thực hiện đăng ký mã số, mã vạch trên bao bì
sản phẩm để hoàn tất việc xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng.
Ngoài ra, huyện Văn Chấn đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát
triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu bảo
tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm
2020, trồng mới 600 ha chè Shan tuyết Suối Giàng tại 6 xã vùng cao của huyện.
Huyện sẽ trích ngân sách gần 250 triệu đồng hỗ trợ nhân dân cây giống và kỹ
thuật trồng, chăm sóc.