Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Trạm Tấu tiếp tục phát huy tinh thần “4 tại chỗ”

09/04/2018 14:02:13 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, huyện Trạm Tấu thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vào tháng 10 năm 2017, Trạm Tấu đã chịu thiệt hại rất nặng nề.

Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra công tác di dân, tái định cư cho người dân xã Xà Hồ trong đợt thiên tai tháng 10/2017.

Mưa lũ đã làm chết và mất tích 15 người, bị thương 15 người, sập trôi hoàn toàn 29 nhà, 106 nhà bị sạt lở phải tháo dỡ, di dời, sạt ta luy 46 nhà. Về giao thông, toàn huyện có 13 tuyến đường đi xã bị hư hỏng nặng với khối lượng sạt lở trên 19.800m3; 3 cầu cống bị trôi hoàn toàn, 09 cầu bị hư hỏng. 

Hệ thống đường xã đi thôn bản có 251 vị trí sạt lở ta luy dương, sạt lở ta luy âm tại 11 vị trí với tổng khối lượng 14.200m3 đất đá gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đi lại của người dân. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng 182 công trình thủy lợi, đổ gẫy 13 cột điện, cuốn trôi 4 phòng học tại xã Hát Lừu, 20 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 248 tỷ đồng. 

Phát huy tinh thần "4 tại chỗ”, Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai; huy động trên 9.050 lượt cán bộ, công chức viên chức và nhân dân các xã giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường; tìm kiếm người mất tích, thu hoạch 120 ha lúa tại các khu vực ven suối; di chuyển 41 hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”, ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện cho biết: Đối với chỉ huy tại chỗ, trước mùa mưa lũ huyện đã chủ động xây dựng, phê duyệt phương án PCTT - TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT- TKCN từ huyện đến các xã, thị trấn, trong đó chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng đến công tác củng cố, kiện toàn các tiểu ban của cấp thôn, bản; xây dựng, điều chỉnh và bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai chi tiết sát với tình hình thực tế, xác định rõ các khu vực trọng yếu cần di dời, các khu vực sơ tán dân và phương án di dời khi có thiên tai xảy ra.

Đối với lực lượng tại chỗ, huyện đã lập danh sách các lực lượng nòng cốt tham gia công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn như lực lượng đoàn thanh niên, quân đội, công an từ huyện đến các xã, thị trấn. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn về địa bàn phụ trách, số người tham gia, phương tiện vật tư cần thiết.

Hàng năm, huyện đều tổ chức tập huấn, huấn luyện, tập duyệt, rèn luyện các kỹ năng về cứu hộ, cứu nạn theo kế hoạch. Đối với phương tiện, vật tư tại chỗ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị và sẵn sàng các loại phương tiện, vật tư cần thiết gồm cuốc xẻng, dao phát, máy cưa, áo phao, dây buộc và một số phương tiện, vật tư khác như máy phát điện, loa cầm tay, ôtô, máy xúc... luôn sẵn sàng phục vụ trong công tác phòng chống thiên tai khi cần thiết. 

Về công tác hậu cần tại chỗ, Trạm Tấu đã tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm gồm gạo, nước uống, chất đốt, thuốc y tế... bảo đảm dự trữ ít nhất từ 7 ngày trở lên trong trường hợp khẩn cấp.

Cũng theo ông Hưng, năm 2018, dự báo tình hình thiên tai sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, Trạm Tấu vẫn xác định thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. 

Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện xác định công tác dự báo kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin cảnh báo liên tục, thường xuyên đến với các xã, thị trấn và người dân để chủ động phòng, chống.

Tiếp tục khảo sát các khu vực dân cư đề xuất xây dựng các dự án di dân tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ còn nằm trong vùng nguy hiểm được chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn không có quỹ đất di dân tập trung, rà soát các hộ ở những vùng nguy hiểm có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tự chuyển đến nơi an toàn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức di dân xen ghép.

Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng nguy hiểm cả trước, trong và sau mưa lũ; thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai ở những vùng trọng điểm thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất và các thôn, bản lẻ có nguy cơ bị chia cắt khi mưa, lũ xảy ra; đồng thời, thực hiện tốt công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống, hỗ trợ giống cây trồng để nhân dân khôi phục sản xuất ngay sau khi thiên tai xảy ra.

 

1060 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h