Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái nâng cao năng suất, sản lượng ngô

26/10/2017 09:46:06 Xem cỡ chữ Google
Với lợi thế của tỉnh, những năm gần đây Yên Bái phát triển mạnh trồng ngô trên đất soi bãi, ngô đồi, ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Ngô đã thực sự là cây trồng quan trọng, diện tích và sản lượng chỉ đứng thứ 2 sau lúa.

Nông dân xã Yên Bình, huyện Yên Bình chăm sóc ngô vụ đông.

Ngô đã và đang là cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông thôn, nhất là vùng sâu vùng cao. Tuy nhiên, diện tích trồng thì lớn nhưng năng suất, sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương và cần có những giải pháp hiệu quả hơn.

Hiện nay, diện tích ngô toàn tỉnh đạt trên 29.000 ha, chiếm trên 41% diện tích gieo trồng cây lương thực, sản lượng đạt gần 100 ngàn tấn. Trong đó, ngô trồng trên đất 2 vụ lúa là trên 4.000 và 6.000 ha trồng trên đất bãi, đất chuyên màu, còn lại trồng trên đất có độ dốc từ 15 - 25o. Nhằm đưa cây ngô trở thành cây trồng chính góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, Yên Bái đã có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ và chỉ đạo phát triển sản xuất.

Các địa phương, các ngành, các cấp cũng vào cuộc chỉ đạo vận động nhân dân các dân tộc vùng cao, nhất là các xã thượng huyện của huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô đồi khá hiệu quả. Tuy nhiên, năng suất cây ngô tại Yên Bái mới chỉ đạt 70 - 75% năng suất ngô bình quân chung của cả nước và chỉ đạt 55 - 60% tiềm năng năng suất của giống ngô lai.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến năng suất, sản lượng ngô của tỉnh thuộc nhóm thấp nhất cả nước là do sản xuất thiếu tập trung, mức độ đầu tư thâm canh thấp. Diện tích ngô được trồng hầu hết ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó trồng tập trung tại các huyện Văn Chấn 3.800 ha; Văn Yên 3.350 ha; Lục Yên 3.500 ha và Mù Cang Chải 3.700 ha...

Ngô được gieo trồng trong 3 vụ sản xuất chính là vụ xuân, hè - thu và ngô đông. Về cơ cấu giống, có trên 95% diện tích ngô được gieo trồng bằng các giống ngô lai, diện tích ngô thụ phấn tự do hiện chỉ còn rất ít và tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao hoặc vùng ven đô thị - nơi có nhu cầu sử dụng ngô làm lương thực (ăn tươi).

Các giống ngô lai được sử dụng chủ yếu là C919, B06, LVN10, CP999, NK4300. Nguồn giống được cung ứng chủ yếu qua hệ thống cung ứng của Trung tâm Giống cây trồng, các đại lý vật tư nông nghiệp và một số công ty ngoài tỉnh cung ứng thông qua các đại lý bán buôn, bán lẻ.

Nguyên nhân dẫn tới năng suất ngô thấp là do phần lớn diện tích sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mức độ đầu tư phân bón cho thâm canh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. 

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là sản xuất bị ảnh hưởng lớn vào điều kiện thời thiết, khí hậu, địa hình dốc cao, nên các chi phí gián tiếp lớn, khả năng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất hạn chế tạo nên giá thành cao khả năng cạnh tranh và lợi nhuận thấp, chưa khuyến khích được người dân đầu tư phát triển ngô hàng hóa.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất ngô, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập bền vững cho nông dân cần áp dụng nhiều giải pháp thiết thực.

Đối với giống, bà con nên sử dụng các giống ngô lai năng suất cao phù hợp với vụ sản xuất như giống NK4300, DK6919, B06, AG59, NK66, NK67, BioSeed 9698, LVN885, LVN25, LVN99, SB099... Đối với diện tích gieo trồng bằng các giống ngắn ngày hoặc mức độ đầu tư thâm canh cao, nên bố trí mật độ từ 5,5 - 6,0 vạn cây/ha.

Các diện tích đầu tư thâm canh cao, áp dụng kỹ thuật trồng trên 7,0 vạn cây/ha. Để sản xuất ngô đạt năng suất trên 50 tạ/ha, lượng phân bón phổ biến cho các giống để đạt  năng suất 5 - 7 tấn/ha cần bảo đảm: phân hữu cơ từ 8 - 10 tấn + 520 - 550 kg NPK + 150 - 180 kg đạm Ure + 90 - 120 kg Kali Clorua/ha.

Một trong những giải pháp nữa nhằm tăng năng suất ngô một cách bền vững là việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, ngoài việc tập trung làm tốt vấn đề giống, thời vụ, đầu tư phân bón cho thâm canh thì việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác mới như: kỹ thuật làm ngô bầu và kỹ thuật làm đất tối thiểu sẽ là giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề thời vụ và nguồn nhân lực cho sản xuất vụ đông. Khuyến khích các chủ hộ sản xuất thay thế thiết bị tẽ ngô quay tay và đạp chân bằng máy bóc. 

Đối với những vùng sản xuất tập trung có khối lượng sản phẩm lớn, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến đồng bộ gồm: máy tẽ hạt, máy sấy...

Cùng đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, các HTX tiêu thụ sản phẩm ngô. Tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) liên kết với các hộ dân theo hình thức cung ứng vật tư đầu vào và thu mua lại sản phẩm.

Giải quyết tốt những hạn chế và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tăng mức đầu tư phân bón, chú trọng thu hoạch và sau thu hoạch, chắc chắn năng suất, sản lượng ngô sẽ tăng lên và trở thành cây trồng chủ lực.

 

1366 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h