Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh: Hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu 200 triệu USD

29/10/2017 04:43:00 Xem cỡ chữ Google
Trong năm 2015 - 2016, Sở Công thương Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề tài: "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu (XK) các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Yên Bái”.

Công nhân Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đóng gói sản phẩm măng tre Bát độ để xuất khẩu.

Mục tiêu của Đề tài là điều tra, khảo sát hoạt động XK các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh trong thời gian vừa qua để từ đó đánh giá hiện trạng những kết quả, hiệu quả đã đạt được; những khó khăn, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất giải pháp xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy XK các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương Yên Bái, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Trong giai đoạn 2010 đến 2014 kim ngạch XK (KNXK) đạt bình quân 47 triệu USD/ năm đều đạt và vượt so với kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên so với tiềm năng XK của tỉnh cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra đến năm 2020 giá trị KNXK đạt 200 triệu USD, thì kết quả XK vừa qua vẫn còn khá khiêm tốn và nếu không có đánh giá đầy đủ về thực trạng XK để tìm ra giải pháp phù hợp thì rất khó có thể đạt được mục tiêu này.

Vì vậy, ngay sau khi Thuyết minh Đề tài được phê duyệt tại Quyết định số 1808/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nhóm nghiên cứu thực hiện Đề tài đã tiến hành nhiều phương pháp nghiên cứu như: khảo sát, sưu tầm tài liệu, điều tra phỏng vấn, tổng hợp báo cáo, hội nghị, hội thảo khoa học... 

Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài là: các doanh nghiệp; các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước thuộc địa bàn 7 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái gồm huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ - ông Biên cho biết thêm.

Nhóm thực hiện Đề tài đã thực hiện 428 phiếu, trong đó, điều tra, khảo sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố là: 50 phiếu/ 50 doanh nghiệp; phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lý Nhà nước, người dân tại địa phương 7 huyện, thị xã, thành phố là: 378 người/ 378 phiếu.

Qua kết quả khảo sát, phỏng vấn trực tiếp cho thấy các cán bộ quản lý nhà nước đều có câu trả lời khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy XK các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Yên Bái, góp phần thúc đẩy XK hàng hóa, tăng giá trị XK, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Ở câu hỏi "Ông (bà) có quan tâm đến hoạt động XK hàng hóa hiện nay không”, chủ yếu nhận được câu trả lời là: Có. Câu hỏi: "Ông (bà) đánh giá thế nào về hoạt động XK tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay” chủ yếu nhận được câu trả lời là hoạt động XK hiện nay tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng XK có thế mạnh của tỉnh vẫn ở mức trung bình...

Về kết quả khảo sát thực tế tại 50 doanh nghiệp thuộc 7 huyện, thị, thành phố. Trả lời câu hỏi "Nguồn nhân lực Marketing (phụ trách về công tác XK của doanh nghiệp) hiện tại đã đáp ứng chưa?”. Có 35/50 trả lời: "Tương đối tốt”. Trả lời câu hỏi "Doanh nghiệp đánh giá thế nào về hoạt động XK của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay”.

Câu trả lời thu được chủ yếu là: hoạt động XK của các doanh nghiệp có các sản phẩm XK trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ ở mức trung bình. Hay với câu hỏi: "Khó khăn của doanh nghiệp đối với hoạt động XK các sản phẩm là gì?” có 22/50 phiếu trả lời là: "thông tin thị trường”; 8/50 phiếu là: tiếp cận thị trường; 10/50 phiếu cho rằng chưa có cán bộ chuyên trách; 10/50 phiếu trả lời: chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ XK phù hợp .

Trả lời câu hỏi: "Trong thời gian tới, nếu có các giải pháp của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại thúc đẩy XK các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Yên Bái, thì doanh nghiệp có xem xét để tham gia không? Kết quả thu được, có tham gia: 45/50 phiếu; không tham gia: 5/50 phiếu...

Cùng với phương pháp điều tra, khảo sát tại 50 doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước, người dân, nhóm thực hiện Đề tài đã triển khai tuyên truyền quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm của 5 doanh nghiệp trên Cổng Thương mại điện tử quốc gia ECVN (Vietnam Export); trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Yên Bái, đăng tải thông tin trên Cổng thông tin thị trường xuất nhập khẩu trực tiếp nước ngoài VietnamExport gồm: Hợp tác xã Suối Giàng (Văn Chấn); Công ty cổ phần Chè Liên Sơn (Văn Chấn); Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (thành phố Yên Bái); Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình); Công ty cổ phần Mông Sơn (Yên Bình).

Việc triển khai tuyên truyền, quảng bá nhóm sản phẩm được đăng tải gồm: tinh bột sắn, các sản phẩm quế (tinh dầu quế, quế vỏ); các sản phẩm chè (chè đen, chè xanh, chè tuyết cổ thụ); các sản phẩm gỗ (gỗ ghép thanh, gỗ ván ép, đũa gỗ); Các sản phẩm khoáng sản (đá khối, bột đá CaCO3 các loại); các sản phẩm măng tre sấy khô XK đã được khách hàng truy cập và tìm hiểu thông tin ngày một tăng. Các doanh nghiệp được chọn để tuyên truyền quảng bá bước đầu đã nhận được thông tin trao đổi của các khách hàng trong và ngoài nước và đã có doanh nghiệp tìm được bạn hàng mới, ký kết hợp đồng XK.

Thông qua việc tuyên truyền hình ảnh của doanh nghiệp trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Yên Bái và tuyên truyền trên Cổng Thương mại điện tử quốc gia ECVN (Vietnam Export): Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã có khách hàng giao dịch mua sản phẩm tinh bột sắn, bước đầu đã ký được 1 hợp đồng với khách hàng Trung Quốc; mở rộng thêm được khách hàng mua sản phẩm giấy đế, giấy vàng mã.

Hợp tác xã Suối Giàng, đã có khách liên hệ đến tham quan nhà xưởng, vùng nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ và ký kết biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm; Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, đã có một số khách hàng đến tham quan doanh nghiệp và vùng nguyên liệu chè, ký kết biên bản ghi nhớ để thương lượng và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Công ty cổ phần Mông Sơn, đã có khách hàng đại diện của Đài Loan, Hàn Quốc trao đổi thông tin qua Email và qua điện thoại để tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm và hứa hẹn sẽ đến doanh nghiệp tham quan tìm hiểu sản phẩm và thương lượng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; Công ty cổ phần Yên Thành, đã có khách hàng đại diện của Nhật Bản đăng ký mua sản phẩm măng sấy khô để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho công nhân...

Sản phẩm CaCO3 siêu mịn của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái được vận chuyển đi xuất khẩu.

Qua kết quả nghiên cứu Đề tài cho thấy, hiện nay các mặt hàng XK của các doanh nghiệp ở Yên Bái chưa thực sự đa dạng, chưa được chú trọng quan tâm; ít thị trường XK mới, chưa mở rộng được thị trường đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển và hội nhập. Chất lượng một số sản phẩm XK thiếu ổn định, thiếu tính bền vững; thiếu vùng nguyên liệu cần thiết đáp ứng được chất lượng nguyên liệu tốt để cung cấp cho sản xuất hàng XK...

Nguyên nhân chủ yếu là: thiếu đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp làm công tác XK tại doanh nghiệp; thiếu sự đầu tư, trang bị cho hoạt động xúc tiến thương mại; chậm đầu tư, đổi mới thiết bị phục vụ sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, sản xuất được các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng tiềm năng. Chậm đổi mới khi tham gia vào chuỗi thị trường XK quốc tế; việc hợp tác giữa nông dân (nguồn cung cấp nguyên liệu) và nhà doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa thực sự theo hướng bền chặt...

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 đặt ra đến năm 2020, giá trị KNXK đạt 200 triệu USD, các ngành chức năng của tỉnh cần tích cực hơn trong việc triển khai các chương trình về hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường XK; triển khai, áp dụng tốt các giải pháp nhằm phát huy và vận động tối đa các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm có thế mạnh XK của tỉnh.

Tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để giúp các doanh nghiệp XK tiếp cận với các thị trường tiềm năng phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có thế mạnh XK của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có hoạt động XK các sản phẩm thế mạnh của tỉnh được thông quan nhanh chóng. Đáp ứng nhu cầu XK hàng hóa của doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài.

Thường xuyên cập nhật và hướng dẫn các doanh nghiệp các cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh cần xây dựng kinh phí trình UBND tỉnh quyết định việc bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương cho các dự án về hỗ trợ XK...

Đối với doanh nghiệp cần xem xét và đưa ra mục tiêu xây dựng bộ phận làm công tác XK chuyên nghiệp có chuyên môn sâu về XK để nghiên cứu, hỗ trợ chủ doanh nghiệp trong công tác tiếp cận thị trường quốc tế; chủ động tham gia tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh doanh nghiệp trên các Cổng giao dịch Thương mại điện tử quốc gia ECVN; trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Thường xuyên quan tâm để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhất là các hội chợ thương mại gắn với các mặt hàng mà doanh nghiệp có thể cung cấp ra thị trường quốc tế; lựa chọn những mẫu sản phẩm có thế mạnh của doanh nghiệp để đầu tư đổi mới thiết bị phục vụ cho sản xuất nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu khách hàng để tăng khả năng mở rộng thị trường trong tương lại.

Chủ động hợp tác và đầu tư vốn kỹ thuật cho nông dân vùng nguyên liệu để có vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho sản xuất đồng thời kiểm soát được sản phẩm đầu vào của quá trình XK hàng hoá... Như vậy, mới có thể hoàn thành được mục tiêu đến năm 2020 giá trị KNXK của tỉnh đạt 200 triệu USD.

 

934 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h