Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tạo đột phá, góp phần xây dựng nông thôn mới

12/12/2017 07:28:39 Xem cỡ chữ Google
Trấn Yên đã lựa chọn và xác định được những cây trồng, vật nuôi phù hợp và có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bước đầu đã hình thành và phát triển mở rộng một số cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương. Đó là thành công bước đầu từ Chương trình Kinh tế nông nghiệp trọng điểm (KTNNTĐ) giai đoạn 2015 - 2020 của huyện.

Vùng ngô hàng hóa xã Đào Thịnh được đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lương, giá trị sản phẩm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXI xác định, phát triển nông nghiệp và XDNTM là chương trình phát triển kinh tế, xã hội trọng tâm giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng, phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; tiếp tục phát triển, mở rộng các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm...

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế nông nghiệp, huyện đã tập trung phát triển kinh tế theo vùng gồm: vùng phía Bắc (vùng thượng huyện) tập trung trồng dâu nuôi tằm, cây lâm nghiệp, chè nguyên liệu, sản xuất lúa chất lượng cao, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vùng tả ngạn sông Hồng phát triển mạnh về nguyên liệu quế tại các xã: Y Can, Quy Mông, Kiên Thành và trồng tre măng Bát độ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi đại gia súc. Vùng hạ huyện, tập trung trồng chè chất lượng cao, nuôi thủy sản, đặc biệt là chuyển ruộng 1 vụ sang nuôi thủy sản tại các xã: Minh Quân, Vân Hội, Việt Cường...

Cùng với phân vùng, xác định cây trồng chủ lực, huyện chỉ đạo tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chủ lực như: tre măng Bát độ, chè Bát tiên, trồng dâu nuôi tằm, sản phẩm quế, cây ăn quả có múi. Hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm sản xuất bền vững. Những vùng chuyên canh đã được hình thành: vùng tre măng Bát độ gần 2.500 ha, quế gần 14.000 ha, chè chất lượng cao trên 500 ha, trồng dâu nuôi tằm trên 250 ha; bước đầu hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi 500 ha tại các xã phía Tây của huyện.

Trong chăn nuôi, từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa; phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn; đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất.. đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm.

Chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm (KTNNTĐ) được gắn với thực hiện chương trình XDNTM, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua đó, làm thay đổi nhận thức, tư duy của nhân dân trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Kiên Thành là xã vùng cao và nhờ phát triển, hình thành vùng tre măng Bát độ theo hướng hàng hóa, đến nay mỗi năm thu gần 20 tỷ đồng từ bán măng. Hay như xã Hồng Ca cũng là một xã vùng cao vô cùng khó khăn nhưng với những định hướng cụ thể của huyện, Hồng Ca đã quy hoạch phát triển tre măng Bát độ và vùng cây ăn quả có múi tập trung ở thôn Khe Nhàng, Nam Thái, Chi Vụ và Nam Hồng.

Nhờ vậy, cả xã đã có 70 ha cây ăn quả có múi và phấn đấu đến năm 2020 có 100 ha. Từ những cây cam sành đầu tiên, đến nay anh Lương Đình Khương ở thôn Nam Hồng đã phát triển lên 8 ha với trên 1.000 gốc cam. Năm 2016, gia đình anh thu 300 triệu đồng và năm 2017 dự kiến thu khoảng 400 triệu đồng. Lương Thịnh là xã có lợi thế kinh tế đồi rừng.

Để nâng cao giá trị, người dân không chỉ trồng rừng bán nguyên liệu mà còn hình thành 44 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng thu hút gần 500 lao động với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hay như xã Hưng Thịnh, từ phát triển cây ăn quả có múi, mỗi năm đã đem về nguồn thu trên 17 tỷ đồng.

Có thể nói, thông qua Chương trình KTNNTĐ đã tạo nên những bước đột phá, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu XDNTM. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình KTNNTĐ vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Sản xuất vẫn dựa nhiều vào kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao, rủi ro lớn. Sản phẩm hàng hóa nông sản phần lớn chưa có thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm đặc trưng... khó cạnh tranh trên thị trường. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được cho phát triển...

Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, huyện Trấn Yên tiếp tục triển khai mở rộng các loại cây trồng có thế mạnh đã và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM. Mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm nông sản bền vững, tạo cơ sở để Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái.

 

1125 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h